Sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng” tại Đông Nam Á, Nga đang tăng cường hiện diện trong khu vực

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar, Nga đang tự khẳng định nước này là đối tác đầy tiềm năng.

Đẩy mạnh các thương vụ mua bán vũ khí

Nga thúc đẩy quyền lực mềm tại Đông Nam Á giữa lúc Mỹ-Trung cạnh tranh gay gắt - 1
Nga tăng cường xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á. Ảnh: Reuters

Ông Dmitry Mosyakov - chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Khoa học Nga cho rằng, các nhà lãnh đạo Nga hầu như bỏ quên Đông Nam Á trong thập kỷ đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa nước này với phương Tây đã khơi lại mối quan tâm của họ. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nằm ở vị trí chiến lược giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Đông Nam Á đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Nga.

Chuyên gia Dmitry Mosyakov giải thích, việc đáp ứng mong muốn hiện đại hóa quân đội của các nước thành viên trong khối ASEAN đã cho phép Nga vượt lên trên mối quan hệ lỏng lẻo về kinh tế.

“Nếu chỉ nhìn vào các con số thương mại và đầu tư, Nga có vẻ không phải là một người chơi quan trọng. Nhưng khi nhìn vào lĩnh vực an ninh trong khu vực, Nga đang ở vị trí ngang hàng với Mỹ, Trung Quốc và có thể thay đổi cán cân quyền lực bất cứ lúc nào”.

“Bạn không cần phải có kim ngạch thương mại 500 tỷ USD để sở hữu con át chủ bài quyết định ở Đông Nam Á, thay vì đó, chỉ cần cung cấp cho các nước những khí tài tiên tiến nhất của Nga”, ông Dmitry Mosyakov nói.

Trên thực tế, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á từ năm 2000 đến năm 2019, với doanh thu đạt 10,7 tỷ USD. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ đạt doanh thu 7,9 tỷ USD, còn Trung Quốc đạt 2,6 tỷ USD trong cùng thời điểm.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore giải thích một số lý do khiến Nga dẫn đầu thị trường mua bán vũ khí ở Đông Nam Á.

Thứ nhất, các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga có vẻ ít e dè hơn so với đối thủ cạnh tranh từ Mỹ hoặc châu Âu khi bán trang thiết bị mới nhất của họ cho khách hàng Đông Nam Á. Thứ hai, Moscow cung cấp các hợp đồng có giá thành phải chăng mà không đòi hỏi phải có sự ràng buộc về chính trị. Thứ ba, Nga luôn sẵn sàng chấp nhận thanh toán theo hình thức hàng đổi hàng từ các nước bị thiếu hụt dự trữ ngoại hối nhưng có hàng hóa dự phòng.

Thời gian gần đây, Lào đã tăng cường mua vũ khí của Nga, đồng thời đón các chuyên gia quân sự của nước này đến để hỗ trợ việc xây dựng một sân bay. Vào tháng 8 tới, quân đội Lào sẽ tham gia cuộc tập trận chống khủng bố ở vùng Viễn đông của Nga. Đây là lần đầu tiên quân đội Lào tập trận trên lãnh thổ Nga và là lần thứ hai quân đội hai nước tập trận chung.

Khách hàng tiềm năng tiếp theo của Nga là Myanmar. Từ năm 2010 đến 2019, Nga đã bán lượng vũ khí trị giá khoảng 807 triệu USD cho Myanmar, trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai cho nước này sau Trung Quốc với 1,3 tỷ USD. Tháng 1 vừa qua, Nga đã đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay giám sát không người lái và thiết bị radar cho Naypyidaw.

Vào cuối tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Fomin đã trở thành quan chức nước ngoài cấp cao đầu tiên thăm Myanmar sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự ngày 1/2. Đến tháng 5, Tổng tư lệnh không quân Myanmar Maung, Tướng Maung Kyaw dẫn đầu một phái đoàn quân sự tới Moscow để tham dự một triển lãm trực thăng. Hãng thông tấn Irrawaddy của Myanmar cho biết, phái đoàn đã thảo luận về “20 siêu dự án bao gồm mua sắm vũ khí và khí tài quân sự”. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 6 vừa qua, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing ca ngợi Moscow là một “người bạn vĩnh viễn”.

Nhiều nhà phê bình cho rằng, Nga đang hợp pháp hóa chính quyền quân sự của Myanmar. Tuy nhiên, Nga khẳng định nước này đang làm phần việc của mình để hỗ trợ “đồng thuận 5 điểm” được các nước ASEAN đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Myanmar.

“Trong cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh quân đội Myanmar, chúng tôi luôn thúc đẩy lập trường của ASEAN vốn được coi là cở sở để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar và khôi phục lại trạng thái bình thường”, Ngoại trưởng Sergey Lavrov phát biểu trong chuyến thăm Indonesia tuần trước.

Dù vũ khí được coi là “con át chủ bài”, theo nhận định của chuyên gia Mosyakov, song không thể phủ nhận các số liệu thương mại và đầu tư của Nga tại Đông Nam Á vẫn kém xa so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Chưa kể, một số quốc gia Đông Nam Á cũng tỏ ra cảnh giác trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực quốc phòng của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và cáo buộc can thiệp bầu cử. Indonesia được cho là đang rút lại kế hoạch mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga, trong khi kế hoạch mua trực thăng của Philippines cũng đang có nguy cơ đổ vỡ.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Collin Koh cho biết, nhiều đơn vị quân đội đã quá quen sử dụng vũ khí của Nga nên việc chọn lựa một nhà cung cấp vũ khí khác là điều rất khó thực hiện. “Một số quốc gia Đông Nam Á, ở một mức độ nào đó sẽ tiếp tục né tránh hoặc phớt lờ các biện pháp trừng phạt”.

Lời hứa cung cấp vaccine ngừa COVID-19

Ngoài nhu cầu hiện đại hóa quân đội, đại dịch COVID-19 cũng mang đến cho Nga cơ hội để chứng tỏ rằng nước này có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia Đông Nam Á, chứ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp khí tài quân sự.

Các nước như Lào, Myanmar và Philippines đã đăng ký tiếp nhận vaccine Sputnik V của Nga – vốn được Tổng thống Putin quảng bá là “đáng tin cậy như khẩu súng trường tấn công Kalashnikov”. Dữ liệu thử nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy Sputnik V có hiệu quả 91,6% trong ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19, còn vaccine của Pfizer/BioNtech và Moderna đạt hiệu quả 90%.

Indonesia và Nga được cho là đang thăm dò tiềm năng hợp tác trong sản xuất vaccine. Thái Lan hồi tháng 4/2021 cho biết, Tổng thống Putin đã cam kết sẽ cung ứng vaccine cho nước này. Malaysia cũng đã đặt mua 6,4 triệu liều vaccine của Nga. Myanmar thông báo sẽ tiếp nhận 2 triệu liều bắt đầu từ tháng 7. Còn Philippines đã tiếp nhận thêm 170.000 liều vaccine từ Nga vào cuối tuần trước, cùng với 180.000 liều đã được cung ứng. Một số chuyên gia cho rằng, cam kết cung cấp vaccine có thể là bước đi tích cực để Nga tăng cường vị thế trong khu vực.

Chris Devonshire-Ellis, người đồng sáng lập Dezan Shira & Associates – một công ty tư vấn chuyên làm việc với các nhà đầu tư trên khắp châu Á, cho biết: “Tôi nghĩ rằng Sputnik V sẽ giúp giới thiệu thương mại và các năng lực của Nga với nhiều chính phủ và cá nhân ở Nam Á và Đông Nam Á mà trước đây chưa từng có kinh nghiệm hợp tác với quốc gia này”.

"Một sản phẩm thành công, được cung cấp theo đúng cam kết cùng với các điều kiện hợp lý sẽ làm tăng sự quen thuộc, sự tin tưởng, thậm chí giúp xây dựng tình bằng hữu, thứ được coi là “quyền lực mềm”.

Ngoài vaccine ngừa COVID-19, Nga có thể đã tìm thấy một “phương tiện” khác để thay đổi hình ảnh của nước này, đó là Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Được thành lập vào năm 2015, EAEU là một thị trường rộng lớn với 183 triệu dân có GDP vào khoảng 5.000 tỷ USD.

Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với EAEU vào năm 2015 Tiếp đến là Singapore vào năm 2019. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi gần đây cũng công bố kế hoạch thành lập khu thương mại tự do với EAEU, dự kiến tiến hành vào tháng 9/2021.

Ông Devonshire-Ellis cho biết EAEU hấp dẫn các quốc gia Đông Nam Á vì nó cung cấp cho họ một thị trường tương đối lớn. Bên cạnh đó, đối với các nhà xuất khẩu Đông Nam Á, Nga cũng là một tuyến đường vận chuyển thuận tiện đến châu Âu và Trung Á. Việc vận chuyển hàng hóa đến Liên minh châu Âu thông qua cảng Vlapostok của Nga có thể rút ngắn 50% thời gian giao hàng, nhanh hơn nhiều so với vận chuyển qua kênh đào Suez.

Liệu các quốc gia Đông Nam Á có sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn với Nga hay không vẫn còn là điều cần xem xét. Tuy vậy, ASEAN và Nga đã có một “Kế hoạch Hành động Toàn diện" để hợp tác về mọi mặt, từ an ninh đến y tế, xây dựng thành phố thông minh đến quản lý thiên tai từ năm 2021 đến năm 2025.

Nga chắc chắn có thể đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực vì nước này là một cường quốc. Hơn nữa Moscow có thể trở thành đối tác tiềm năng quan trọng với một số quốc gia Đông Nam Á khi những nước này không muốn phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia Koh nhận định.

Vì sao quân đội Trung Quốc xuất hiện khi Mỹ-Trung đàm phán ở Alaska? Vì sao quân đội Trung Quốc xuất hiện khi Mỹ-Trung đàm phán ở Alaska?
Cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska: Ai thắng? Cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska: Ai thắng?
Vừa khẩu chiến nảy lửa ở Alaska, Mỹ-Trung lại tranh cãi gay gắt ở Liên hợp quốc Vừa khẩu chiến nảy lửa ở Alaska, Mỹ-Trung lại tranh cãi gay gắt ở Liên hợp quốc

Ngày đăng: 09:02 | 14/07/2021

/ vtc.vn