Tổng thống Donald Trump liên tiếp công kích các đồng minh châu Âu, đặc biệt người đồng cấp Pháp về tuyên bố độc lập và chống lại mối đe dọa từ Mỹ.
Sợ mất phần bán vũ khí
Được Pháp đón tiếp trọng thể dịp đại lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, nhưng ngay sau khi sự kiện kết thúc, hôm 13/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp phát đi những thông điệp đả kích dữ dội người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
Về bề nổi, thông điệp của ông Trump trước hết nhắm vào kế hoạch của Pháp và Đức nhằm đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu với lời kêu gọi công khai độc lập với Washington, chống lại cả Nga, Trung Quốc và đồng minh Mỹ.
Ngoài việc chỉ trích ý tưởng lập quân đội riêng của châu Âu, ông Trump còn chỉ trích người đồng cấp Pháp trong buổi lễ vừa qua lên án quyết liệt “chủ nghĩa dân tộc”, một chỉ trích gần như trực tiếp nhắm vào cá nhân ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng bất bình cho rằng Pháp đã bất công với Mỹ khi đánh thuế nhập khẩu rượu cao, trong khi Mỹ mở cửa thị trường cho rượu vang Pháp.
Tổng thống Mỹ D. Trump (trái) và Tổng thống Pháp E. Macron
Trong thông điệp mới nhất gửi Tổng thống Pháp, ông Trump viết: “Vấn đề là Emmanuel (tên gọi thân mật của Tổng thống Pháp) đang khốn khổ vì tỉ lệ được lòng dân rất thấp tại Pháp, chỉ có 26%, và tỉ lệ thất nghiệp gần 10%”, thậm chí còn kêu gọi “Hãy làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại!”.
Đây dường như là một thông điệp “mỉa mai” bởi hồi năm 2017, chính Tổng thống Pháp đã dùng điệp khúc “Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại!” để gián tiếp phê phán quan điểm của Trump đặt nước Mỹ trước tiên cũng như quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu.
Phản ứng trước những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ, Điện Elysee tỏ ra bình thản, đồng thời “bóc mẽ” đồng minh khi một cố vấn của Tổng thống Macron cho rằng các thông điệp của ông Trump chỉ có mục tiêu duy nhất là nhắm vào các cử tri Mỹ, và đây là công việc nội bộ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những phát biểu của ông Trump thực sự ẩn chứa một nỗi lo về nỗ lực của cặp bài Pháp-Đức đưa châu Âu lớn mạnh và độc lập với Mỹ.
Theo báo chí Pháp, trước mắt Washington đang hiện rõ viễn cảnh một nền công nghiệp châu Âu lớn mạnh, và trong thời gian không xa, thị trường châu Âu sẽ đóng cửa với vũ khí Mỹ.
Ông Trump vẫn đang hối thúc các nước châu Âu phải chi tối thiểu là 2% GDP cho quốc phòng với kỳ vọng khoản tiền này sẽ được dùng để mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên kênh truyền thông Mỹ CNN ngày 11/11, đúng lúc ông Trump còn ở Paris, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Tôi không muốn thấy các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí Mỹ… Nếu chúng tôi tăng ngân sách, thì số tiền đó là để xây dựng sự độc lập về quân sự của chúng tôi”.
Pháp và Đức đã công bố nhiều dự án quốc phòng chung, trong đó có dự án chế tạo máy bay chiến đấu.
Pháp và Đức liên tục có các dự án chung trong lĩnh vực quân sự, liên quan đến máy bay chiến đấu, máy bay không người lái hay thiết giáp. Một quỹ quốc phòng chung của châu Âu đã ra đời với 13 tỉ euro vốn đầu tiên để khởi động các dự án từ năm 2019.
Lời nhắc từ hai phía
Viết rõ hơn về những trục trặc của Tổng thống Trump trong chuyến thăm Pháp vừa qua, tờ The Hill của Mỹ cho biết, trong thời gian chưa đầy 48 tiếng ở Pháp, việc Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Macron “lời qua tiếng lại” cho thấy sự thay đổi đáng kể về mức độ mối quan hệ từng được cho là thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo này.
Trong khi đó, giới phân tích Pháp thì khẳng định dù có tỏ ra “phũ”, nước Mỹ vẫn phải gắn chặt với các đồng minh châu Âu.
Tổng thống Mỹ cảnh báo các đồng minh châu Âu nên "tự bảo vệ lấy mình"
Ngay sau khi trở về từ Pháp, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cảnh báo họ ... |
TT Macron bị chỉ trích vì muốn tưởng niệm cựu đồng minh phát xít
Tổng thống Pháp cho rằng việc tưởng niệm ông Pétain, cựu thống chế trong Thế chiến I, là "hoàn toàn hợp pháp", nhưng nhiều người ... |
Ngày đăng: 09:17 | 16/11/2018
/ http://baodatviet.vn