Thị trường chứng khoán Mỹ xác lập kỷ lục mới sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp và cho biết sẽ giữ chính sách tiền tệ hiện tại cho đến khi kinh tế Mỹ ổn định, lạm phát gia tăng thực sự đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ tăng thêm 0,3% lên đỉnh cao kỷ lục mới: 3.046,77 điểm. Các chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng đều tăng điểm.
Chứng khoán Mỹ hứng khởi trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp và chủ tịch Jerome Powell có những phát biểu tích cực hơn khá nhiều, không cứng rắn như những lo ngại trước đó của giới đầu tư.
Trên thực tế, đúng như dự báo trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ rạng sáng 31/10 (giờ Việt Nam) đã quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm nay bớt 25 điểm cơ bản xuống mức 1,5-1,75%/năm và phát đi tín hiệu cho biết có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ 3 và cho biết chưa nghĩ tới việc tăng lãi suất trở lại. |
Theo CNBC, quyết định cắt giảm lãi suất của Fed cũng như tín hiệu sẽ ngừng giảm lãi suất không gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi các chỉ số đo lường trước đó cho thấy khả năng Fed hạ lãi suất lần này lên tới 93-95%. Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư hứng khởi chính là tuyên bố của ông Jerome Powell cho rằng, Fed sẽ kiểm chứng lạm phát gia tăng “thật sự đáng kể” trước khi Fed nghĩ đến việc nâng lãi suất.
Còn theo nhiều trang báo khác, ông Powell sẽ không nghĩ đến việc tăng lãi suất ngay bây giờ và ông Powell cũng khẳng đinh đợt review khung chính sách lãi suất sẽ kéo đến giữa năm tới. Nước Mỹ không nằm ngoài những áp lực thiểu phát toàn cầu.
Trong quyết định cắt giảm lãi suất làn này có 2 người phủ quyết là chủ tịch Esther George của Thành phố Kansas và ông Eric Rosengren đến từ Boston. Sự phân rẽ trong nội bộ Fed không còn sâu sắc và hỗn loạn như trước.
Trong lần trước, có tới 5 thành viên cho rằng FOMC nên giữ lại phạm vi lãi suất 2-2,25% và chỉ có 5 thành viên đồng tình với đợt hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng muốn giữ lãi suất ở mức này cho đến cuối năm 2019. Có 7 thành viên ủng hộ giảm lãi suất thêm ít nhất 1 lần trong năm nay.
Lần cắt giảm lần này tiếp tục là bước đi lịch sử của nước Mỹ, giảm lãi suất lần thứ 3 trong vòng hơn 1 thập kỷ.
Nước Mỹ thăng hoa sau cam kết của người đàn ông quyền lực |
Trước đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế số 1 thế giới đã giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục: 0-0,25% và duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục này thêm 7 năm trước khi tăng dần 9 lần (4 lần trong năm 2018) lên mức 2,25-2,5%.
Fed hạ lãi suất trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về chiến tranh thương mại và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cũng như sức ép mạnh từ tổng thống Mỹ Donald Trump với những lời lẽ khá gay gắt, cho rằng các thành viên ngân hàng trung ương Mỹ là những người “đầu đất” (boneheads).
Sau quyết định cắt giảm lãi lần này của Fed, ông Donald Trump chưa thấy có động tĩnh gì trên mạng xã hội.
Trước đó, ông Trump liên tục phản ứng trước các quyết định của Fed. Tổng thống Mỹ từng gọi chủ tịch Fed và Fed “lại thất bại”, “không can đảm”, “vô lý” và “không có tầm nhìn”.
Khi đó, theo cáo buộc của ông Trump, Fed đã cắt giảm lãi suất chưa đủ, chưa tương xứng với những hành động nới lỏng tiền tệ của hàng loạt các nước trên thế giới. Ông Trump cho rằng, Fed đang làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ là người nóng lòng nhất về một quyết định đảo chiều chính sách của Mỹ. Ông Trump kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay để hỗ trợ tích cực cho kinh tế Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Ông Trump thậm chí từng dọa sa thải ông Powell. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng nếu Fed không thắt chặt tiền tệ như thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã là 4%, không phải quanh mức 3% như vừa qua. Chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng cao hơn nhiều so với mức 10.000 điểm hiện tại.
M. Hà
Ngày đăng: 10:09 | 31/10/2019
/ vietnamnet.vn