Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu doanh nghiệp dầu khí Nga nhận thanh toán tiền khí đốt từ các nước “không thân thiện” bằng đồng ruble, nhưng các nước châu Âu lập tức phản đối hành động này.
Trong hơn 50 năm, kể cả thời Chiến tranh Lạnh, Nga đã đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, khách hàng lớn nhất của Nga và nhiều quốc gia khác. Nga hiện đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Nhà xuất khẩu chính của Nga, Gazprom, có hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các đối tác châu Âu.
Phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, châu Âu đã áp đặt các gói lệnh trừng phạt khắt khe chống Nga, khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, châu Âu đã chưa nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Nga.
Đáp trả phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin hôm 23/3 yêu cầu Ngân hàng Trung ương và Gazprom tìm cách chuyển thanh toán khí đốt Nga sang đồng ruble đối với khách hàng là các quốc gia "không thân thiện" trong vòng một tuần.
RT ngày 26/3 cho biết, danh sách các quốc gia bị Nga cho là "không thân thiện" vì áp đặt trừng phạt chống lại nước này, gồm Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hầu hết các giao dịch hàng hóa toàn cầu được thực hiện bằng USD hoặc euro và chưa rõ Nga có thể buộc các khách hàng lớn nhất của mình thay đổi thế nào.
Chính phủ Nga thu lượng lớn ngoại tệ từ hoạt động bán dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối và vàng của Moscow.
Trong trường hợp các nước lựa chọn thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, họ phải mua nội tệ của Nga thông qua Ngân hàng Trung ương Nga hoặc trên thị trường. Động thái này có thể khiến các chính phủ tăng dự trữ ruble trong các ngân hàng trung ương, từ đó giúp củng cố sức mạnh của đồng ruble.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, đồng ruble đã tăng giá so với đồng USD và đồng euro, trong khi giá khí đốt cũng tăng.
Trong trường hợp các nước khước từ thanh toán bằng đồng ruble, họ có thể bị cắt nguồn cung khí đốt. Nga không cho thấy họ sẵn sàng nhượng bộ. Hiện nay, Đức, Pháp, Italy và nhiều quốc gia ở châu Âu đã lên tiếng cho rằng bước đi của Moscow vi phạm hợp đồng, song Nga chưa phản hồi ý kiến từ châu Âu.
Theo lộ trình được EU thông qua, khối lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, nhưng công việc này sẽ tốn thời gian. Châu Âu hiện chưa có kế hoạch cho khả năng Nga cắt hẳn nguồn cung.
RT cho biết, khí đốt tự nhiên được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ sưởi ấm và nấu ăn, hay cung cấp năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp. Nguồn khí đốt từ Nga bị đình chỉ đột ngột sẽ khiến năng lượng ơ châu Âu bị thiếu hụt và giá khí đốt tăng vọt, kéo theo sự đình trệ của nhiều doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/3 cảnh báo nguy cơ phá sản trên toàn cầu nếu các nước từ chối thanh toán cho xuất khẩu khí đốt của họ bằng đồng ruble.
Trong diễn biến liên quan, Qatar, một trong những nhà cung cấp được lựa chọn giúp EU giảm phụ thuộc vào Nga, ngày 25/3 thừa nhận nước này không thể thay thế Nga trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên cho thị trường châu Âu.
Thái Hà
Ngày đăng: 18:00 | 26/03/2022
/ cand.com.vn