Thông tin doanh nghiệp Thái chiếm 34% vốn Nhà máy nước Sông Đuống làm dấy lên những ồn ào trong dư luận, khi người Thái đang dần dần thâu tóm những lĩnh vực trọng yếu, những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam.
"Khẩu vị" của người Thái
Nói đến những thương vụ "chơi lớn" của các tỉ phú Thái không thể không kể đến việc người Thái mua lại "ông lớn" ngành bia Sabeco.
Sabeco chính thức về tay tỉ phú người Thái vào cuối năm 2017. Tập đoàn tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống của Thái - ThaiBev đã bỏ ra 5 tỉ USD để có mua lại Sabeco.
ThaiBev nhận định Sabeco là doanh nghiệp có chất lượng cao. Sabeco cũng là động lực tăng trưởng chủ lực của ngành hàng bia trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại.
Sabeco có thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam, tình hình tài chính và kinh doanh tăng trưởng tốt với việc chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam.
Doanh thu và lợi nhuận của Sabeco liên tục tăng qua các năm. Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới đây nhất cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 18.570 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 2.819 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018, do kết quả của lợi nhuận gộp tăng cũng như doanh thu tài chính tăng cao và kiểm soát tốt chi phí quản lý doanh nghiệp. Năm 2019, Sabeco đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 4.717 tỉ đồng.
The Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan) hiện là một trong những công ty nắm quyền chi phối trên 20 doanh nghiệp được xem là "máu mặt" tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến Nhựa Bình Minh. Năm 2018, Tập đoàn SCG thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 54%. Đây là doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam, với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm.
The Nawaplastic Industries cũng đã chi 1.000 tỉ đồng mua lại 80% vốn của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) - top 5 công ty sản xuất bao bì tại Việt Nam vào năm 2015.
Không tiếc tiền để sở hữu
Không chỉ là những doanh nghiệp lớn, mà người Thái còn nhắm đến nhiều lĩnh vực khác trong đó có thể nhắc đến tiêu dùng.
Theo đó, thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu bán lẻ đầu ngành, Thái đang nắm trên 50% thị trường tiêu dùng Việt. Cụ thể, Central Group chi 1,14 tỉ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4.2016. Đầu năm 2015, Central Group cũng chi hơn 200 triệu USD mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Trước đó, năm 2013, tập đoàn Berli Jucker Plc đã thâu tóm 65% cổ phần của Phú Thái Group - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc.
Các lĩnh vực khác như nông nghiệp và sản xuất đều đang có bóng dáng của người Thái. Trong đó có thể kể đến, tập đoàn SCG bỏ ra hơn 2.000 tỉ để mua 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy lọc Hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). SCG cũng chi gần 5.000 tỉ đồng mua lại 85% vốn Công ty CP Prime Group - doanh nghiệp sản xuất gạch lát bằng gốm nắm trên 30% thị phần Việt Nam.
Thực hư thông tin Sabeco bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm? |
Trung Quốc thúc giục doanh nghiệp nhà nước thâu tóm hàng loạt công ty Hong Kong |
Trước mùa "hốt bạc", bánh kẹo Hữu Nghị bất ngờ bị thâu tóm |
Ngày đăng: 14:34 | 21/11/2019
/ laodong.vn