Vụ “Ruột China da Hoàng Khải” khẳng định thêm một điều, Việt Nam có nhiều sản phẩm có giá trị, xuất sắc hơn các nước, thôi ít nhất là so sánh với nước láng giềng Trung Quốc. Sản phẩm của Việt Nam hơn Trung Quốc thì mới có chuyện mua hàng Trung Quốc dán mác Việt.
Gốm sứ Giang Tây - một trong những mặt hàng dễ bị trà trộn vào đồ gốm sứ Việt Nam. |
Cũng từ vụ Khaisilk, nhiều thông tin cho biết, còn một số sản phẩm thương hiệu Việt nhưng ruột Trung Quốc. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội các Làng nghề Việt Nam - cho biết, không chỉ Khaisilk mà lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng cũng bán hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Lưu Duy Dần đưa thông tin sốc, có nhiều cửa hàng bán gốm Bát Tràng nhưng thực ra là gốm sứ Giang Tây - Trung Quốc.
Còn bao nhiêu nhãn hiệu hàng Việt đang độn ruột hàng Trung Quốc? Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - trả lời Tuổi Trẻ ngày 2.11: “Có thể nói tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu, đặc biệt là hàng Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt, phổ biến rộng khắp ở nhiều lĩnh vực, từ quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm cho đến vật liệu xây dựng như thép, tôn, thậm chí là cả những sản phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và cả nền sản xuất như tân dược, phân bón, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản...”.
Báo chí cũng từng đưa tin, có những cửa hàng bán nông sản Trung Quốc nhưng dán mác Đà Lạt. Nay thêm sản phẩm của các làng nghề, cho thấy chúng ta đang làm giàu cho thiên hạ và bán đứng thương hiệu của mình. Một chút lòng tham nhưng dần dần sẽ làm mất đi danh tiếng và sản phẩm chất lượng của các làng nghề truyền thống.
Thử tìm nguyên nhân xem sao. Các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có thương hiệu là báu vật mà cha ông để lại, nhưng không làm ra được sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh. Cho nên, nhà buôn chơi trò phù phép, mua hàng Trung Quốc về dán mác các thương hiệu tên tuổi Việt, một kiểu làm ăn quá dễ mà kiếm lời to. Có thế anh Hoàng Khải mới có dinh thự và dàn xe hơi xa xỉ.
Hàng của Trung Quốc tràn vào thay hàng sản xuất từ các làng nghề, vậy thì các làng nghề thua, chỉ về giá thôi cũng đủ chết. Bởi vì, chúng ta có thương hiệu làng nghề, nhưng hữu danh mà vô thực, chúng ta thừa hưởng di sản của cha ông nhưng không phát huy, làm giàu có sang trọng mà làm lụi bại, thật xấu hổ với tiền nhân.
Người buôn bán vì lòng tham nên nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam mà không cần suy nghĩ về việc bảo vệ thương hiệu Việt, người sản xuất ở các làng nghề không sản xuất được sản phẩm đủ sức cạnh tranh với những kẻ làm giả thương hiệu của mình, quản lý thị trường không kiểm soát được. Chính chúng ta giết chết nền sản xuất của chúng ta.
Những "tên tuổi" nào quảng cáo cho "bà chủ" lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng?
Như Dân Việt đã đưa tin, bà chủ của lô hàng mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng nghi giả vừa bị cơ quan chức ... |
Hành xử với thương hiệu
Sự việc ông chủ thương hiệu KhaiSilk thừa nhận dùng lụa Trung Quốc giả lụa Việt Nam để bán với giá đắt vừa qua khiến ... |
http://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhieu-thuong-hieu-viet-bi-long-tham-ban-dung-573766.ldo
Ngày đăng: 10:00 | 03/11/2017
/ Lê Thanh Phong/Báo Lao động