Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, người phụ nữ ấy luôn nhấn mạnh 2 chữ “bài học”. Đó là bài học chị tự mình trải nghiệm, đón nhận khi lựa chọn lối rẽ hoàn toàn mới; là bài học đối diện với những thời khắc kinh doanh khó khăn nhất; là bài học cân bằng giữa kinh doanh với gia đình nhỏ. Và trên hết chính là bài học mà chị muốn những người đi sau nhận ra từ chị để có kinh nghiệm cho riêng mình.
Năm 2012, Thạc sỹ Truyền thông Vũ Hoài Thu – khi ấy đang là Phó Giám đốc một công ty truyền thông nước ngoài có tiếng tại Việt Nam có chuyến công tác tại Mỹ. Điều đó vốn dĩ bình thường với người phụ nữ đang quen bận rộn, nó chỉ khác thường ở điểm: Thay vì nhắm mắt nghỉ ngơi thì hôm đó chị lại đọc tạp chí rồi bị cuốn hút bởi câu chuyện về 2 chàng trai khởi nghiệp từ nấm, đến mức nó đã thay đổi cả cuộc đời chị.
Không rõ câu chuyện về 2 chàng trai cùng hình ảnh những cây nấm nhỏ đeo đẳng chị trong bao lâu, chỉ biết là một ngày đẹp trời chị đột ngột nộp đơn xin thôi việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp cũng như gia đình. Làm sao không ngỡ ngàng được khi vị trí của chị khi ấy là ước mơ của nhiều người, không ngăn cản sao được khi thứ mà chị chọn để đeo đuổi còn quá mới và quá nhiều khó khăn.
“Giống như nhiều người, chồng tôi phản đối gay gắt. Tôi không nhớ đã phải dùng bao lý lẽ để thuyết phục, tôi chỉ nhớ khi tôi nói rằng: Tuổi trẻ chỉ có một, em muốn được sống với đam mê và khát vọng của mình. Vài năm nữa khi em có tuổi, sức ỳ đã quá lớn có muốn em cũng không thể làm được nữa thì chồng tôi cũng đành ậm ừ đồng ý” – chị Thu kể.
Chị chọn nấm, còn người thân của chị chọn an toàn. Chị có lý khi muốn theo đuổi đam mê và thử thách nhưng gia đình chị cũng không hề vô lý khi mong muốn chị toàn tâm toàn ý cho công việc hiện tại, cho gia đình nhỏ chuẩn bị chào đón thành viên thứ hai. Không ít người đã gọi tên quyết định của chị là “liều” và đầy “mơ mộng”, thiếu đi sự thực tế.
Nhưng với một người phụ nữ đã quen làm việc bằng cách lên kế hoạch bài bản, chắc chắn đó không phải là phút mộng mơ cảm tính – vốn là điểm yếu của đa số phụ nữ.
Lá đơn xin nghỉ việc cuối cùng đã được gửi. Chị bước sang một chương mới của cuộc đời mình ở cái tuổi không còn trẻ…
Quyết định gắn bó với nấm nhưng chị chưa vội sản xuất nấm cũng chưa vội lập nhà xưởng mà trước tiên chị nghĩ: Phải đi học đã. – chị Thu kể.
Khóa học hơn 20 ngày ở tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện di truyền) thực sự giúp chị vỡ vạc nhiều điều về nấm.
“Khi quyết định rẽ ngang, tôi chỉ mới thích chứ chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng sau khóa học ngắn đó tôi được tiếp cận với đa chiều thông tin, thông tin từ những người đang làm nấm, từ các thầy dạy về nấm, và đặc biệt là những thông tin về chuyên môn, về thị trường” – chị Thu nhớ lại.
Sau khi kết thúc khóa học, chị càng thận trọng với từng bước đi của mình, chưa nóng vội đi vào sản xuất mà tiếp tục thăm dò thị trường. Chị dành nhiều thời gian trong ngày để lang thang ở các siêu thị. Chỗ nào cũng bày bán nấm, nhưng rất hiếm để có thể tìm mua được sản phẩm nấm có xuất xứ từ Việt Nam, đa phần đều là hàng nhập ngoại.
Những câu hỏi xuất hiện dồn dập trong đầu chị: Tại sao nấm được trồng rất nhiều mà lại không thể phân phối ở các siêu thị lớn? Tại sao lại phải dùng hàng nhập khẩu? Tại sao và tại sao? Hàng loạt câu hỏi ấy giúp chị hiểu rằng thị trường trong nước vô cùng tiềm năng và đang bị bỏ ngỏ.
Đây chính là cơ hội mà chị cần nắm bắt và khởi động thật nhanh mọi kế hoạch đã dự định từ trước. Và quan trọng hơn “tôi xác định chỉ tập trung vào nấm Việt Nam vì tôi tin nấm trồng ở Việt Nam sẽ không hề thua kém gì các loại nấm nhập khẩu, chỉ là người tiêu dùng chưa biết đến và các nhà sản xuất chưa tự tin, mạnh dạn đầu tư mà thôi”.
Lập kế hoạch chi tiết đến đâu thì khi hành động chị lại “thần tốc” bấy nhiêu, đó chính là điều bất ngờ mà chị khiến người đối diện luôn có cảm giác tò mò đầy thú vị. Chưa sản xuất nấm, chị lựa chọn trở thành một mắt xích quan trọng trong khâu tiêu thụ - đó là nhà phân phối thương mại về nấm. Chị đi khắp các tỉnh thành trong cả nước như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Đà Lạt... để lựa chọn đối tác.
Chưa hết, ngoài 3 loại nấm cơ bản đã có truyền thống ở Việt Nam là nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, chị đã bàn bạc với các đối tác sản xuất thêm một số loại nấm đặc sản nữa để tung ra thị trường hơn chục loại nấm “made in Việt Nam” 100%.
Và thật bất ngờ, những sản phẩm nấm được khoác tấm áo mới, chễm chệ ở những vị trí đẹp và bắt mắt nhất tại các hầu khắp các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội.
Nấm tươi Lý Tưởng “chào sân” đầu năm 2013, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi chị nghỉ việc, sinh con...
Chị chia sẻ: Nhiều người khởi nghiệp cứ cân nhắc mãi. Suy nghĩ, phân tích biết tới đâu gọi là “đã chín”. Phải biết điểm “đủ” để quyết định hành động ngay, cứ lao vào làm cái đã, vừa làm vừa sửa tiếp, nếu sai thì làm lại, hãy luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, cả tinh thần lẫn tài chính.
Khi những sản phẩm nấm tươi đầu tiên lên kệ là lúc chị bắt đầu một kế hoạch mới cho mình, cũng là “nhánh” thứ hai mà khi lựa chọn tên công ty, chị đã ấp ủ trong đầu: Kinh doanh thực phẩm chế biến.
Tất nhiên vẫn là nấm – loại thực phẩm đã mê hoặc và quyến rũ chị.
Nhưng đâu dễ như làm nấm tươi. Khi phân phối nấm tươi chị có thể đưa ra tiêu chuẩn để người sản xuất làm theo, chị thu mua rồi tạo cho nấm một hình hài, diện mạo mới để đến với thế giới người tiêu dùng. Còn sản phẩm chế biến từ nấm lại khác. Từ trước đến giờ chưa ai làm, đồng nghĩa với việc không có công thức, không có thị trường.
“Ngay lúc đó tôi nhận thức được 2 vấn đề: Mình sẽ là người đầu tiên bước chân vào thị trường và cũng sẽ là người nắm được lợi thế trong phân phối. Nhưng đó cũng chính là thử thách vô cùng lớn khi phải chấp nhận sự thật là vì mới nên sẽ khó được đón nhận” – chị tính toán.
Đúng như chị dự đoán, tuy “một mình một chợ” nhưng đâu dễ “bán buôn”. Những ruốc nấm, pate nấm, giò nấm, bột canh nấm, nem, chả nấm… tất cả đều là khái niệm mới toanh với người tiêu dùng. Có người thích thú khám phá nhưng cũng có người e dè, hoài nghi.
Chưa kể thói quen của người tiêu dùng Việt là ưa chuộng những thực phẩm tươi, không quen với đồ chế biến sẵn, đó chính là “khối băng” vững chãi mà ngay từ đầu chị xác định phải “phá” được bằng chính chất lượng sản phẩm của mình.
Và hành trình ấy với chị lại là câu chuyện dài.
Mỗi sản phẩm ra đời, được đem đi tiêu thụ chị lại hồi hộp đón chờ phản ứng, “có người khen lạ, nhưng cũng có người chê thẳng thắn là không ngon, chẳng có gì thú vị… tôi đón nhận hết” .
Như phía trên đã nói, sự cầu toàn của Hoài Thu đôi khi đẩy chính chị vào “rắc rối”. Chị tự đề ra mục tiêu mỗi năm phải đưa ra thị trường khoảng 10 sản phẩm mới. Ngay khi nghe xong, tôi đã đánh giá đó không phải là chướng ngại vật dễ chinh phục, và bản thân chị cũng thừa nhận điều đó. Bằng chứng là không ít sản phẩm vẫn đang phải tìm mọi cách “lấy lòng” người tiêu dùng. Thậm chí, đã có sản phẩm chị phải ngậm ngùi loại bỏ vì không được đón nhận.
Sắp tới, nước mắm nấm, nấm đông trùng hạ thảo ngâm với mật ong…là những “chiến binh” mới nhất đang được chị kỳ vọng có thể chinh phục được thị trường…Có thể đó sẽ là những chiến binh tinh nhuệ nhất, cũng có thể sẽ phải tạm dừng bởi sự đắt đỏ và kén người dùng. Nhưng có hề gì khi chủ nhân của những sản phẩm ấy là người không ngại đối diện với khó khăn, thậm chí còn luôn “lên kịch bản” trước cho sự thất bại của mình.
Tuyển Việt Nam đấu Malaysia: Có nên mạo hiểm với Xuân Trường?
Xuân Trường dần lấy lại hình bóng của mình sau màn thể hiện trong chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Lào, ra quân AFF Cup ... |
Sau 3 năm chia tay Hari Won, rapper Đinh Tiến Đạt giờ ra sao?
Nam rapper đã chia sẻ rất thẳng thắn về tin đồn có bạn gái mới từng gây xôn xao dư luận trước đó. |
Tuấn Vũ làm liveshow ở Hà Nội sau 5 năm bị cấm diễn
Ca sĩ hải ngoại hát trong đêm nhạc "10 năm tái ngộ" vào ngày 9/12 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam. |
Thu nhập 33 tỷ đồng/năm của nữ streamer khiến nhiều người choáng
Tuy nhiên cái kết đắng của ngành công nghiệp livestream này lại khiến có người thiệt mạng. |
Ngày đăng: 09:39 | 14/11/2018
/