Con mách cha mẹ rằng mình bị đánh, phụ huynh tìm bằng chứng bằng việc lắp camera quay lén trong lớp, vậy việc này có đúng luật?
Những ngày qua, nhiều phụ huynh và giáo viên dậy sóng vì đoạn video ghi lại hình ảnh một giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh, mắng học sinh. Video được cho là do phụ huynh lén đặt camera trong lớp học ghi lại.
Hành động của cô giáo sai hoàn toàn. Nhưng nhiều phụ huynh thắc mắc nếu nghi ngờ, họ có được quyền lén đặt camera để thu thập chứng cứ trong các lớp học không?
Lén đặt camera là vi phạm pháp luật
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc phụ huynh bí mật đặt camera ghi lại hình ảnh trong lớp học là trái luật.
Cụ thể, khoản 1 điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Khoản 1 điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
"Quyền riêng tư, bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm là hiến định, quyền cơ bản nhất của con người và bất cứ ai cũng được pháp luật bảo vệ những quyền này. Quyền riêng tư, bí mật cá nhân được quy định cụ thể hơn là quyền đối với hình ảnh cá nhân trong Bộ luật Dân sự. Lén gắn camera để ghi lại hình ảnh của người khác là xâm phạm đến bí mật đời tư, quyền sử dụng hình ảnh của họ, đó là vi phạm pháp luật", thạc sĩ Quang nói.
Theo giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải xin phép, trừ trường hợp việc đó liên quan lợi ích quốc gia, công cộng, cộng đồng. Trường hợp này, phụ huynh gắn camera mà không có sự đồng ý của cô giáo và học sinh là trái pháp luật. Đầu tiên có thể thấy quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm, danh dự, nhân phẩm của những người có mặt trong video không được bảo vệ.
Nhiều ý kiến cho rằng không gian lớp, trường học cũng là công cộng, pháp luật không cấm việc quay phim, chụp ảnh ở không gian công cộng. Nhưng theo thạc sĩ Quang, lớp học là không gian công cộng có giới hạn, không giống quảng trường, công viên, trạm xe.
"Không gian công cộng nhưng con người là riêng tư, cái pháp luật bảo vệ là quyền bí mật đời tư của các cá nhân. Chưa kể lớp học là không gian công cộng hạn chế, nó chỉ là công cộng đối với 50 học sinh và cô giáo chứ không phải dành cho cả xã hội. Do đó, việc đặt máy quay phim ở nơi mà không có sự đồng ý của những người liên quan là sai", giảng viên này giải thích.
Ban giám hiệu, phụ huynh có thể giám sát giáo viên qua camera khiến giáo viên cảm thấy áp lực. (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Ở đây đặt ra vấn đề giữa quyền đối với hình ảnh cá nhân và quyền giám sát. Nhưng theo thạc sĩ Quang, phụ huynh dù thực hiện quyền giám sát cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân giáo viên và học sinh. Giáo viên và học sinh có quyền được biết có camera. Tương tự các khu phố, trung tâm thương mại có camera quay hình đều có biển thông báo, được xem như là cách hỏi ý kiến người đi qua khu vực đó.
“Trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh, do hành động của cô là sai hoàn toàn, vì lợi ích của 50 học sinh, chúng ta có thể bỏ qua quyền đối với hình ảnh của cô giáo. Nhưng quyền đối với hình ảnh của 50 học sinh này lại không được đảm bảo”, thạc sĩ Quang nói.
Nên gắn camera trong lớp hay không?
Câu chuyện phụ huynh phải lén đặt camera mới có được hình ảnh chứng minh cô giáo sai đặt ra vấn đề liệu có nên đưa camera vào lớp học như "mắt thần" của phụ huynh hay không?
Là người trực tiếp làm việc trong môi trường có camera, cô Nguyễn Hạnh, giáo viên mầm non tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho rằng việc bị quay hình trong lớp học vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại.
"Nhiều khi vấn đề xảy ra, có hình ảnh, cô giáo không bị đổ lỗi oan. Ban giám hiệu cũng nhìn và đánh giá được năng lực nghề nghiệp của giáo viên một cách công bằng. Nhưng phụ huynh quan sát lớp con mình bằng camera lại hay can thiệp thái quá, đôi khi những việc rất nhỏ cũng gọi ngay cho cô giáo và ban giám hiệu. Bản thân mình không thích sinh hoạt của mình bị người khác nhìn", cô Hạnh nói.
Tiến sĩ Phan Thị Thanh Tú, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng lắp camera trong lớp không phải giải pháp tốt ở bậc tiểu học. Ở bậc mầm non, khi trẻ còn quá nhỏ, không biết cách diễn đạt những vấn đề chúng gặp phải trên lớp, việc lắp camera là cần thiết. Nhưng, học sinh tiểu học đã có thể diễn đạt được đầy đủ những vấn đề đó.
"Việc lắp camera tạo áp lực rất lớn cho giáo viên. Người thầy không cảm thấy được tôn trọng. Phụ huynh nào cũng xem con mình là số một, việc dạy và học của giáo viên khi bị can thiệp quá sâu sẽ không hay", TS Tú nêu ý kiến.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng việc lắp camera chỉ là giải pháp phần ngọn, không giải quyết được câu chuyện bạo hành về lâu về dài.
"Có camera, giáo viên không trực tiếp đánh học sinh mà có những thái độ, lời nói gây tổn thương cho trẻ. Khi đó, camera nào có thể ghi được đầy đủ? Hơn nữa, khi có camera, giáo viên cảm thấy e dè như đang bị rình mò, vô tình không có thêm sự sáng tạo, say sưa với nghề”, bà Diễm Quyên nói.
Ngày đăng: 16:06 | 09/10/2019
/ vtc.vn