Nhiều người dân Nga đã đổ đến ngân hàng rút tiền và đổi ngoại tệ do lo ngại lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Lo ngại đồng RUB mất giá, nhiều người dân Nga quyết định ra ngân hàng rút tiền đổi sang ngoại tệ, đặc biệt là USD. Theo Bloomberg, do lo ngại đồng rúp mất giá sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều người dân Nga quyết định xếp hàng dài tại các điểm rút tiền để tích trữ ngoại tệ.
Một số ngân hàng thậm chí chỉ chấp nhận đổi USD với tỉ giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa hôm 25/2. Các chuyên gia kinh tế cho biết Ngân hàng Trung ương Nga sẽ sớm tăng lãi suất nếu đồng RUB trượt giá lên 100 RUB/USD.
Người Nga đổ xô đi rút tiền đổi ngoại tệ tích trữ |
Mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT và đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, nhiều nước tại châu Âu cũng đóng cửa không phận đối với máy bay Nga. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển ngoại tệ vào nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với một nền kinh tế lớn. Do đó, thị trường có thể xuất hiện một vài biến động trong phiên mở cửa hôm nay.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đồng rúp sẽ giảm mạnh. Tỉ giá hối đoái giữa các ngân hàng bắt đầu có sự chênh lệch từ hôm 27/2. Cụ thể, ngân hàng Alfa có tỷ giá 1 USD đổi 98,08 RUB; ngân hàng Sberbank đổi 1 USD lấy 99,49 RUB; ngân hàng VTB Group đổi 1 USD lấy 105 RUB; ngân hàng Otkritie đổi 1 USD lấy 115 RUB.
Trong khi đó, giá đồng rúp giao ngay đóng cửa ở mức 83 RUB/USD trên sàn giao dịch Moscow hôm 25/2.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo tăng nguồn cung tiền mặt cho các máy ATM để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Cơ quan này đồng thời bảo đảm nguồn cung đồng rúp “không bị gián đoạn” cho các ngân hàng khác. Song, thông báo không đề cập đến khả năng hỗ trợ ngoại tệ và vấn đề trừng phạt.
Lần cuối cùng Nga đối mặt với tình trạng cạn tiền mặt là vào năm 2014, thời điểm giá dầu lao dốc do các lệnh trừng phạt từ phương Tây tác động đến tỉ giá hối đoái. Sberbank, ngân hàng lớn nhất tại Nga, nhanh chóng cạn kiệt 1.300 tỷ rúp (16 tỷ USD) trong vòng một tuần.
Các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT |
Khi Nga đưa quân tiến vào Ukraine, EU quyết định ra tay trừng phạt kinh tế. Các biện pháp của họ cơ bản gồm ngăn chính phủ và các ngân hàng Nga vay nợ trên thị trường tài chính toàn cầu, chặn nhập khẩu công nghệ và đóng băng tài sản của những người Nga có ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, những lựa chọn này nhằm giảm thiểu tác động cho nền kinh tế Nga và hạn chế ít nhất mức độ tổn hại có thể gây ra cho Liên minh châu Âu.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 37% thương mại nước ngoài vào năm 2020. Phần lớn trong số đó là năng lượng. Khoảng 70% xuất khẩu khí đốt của Nga và một nửa xuất khẩu dầu của nước này là sang châu Âu. Doanh số bán hàng cho Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch thương mại của châu Âu với thế giới, nhưng trong nhiều thập kỷ, nước này đã là điểm đến quan trọng của các công ty châu Âu trong một loạt ngành, bao gồm tài chính, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng, ôtô, hàng không vũ trụ và hàng xa xỉ.
Các quốc gia phương Tây cũng đắn đo khi loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu được gọi là SWIFT, được sử dụng bởi các ngân hàng ở 200 quốc gia. Đến nay, các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
PV (t/h)
Bị loại khỏi SWIFT, kinh tế Nga bị ảnh hưởng thế nào? |
Phương Tây đồng ý cắt một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT |
Phương Tây loại loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT |
Ngày đăng: 08:38 | 28/02/2022
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống