Trước ý kiến của động đảo cử tri rằng, cần chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa di động trong khu dân cư, nhiều người dân ở TPHCM đã đồng tình ủng hộ.
Bức xúc chung
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đã nêu lên bức xúc của đông đảo cử tri về tình trạng hát karaoke, ca nhạc bằng loa thùng di động, gây ồn ào, mất trật tự trong các khu dân cư. Vì vậy, ý kiến cần chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa di động trong khu dân cư được nhiều người dân ở TPHCM đồng tình ủng hộ.
Sống trong hẻm nhỏ tại đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1, chị Bùi Thị Thương và 2 con nhỏ đã lâu không có những buổi tối yên tĩnh. Bởi hàng xóm ở đây thường xuyên tụ tập ăn uống hát hò tới khuya. Mấy quán ăn gần đó, nhiều đêm tiếng loa kẹo kéo cũng gây ôn ào đến tận quá 22 giờ vẫn chưa dứt.
Vì ảnh hưởng đến các con nhỏ nên một vài lần chị qua nhắc khéo hàng xóm, nhưng đâu lại vào đấy, khiến chị Thương vô cùng bức xúc. Do đó, khi nghe được ý kiến của bà Tô Thị Bích Châu trên bàn nghị sự cần chấm dứt tình trạng này, chị Thương vô cùng phấn khởi và hy vọng chính quyền thành phố (TP) sớm có những giải pháp xử lý nghiêm khắc.
Ông Nguyễn Xuân Thành (61 tuổi, ở khu cư xá Bắc Hải, quận 10) cũng mong mỏi người dân cần ý thức hơn trong việc hát karaoke ở khu dân cư. Ông cho rằng, nếu hát karaoke thì nên vặn âm lượng vừa đủ hoặc đóng cửa lại, âm thanh sẽ giảm đi rất nhiều. Khi hát, người có nhu cầu giải trí phải lưu ý giờ giấc nghỉ ngơi chung của mọi người.
Cần phải có hành lang luật pháp nghiêm khắc
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-600.000 đồng nếu tổ chức vi phạm).
Như vậy, qui định và chế tài xử phạt đã có. Nhưng vì sao tình trạng hát bằng loa di động vẫn cứ diễn ra? TS Lý Hùng Hiếu - Giảng viên Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - cho rằng, việc người dân hát karaoke to quá mức và quá thời gian cho phép, trước hết là lỗi của hệ thống thực thi luật pháp chưa nghiêm.
“Ở đâu người ta có thể phục vụ lợi ích cá nhân mà không bị trừng phạt nghiêm khắc, họ sẽ không sợ và cứ lặp đi lặp lại việc đó liên tục. Không thể trông đợi vào ý thức tự giác, vì lợi ích cộng đồng ở người dân mãi như thế được. Cần phải có hành lang luật pháp nghiêm khắc và phù hợp với phong tục tập quán của dân cư. Vì TPHCM là nơi tập trung dân cư đến sinh sống và làm việc ở các vùng miền nên luật pháp đô thị không thể áp dụng được.
Chúng ta nên tham khảo luật pháp môi trường đô thị của phương Tây vì họ có truyền thống đó đã mấy trăm năm. Cần phải có một bộ máy thi hành hữu hiệu, phải dựa vào dân, hãy cho dân có chức năng, thẩm quyền để họ giám sát tăng cường năng lực tự quản tự trị. Bên cạnh đó, cần có bộ máy thi hành nhanh nhạy, lắng nghe tiếng cầu cứu của người dân” - TS Lý Hùng Hiếu nhấn mạnh.
Quy định về tiếng ồn và mức xử phạt
Hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2-40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40-200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm); đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.
Chấn chỉnh tình trạng karaoke loa kéo - trách nhiệm thuộc về ai? |
TPHCM: Đề nghị không được hát karaoke bằng loa kéo ở các khu dân cư |
Đột kích nhiều quán karaoke ở Sài Gòn, 87 dân chơi phê ma tuý |
Ngày đăng: 09:31 | 13/07/2020
/ laodong.vn