Hầu hết đối tác của Mỹ trên thế giới dường như "thở phào" khi nhiệm kỳ của Trump sắp đến hồi kết, nhưng sự hoài nghi vẫn chưa biến mất.
Trong cuộc điện đàm với các lãnh đạo thế giới sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, Joe Biden cho biết ông đã nói với họ rằng "nước Mỹ đang trở lại". "Chúng tôi sẽ trở lại cuộc chơi. Nước Mỹ không còn đơn độc nữa", Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ phát biểu hôm 10/11.
Cam kết củng cố những liên minh với Mỹ của Biden, cùng kinh nghiệm trên trường quốc tế của ông, được cho là giúp trấn an các chính phủ từ châu Âu đến châu Á. Tuy nhiên, theo nhiều cựu quan chức Mỹ và quốc tế, lòng tin vào Washington đã bị xói mòn sâu sắc dưới thời Trump và sẽ không khôi phục ngay lập tức chỉ vì thất bại của Tổng thống Mỹ.
"Có cảm giác nếu sự việc nào đó từng xảy ra một lần, nó cũng có khả năng tái diễn", James Bindenagel, cựu nhà ngoại giao Mỹ hiện làm giáo sư cấp cao tại Đại học Bonn ở Đức, cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 13/11. Ảnh: Reuters. |
Việc Trump áp đặt các mức thuế ngay cả với đồng minh, rút Mỹ khỏi các hiệp ước quốc tế, thậm chí đe dọa rời NATO, nền tảng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đã khiến châu Âu choáng váng. Bindenagel cho biết trong những cuộc trò chuyện với giới chức Đức, câu hỏi mà ông thường xuyên nghe được là: "Liệu chúng tôi có thể tin tưởng Mỹ nữa không?".
Do đó, cựu quan chức này nhận định Biden sẽ phải làm nhiều việc khác, thay vì chỉ đơn thuần lên tiếng ủng hộ NATO và quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương. "Vấn đề là liệu Mỹ có xây dựng lại được lòng tin hay không. Đây không phải việc một sớm một chiều và có thể đạt được chỉ nhờ một tuyên bố. Bạn phải chứng minh điều đó", Bindenagel nêu ý kiến.
Ông đề xuất một cách để bắt đầu khôi phục niềm tin với các đồng minh châu Âu là đảo ngược quyết định rút 10.000 lính Mỹ khỏi Đức của Trump, động thái khiến Berlin ngỡ ngàng. Đội ngũ của Biden cho biết Tổng thống đắc cử sẽ xem xét ý kiến này.
Tuy nhiên, tâm lý nghi ngờ Mỹ được cho là đã xuất hiện trước cả khi Trump lên nắm quyền. Bộ Ngoại giao các nước trên thế giới coi chủ nghĩa bảo hộ và dân túy hiện là điểm đặc trưng của bối cảnh chính trị Mỹ, khi người dân nước này ngày càng thắc mắc về lợi ích từ các thỏa thuận liên minh, cam kết quân sự và quan hệ thương mại toàn cầu. Theo khảo sát năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 46% người Mỹ đánh giá chính phủ "nên bớt chú ý đến những vấn đề bên ngoài và tập trung nhiều hơn vào nội địa".
Kishore Mahbubani, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc, cho rằng các chính phủ châu Á cũng đánh giá nước Mỹ trước đây không thể quay trở lại. Do tình trạng chia rẽ sâu sắc, một thỏa thuận đạt được vào hôm nay chưa chắc còn tồn tại sau 4 năm, khi một tổng thống khác tiếp quản quyền lực.
"Vấn đề nằm ở đó. Đấy là lý do không ai dám đánh cược. Khả năng cao là Trump sẽ trở lại", Mahbubani cho hay.
Ông nói thêm rằng sự chật vật của Mỹ trong Covid-19 cũng làm xấu hình ảnh nước này, khiến họ trông thiếu năng lực và dường như không đủ khả năng tự giải quyết vấn đề của mình. Thêm vào đó, việc Trump kiên quyết không nhận thua càng làm gia tăng mối nghi ngờ về mức độ ổn định của nền chính trị Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cho biết Biden sẽ được chào đón rộng rãi trên thế giới như "người quen", một lãnh đạo sẵn lòng hợp tác với các nước về biến đổi khí hậu và những mối đe dọa chung khác. Tuy nhiên, bà cảnh báo mọi người cần nhận thức được rằng Biden sẽ không mang đến "phép màu", bởi bản thân ông phải đối mặt với những sức ép chính trị trong nước.
"Tôi chắc chắn mọi thứ sẽ không trở lại như cũ. Tôi nghĩ chúng ta phải thực tế", Wallstrom nói.
Le Monde, tờ báo hàng đầu của Pháp, từng nhận xét "chủ nghĩa Trump là di sản lâu dài trong nền chính trị Mỹ, không phải một sự cố hay giai đoạn chen giữa". Một năm trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết châu Âu không còn có thể bám víu vào viễn cảnh Mỹ sẽ quay lại hỗ trợ các đồng minh NATO, đồng thời kêu gọi châu Âu "thức tỉnh".
Tuy nhiên, một quan chức trong chính quyền Trump phản bác những chỉ trích về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ. "Các chính quyền trước đây bằng lòng lấy tiền thuế của người dân để cung cấp những khoản đầu tư không tương xứng cho các liên minh và xung đột bất tận, đồng thời chịu đựng các thỏa thuận thương mại bất công, rõ ràng không giúp nâng cao sự an toàn và thịnh vượng của Mỹ. Tổng thống Trump theo đuổi một chính sách đối ngoại thực tế, mang lại kết quả hữu hình", người này nêu quan điểm.
Theo khảo sát hồi tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, quan điểm tích cực toàn cầu về Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, với chỉ 34%. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Trump cũng vỏn vẹn 16%.
Tuy nhiên, bất chấp những hoài nghi, Mỹ vẫn được coi là niềm hy vọng lớn nhất của châu Á, nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của một Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, James Zumwalt, cựu nhà ngoại giao cấp cao Mỹ, hiện làm chủ tịch Hiệp hội Nhật - Mỹ tại Washington, nhận định.
Đối với các đồng minh châu Âu, việc Trump không còn là tổng thống Mỹ khiến họ không còn cớ để đổ lỗi cho việc thiếu hành động, buộc họ phải tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức an ninh và thương mại, Roderich Kiesewetter, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức, nêu ý kiến.
"Giờ đây, chúng ta không thể coi Mỹ là con dê tế thần cho bất cứ sai lầm nào trên thế giới. Những năm qua, chúng ta đã né tránh vấn đề bởi Trump bị coi là sự cản trở. Tuy nhiên, chúng ta trước hết phải làm tròn bổn phận của mình", Kiesewetter nói.
Ánh Ngọc (Theo NBC News)
Ngày đăng: 08:18 | 17/11/2020
/ vnexpress.net