Cục hàng không liên bang Mỹ ra lệnh cấm các hãng hàng không nước này bay vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman.
Một máy bay của hãng United Airlines. Ảnh: Reuters. |
Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 20/6 phát lệnh khẩn, cấm các hãng hàng không nước này bay vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. Lệnh được đưa ra sau khi Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái (UAV) Global Hawk của Mỹ ở độ cao 18.300 m trên eo biển Hormuz.
Trong một khuyến cáo khác, FAA cho biết, vào thời điểm chiếc UAV trinh sát của Mỹ bị tên lửa đất đối không Iran bắn hạ, máy bay dân sự gần nhất hoạt động ở khoảng cách chỉ 45 hải lý.
FAA bày tỏ quan ngại về căng thẳng đang leo thang ở Vùng Vịnh, các hoạt động quân sự ở gần các tuyến đường có mật độ cao máy bay dân sự cũng như "sự sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa trong không phận quốc tế mà có ít hoặc không có cảnh báo của Iran".
Sớm 20/6, hãng hàng không United Airlines đã ngưng các chuyến bay từ sân bay Newark của New Jersey tới thủ phủ tài chính Mumbai của Ấn Độ sau cảnh báo của FAA. Hai hãng hàng không khác của Mỹ American Airlines và Delta Air Lines cũng cho biết họ không bay qua Iran.
Dữ liệu theo dõi máy bay cho thấy máy bay thương mại đã bay rất gần chiếc Global Hawk tại thời điểm UAV này bị bắn hạ, OPSGROUP, cơ quan cung cấp hướng dẫn an toàn cho các nhà điều hành bay cho biết.
"Nguy cơ máy bay dân sự bị bắn hạ ở miền nam Iran là có thật", OPSGROUP khuyến cáo. "Cần tránh khu vực eo biển Hormuz - có khả năng nhận dạng nhầm máy bay".
Tháng trước, FAA cũng khuyến cáo các hãng hàng không thận trọng khi bay qua Iran và các vùng trời lân cận, do các hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị gia tăng.
"Mặc dù Iran nhiều khả năng không có ý định nhắm vào máy bay dân sự, sự hiện diện của hàng loạt vũ khí tầm xa, phòng không tiên tiến trong một môi trường căng thẳng đặt ra nguy cơ tính toán sai hoặc nhận dạng sai", FAA cho biết.
Tháng 7/2014, máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn hạ trên bầu trời Ukraine, khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng. Các hãng hàng không sau đó thực hiện thêm nhiều biện pháp đề phòng với máy bay.
Căng thẳng ở Vùng Vịnh gia tăng sau hàng loạt sự cố, trong đó có các vụ tấn công vào 6 tàu chở dầu và hoạt động tăng cường quân sự của Mỹ và Iran. Washington và đồng minh cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công tàu dầu, nhưng Iran bác bỏ, cho rằng Mỹ đang "gài bẫy" để tăng sức ép cấm vận. Giá dầu và giá vàng thế giới tăng vọt do lo ngại về khả năng xung đột quân sự tại khu vực.
Vị trí eo biển Hormuz, vịnh Oman. Đồ họa: NY Times.
Mai Trang (Theo CNBC)
Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công Iran rồi thay đổi vào phút chót
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công quân sự vào Iran tối 20-6 nhưng sau đó đảo ngược quyết định trong những ... |
Iran cáo buộc Mỹ gây hấn trong vụ máy bay không người lái bị bắn hạ
Tehran khẳng định chiếc MQ-4C đã tắt hệ thống nhận diện, phớt lờ cảnh báo từ Iran và xâm phạm không phận nước này. |
Ngày đăng: 13:38 | 21/06/2019
/ VnExpress