Các kiến trúc sư cho rằng Hà Nội có hai báu vật du lịch, nhưng ta mới chỉ khai thác được một là Văn Miếu. "Báu vật" kia đang oằn mình dưới sự hoang phế.
Các kiến trúc sư cho rằng Hà Nội có hai báu vật du lịch, nhưng ta mới chỉ khai thác được một là Văn Miếu. "Báu vật" kia đang oằn mình dưới sự hoang phế.
Cà phê đường tàu bị đóng cửa sau những phàn nàn về an toàn đường sắt. Khu giải trí yêu thích của giới trẻ Zone 9, sau một vụ hỏa hoạn, cũng không bao giờ mở lại. Việc chính quyền Hà Nội đóng cửa hai địa điểm trên, về mặt lý, đều không có gì sai. Nhưng tại sao nó vẫn để lại nhiều nuối tiếc với người yêu Hà Nội?
Câu trả lời thật ra vô cùng đơn giản: Hà Nội quá thiếu không gian cho công chúng nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí hay sáng tạo.
Trong khi chính quyền không đủ sức để tạo ra những không gian vừa vặn nhu cầu của xã hội, một số nơi do chính xã hội chủ động tạo nên, đã được chấp nhận rộng rãi, lại phát sinh bất cập.
Thử tưởng tượng, bây giờ tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được bắt đầu từ ga Yên Viên. Tàu sẽ không cần vào tới ga Long Biên nữa. Hai cây số từ nhịp dẫn trên phố Phùng Hưng, nối với 12 nhịp chính của cây cầu sắt - "người đương thời" với tháp Eiffel ở Paris - trở thành một không gian sáng tạo. Và các nghệ sỹ được mời gọi chung sức tạo nên một sản phẩm kiểu như "không gian Long Biên". Chắc chắn người ta sẽ không còn nuối tiếc cà phê đường tàu đầy rẫy hiểm nguy để cuối ngày có thể tản bộ lên cây cầu, bảo tàng sống 130 tuổi, thưởng thức một ly cà phê và lặng lẽ ngắm hoàng hôn đổ bóng trên mặt sông đầy ký ức.
Tôi đọc tin tức về cà phê đường tàu trong một buổi chiều xuân xứ tuyết ở Tasmania, Australia. Những bông bồ công anh khiêu vũ trong ánh nắng vàng xuyên qua tàng thông xanh như trải mật xuống lòng sông. Chúng tôi đang lặng ngắm đàn vịt trời luồn lách qua những khóm cỏ lăn hai bên mép vòm dưới chân cây cầu cổ Richmond. Cảm giác thân thuộc từ rất xa xôi bỗng chốc ập về. Dường như, tôi thấy lại những năm tháng sinh viên, ngồi vắt vẻo trên một thanh dầm chìa, đoạn giữa cầu Long Biên trong tiết heo may mùa thu Hà Nội, lặng ngắm dòng sông Hồng vào mùa cạn, lững lờ xuôi về Ba Lạt mờ xa.
Richmond ở Tasmania dù chỉ là một cây cầu đá dài 41 mét bắc qua một con sông nhỏ, nơi có rất ít người và phương tiện qua lại, nhưng luôn là điểm đến không thể thiếu với bất kỳ ai thăm viếng hòn đảo Úc châu. Nó được xếp hạng di sản, là cây cầu cổ nhất nước Úc nhưng không phải bởi giá trị kiến trúc mà nhờ những câu chuyện về vùng đất "tù nhân" đầy khốc liệt. 41 mét dài, người ta có đi bộ vô cùng chậm rãi, cũng chỉ mất không hơn 10 phút, nhưng giá trị lịch sử lại không phụ thuộc vào độ dài ngắn của thành cầu. Cây cầu già Richmond được xây dựng năm 1823 bởi 3.000 tù nhân gửi sang từ Anh Quốc, nối liền mạch một con đường được gọi với cái tên "đường tù". Khi những hậu nhân của một phương Tây hiện đại ghé thăm di sản của thực dân Anh trên đảo Tasmania, cả trang lịch sử ngồn ngộn của vùng đất lao cải được lật trở về.
Tôi cứ nghĩ, những người từng gắn bó với Hà Nội như mình, khi rời xa, có thể lãng quên nhiều thứ để hòa vào nơi sống mới, nhưng khó có thể quên được Hồ Gươm, Tháp Bút và viền đăng ten mềm mại bắc ngang hai bờ tả hữu sông Hồng. Cầu Long Biên không chỉ là một con đường cho tàu chạy và người đi, cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng bởi trước đó người ta phải dùng thuyền, nó còn là "tháp Eiffel nằm ngang", cây cầu vắt qua lịch sử của Việt Nam. Với biết bao người Việt Nam, chỉ với hình ảnh của cây cầu, lớp lớp ký ức sẽ cuồn cuộn đổ về.
Cầu Long Biên được thiết kế bởi Gustave Eiffel, được hoàn thành bởi một công ty đến nay vẫn còn đang hoạt động. Người ta kêu Hà Nội không có chỗ chơi, giới trẻ không biết ngồi đâu ngắm thành phố, khách du lịch ngoài ăn và uống thì chẳng biết làm gì. Nhưng đã hơn một lần, cơ quan chức năng đề nghị di dời cầu Long Biên và xây cầu mới thay thế. May mà, đề xuất này chưa được thực hiện.
Ở Paris, La promenade plantee được phát triển từ một đường sắt trên cao đã không còn sử dụng. The High Line của New York cũng là một đoạn đường sắt cũ được cải biến thành một không gian sáng tạo đầy quyến rũ với khách bộ hành. Giá trị chứng nhân của Long Biên - cây cầu lớn thứ hai thế giới tính ở thời điểm xây dựng - cùng với những giai đoạn thăng trầm của nó gắn bó với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; so với những không gian của người Pháp, người Mỹ, người Anh, có lẽ chỉ hơn, không kém.
Thời gian trôi đi. Những công trình vốn dĩ đồ sộ và hữu dụng trong quá khứ trở nên lỗi thời và không còn hiệu quả. Cầu Richmond ở Tasmania, Long Biên ở Hà Nội hay High Line ở New York sẽ không còn là những huyết mạch giao thông. Nhưng ký ức và vẻ đẹp của lịch sử mà những nơi này chuyên chở thì không hệ thống giao thông nào thay thế được.
Long Biên không chỉ là cây cầu (dành cho "xe thô sơ"). Long Biên là một không gian, thấm đẫm văn hóa, lịch sử và thực sự cần thiết cho một đô thị đang phát triển chật ních người và xe. Kết cấu thép hơn 1,6 cây số mà từng thanh dầm, từng cây trụ đều đã đi qua hết những đạn bom, hòa bình xứng đáng để các nghệ sỹ biến nơi đây thành một điểm đến không thể thiếu, nàng thơ của lịch sử giữa lòng Thủ đô.
Long Biên sau biết bao bàn cãi, vẫn sống mòn với sự nhếch nhác. Trong khi đó, người anh em cùng cha với nó, tháp Eiffel - biểu tượng của Paris hoa lệ, đón hàng triệu du khách mỗi năm. Đến bao giờ Hà Nội có một quyết định đúng đắn và hợp thời, để người ta bớt mất công mở ra rồi đóng lại trong tranh cãi những cà phê đường tàu, hay zone nào đó?
Lại Trọng Tình
Ngày đăng: 08:35 | 30/10/2019
/ vnexpress.net