Trung Quốc cho dù có hung hăng và gây hấn đến đâu cũng không thể hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông nếu tất cả các bên liên quan cùng cất lên tiếng nói mạnh mẽ, đi đôi với đó là biện pháp mạnh mẽ trên thực tế ngăn chặn tham vọng nguy hiểm
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell trong trao đổi với báo chí tại Hà Nội mới đây đã cho rằng, Trung Quốc sẽ “liều lĩnh và hành xử theo cách hung hăng hơn, gây lo ngại lớn ở khắp khu vực”. Ông Kurt Campbell đưa ra nhận định này trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế ở châu Á, cạnh tranh với Mỹ và đặc biệt là sau khi chứng kiến hàng loạt hành động gây hấn, phi pháp mới thời gian qua trên Biển Đông như việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây hấn ở Biển Đông
Vị cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn cho rằng, các hoạt động phi pháp thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông là sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhìn nhận về toan tính của Trung Quốc trong việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính trong thời gian hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, ông Kurt Campbell cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã phát đi tín hiệu về việc sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”), không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Malaysia, Philippines…
Ông Kurt Campbell đánh giá, các tín hiệu của Trung Quốc đưa ra là “rất nghiêm trọng”. Theo đó, nước này không chỉ có các hoạt động trong khu vực thuộc “đường lưỡi bò” tự vẽ ra để đòi yêu sách gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, mà còn tăng cường nhắc đến các thực thể, dù chúng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế. Ông Kurt Campbell khuyến cáo, các nước liên quan ở Biển Đông cần phải thận trọng khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở khu vực thuộc yêu sách chủ quyền đơn phương “đường lưỡi bò” và đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép từ các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Nhìn nhận của ông Kurt Campbell - nhân vật từng giữ cương vị khá cao trong cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ - đã thu hút sự quan tâm và chú ý rộng rãi. Nhiều người đã tỏ ra đồng tình với nhận định này khi cho rằng việc Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cường quốc này sẽ giảm bớt các hành động hung hăng ở Biển Đông. Nếu nhìn vào những gì mà Trung Quốc đã tuyên bố và hành động trên Biển Đông thời gian qua đều có thể thấy rất rõ điều rất đáng lo ngại này.
Hung hăng hơn từ pháp lý tới hành động
Trung Quốc đã gia tăng mạnh các hoạt động đòi chủ quyền trên Biển Đông sau khi chính thức đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, theo đó đòi chủ quyền tới khoảng 80% diện tích Biển Đông. Nhiều vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các bên liên quan vốn được thừa nhận, công nhận theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982.
Thế nhưng, tham vọng đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc chưa dừng lại khi đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) vào năm 2013. “Tứ Sa” được Trung Quốc dùng như một căn cứ pháp lý để đòi chủ quyền ở Biển Đông với diện tích được cho còn lớn hơn là yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đưa ra trước đó.
Cùng với sự leo thang tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng và gây hấn trong hành động trên vùng biển chiến lược, mà không chỉ các quốc gia trong khu vực mà các cường quốc khác trên thế giới cũng có lợi ích sống còn. Đó là việc ráo riết bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, rồi tiến hành việc quân sự hóa.
Trung Quốc từng tạo mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền các bên liên quan cũng như tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo đúng Công ước UNCLOS 1982 trong thời gian gần 1 tháng hồi tháng
5-2014. Thế nhưng, việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu và kéo dài (hơn 3 tháng) vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính mới đây rõ ràng là bước leo thang hơn rất nhiều so với hành động hung hăng và gây hấn trước đó của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhìn lại để thấy rằng, Trung Quốc đang không ngừng leo thang cả về pháp lý và hành động trên Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông!
Biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn tham vọng nguy hiểm
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell dù chỉ rõ việc Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục leo thang các hành động hung hăng trên Biển Đông, song vẫn tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp quốc tế trong việc ngăn chặn những hành vi, tham vọng phi pháp. Bên cạnh đó, ông Kurt Campbell cho rằng, cùng với việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế cũng rất cần sự thể hiện đồng lòng của các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông.
Trên thực tế có thể thấy phán quyết bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện của Philippines là một đòn giáng rất mạnh, bác bỏ hoàn toàn cơ sở pháp lý mà Trung Quốc vin vào để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Phán quyết của PCA là cơ sở để nước liên quan trong khu vực và thế giới đấu tranh, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình theo Công ước UNCLOS 1982.
Cho tới nay, không có bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế lớn nào công nhận chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc. Trong động thái chính thức và mạnh mẽ bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-11 vừa qua đã khẳng định chủ quyền dựa vào bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, nước này lên án Trung Quốc có nhiều hành động khiêu khích nhằm củng cố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý, “dọa nạt” các nước trong khu vực bằng sự bất ổn và nguy cơ xung đột.
Không chỉ có vậy, nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ bằng việc đưa các nhóm tàu chiến và tàu sân bay tiến hành tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Biển Đông là sự bác bỏ trên thực tế yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này.
Trung Quốc cho dù có hung hăng và gây hấn đến đâu cũng không thể hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông nếu tất cả các bên liên quan cùng cất lên tiếng nói mạnh mẽ, đi đôi với đó là biện pháp mạnh mẽ trên thực tế ngăn chặn tham vọng nguy hiểm với tất cả những ai có lợi ích gắn liền với hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này.
Biến động bất ngờ trong Top 10 mẫu xe hút khách nhất tháng 10 |
Trung Quốc và những lần “cài cắm đường lưỡi bò” vào Việt Nam |
Giáo sư Mỹ: Cần công khai những sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông |
Ngày đăng: 15:57 | 12/11/2019
/ anninhthudo.vn