Cuối năm 1998, khi quân đội Mỹ-Anh mở cuộc không kích "Cáo sa mạc" vào Iraq, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cùng toàn thể cán bộ sứ quán đã chọn ở lại Baghdad.
Thực ra, ông đã chỉ thị cho các cán bộ nữ và vợ con sang nước láng giềng Jordan sơ tán, nhưng không ai chấp hành. "Đại sứ vẫn ở lại thì tôi cũng không đi", một chị từng là thanh niên xung phong nói.
Ở lại Iraq, ngoài công việc thường ngày, sứ quán còn đối mặt với nhiệm vụ nặng nề, đón tiếp đoàn doanh nghiệp sang ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho Iraq theo chương trình "Đổi dầu lấy lương thực" của Liên Hợp Quốc. Đoàn doanh nghiệp 28 người tới cửa ngõ Baghdad vào đêm trước chiến tranh sau khi trải qua hành trình 1.000 km, mệt nhoài vì mất ngủ và hơi lạnh của đêm tối sa mạc. Tin tưởng vào sự động viên của Đại sứ Khai, đoàn tiếp tục đi vào Baghdad khi tên lửa hành trình Tomahawk và Cruise đã sẵn sàng phóng đi. Ba thành viên nữ duy nhất trong đoàn là Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinafood 1 Cao Thị Hảo, Tổng giám đốc Vocarimex Dương Ngọc Trinh cũng bất tuân lệnh "quay về Việt Nam" của trưởng đoàn Lê Huy Côn - thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Họ trải đệm nằm la liệt trong phòng khách, nhà ăn và hành lang của sứ quán.
"Tôi còn nhớ như in những tiếng nổ rát tai, tiếng gầm rú của tên lửa khi chúng tôi làm việc với các đối tác Iraq", ông Khai nhớ lại. Họ được đưa xuống hầm toà nhà trụ sở Bộ Công nghiệp và Khoáng sản. Phía Iraq bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần quả cảm của các cán bộ và doanh nhân Việt Nam. Việc đàm phán diễn ra thuận lợi và các hợp đồng trị giá 700 triệu USD nhanh chóng được ký kết. Bà Mai Kiều Liên sau này thường nhắc tới chuyến đi lịch sử ấy với cam kết: "Nếu bây giờ phải đi vào những nơi chiến tranh để tìm được thị trường cho sữa Việt Nam, tôi cũng sẽ vui vẻ lên đường".
Về Việt Nam, rồi quay lại Vùng Vịnh. Năm 2003, ông Nguyễn Quang Khai là đại sứ cuối cùng trong các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Iraq rời Baghdad, chỉ hai ngày trước cuộc chiến Vùng Vịnh lần ba nổ ra vào tháng 2 năm đó. Tôi không ngạc nhiên với sự điềm tĩnh này của ông.
Đến tháng 9/2003, tôi bàng hoàng nhận tin đoàn công tác do Đại sứ Khai dẫn đầu lâm nạn khi quay lại Iraq lúc chiến sự vừa tạm lắng. Đó là đoàn cán bộ 13 người đi tìm đường giải cứu 35.000 tấn chè sản xuất cho thị trường Iraq nhưng bị kẹt lại ở Việt Nam, không giao được do chiến tranh và thay đổi chính quyền ở Iraq. Tôi nỗ lực nguyên ngày gọi điện thoại vệ tinh cho ông nhưng bất thành. Sau cùng, một lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam xác nhận tin đau buồn lúc nửa đêm: hai cán bộ ngoại giao của sứ quán và Tổng giám đốc của họ đã thiệt mạng trong một tai nạn nghiêm trọng trên đường vào Iraq.
Những người gắn bó với ngôi nhà Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq, với tôi chính là những "siêu nhân" đời thường trong bộ áo công chức. Vì thế, tôi đón nhận tin sứ quán này đóng cửa năm ngoái với chút ngậm ngùi.
Buổi đầu làm báo, tôi từng mang nặng một số định kiến về những người thuộc bộ máy nhà nước. Tôi nghĩ tất cả công chức đều "sáng cắp ô đi tối cắp ô về". Câu chuyện của đại sứ Khai cùng các đồng nghiệp của ông ở địa bàn Iraq và không hiếm những hy sinh thầm lặng khác giúp tôi có cái nhìn đa dạng hơn về "người nhà nước". Tôi đã gặp, tiếp xúc với nhiều công chức tận tâm và giỏi nghề, hoàn toàn tương phản với những gương mặt biếng nhác và chỉ lo kiếm chác. L, em họ của tôi làm trong ngành tư pháp hiện rất áp lực vì Bộ Tư pháp sẽ giảm biên chế gần 300 người trong năm tới. "Em thường xuyên làm thêm vào buổi tối, nhưng đau đầu hơn là đảm bảo giải quyết thấu đáo mọi vụ việc để tránh oan sai hoặc bị kiện ngược". Nhiều đồng nghiệp của cô đã chuyển sang làm ở phòng công chứng tư vì công việc hiện tại trong biên chế vất vả, lương lại thấp.
Nhưng không hiếm lần, tận mắt chứng kiến những hành xử không hay chốn công đường khiến định kiến về "người nhà nước" trong tôi rậm rịch quay lại. Đó là lần tôi tham gia chuyến công du ra nước ngoài cùng một số thành viên chính phủ và doanh nghiệp. Trên máy bay, tôi thấy một số quan chức chơi bài với doanh nhân. Một số khác tranh thủ uống rượu. Vài người náo nức nhắc doanh nghiệp đưa đi mua sắm khi tới nơi. Có người tỏ ra thiếu thân thiện vì tôi không đưa tin bài theo khuôn mẫu. Tôi chỉ biết cười trừ.
Những lúc như vậy, tôi nhớ tới sự mẫn cán và tình yêu công việc của những viên chức mình quen biết. Đáng tiếc, sự chuyên nghiệp, tận tụy và "phông" văn hóa của đội ngũ cán bộ vẫn chỉ hạn chế ở những cá nhân riêng lẻ.
Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính ở Việt Nam có khoảng hơn 11 triệu người đang hưởng lưởng từ ngân sách nhà nước, chiếm 20% lực lượng lao động. Tuy đông đúc nhưng hiệu quả của bộ máy vẫn luôn là dấu hỏi với người dân, nhất là với gánh nặng ngân sách. Trong các bảng xếp hạng về tính hiệu quả của khu vực công, Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất luôn nằm trong top 10 thế giới. Quốc gia này được đánh giá rất cao về chế độ thi tuyển công chức dựa trên năng lực và khả năng giữ người tài mặc dù không xếp hạng quá cao về mức lương trả cho công chức. Nghĩa vụ khai báo thu nhập, tài sản của công chức Hàn Quốc trong khi làm việc và sau khi về hưu chặt chẽ nhất, kể cả so với nhiều quốc gia có thu nhập cao khác.
Chúng ta có thể học hỏi được đôi điều. Việc tinh giản biên chế hay tăng lương - như nhiều ý kiến phát biểu – có lẽ không phải là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng cán bộ nhà nước. Nó cần được thực hiện song song với việc cải thiện chất lượng thi tuyển, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cả bộ máy mà Chính phủ phải cầm trịch. Một đội ngũ cán bộ tinh hoa là tiền đề của chính phủ kiến tạo, nơi cung cấp những dịch vụ xứng đáng với từng đồng thuế, phí của người dân.
Cẩm Hà
Ngày đăng: 09:24 | 27/10/2019
/ vnexpress.net