Đó là ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi trao đổi với PV Báo Lao Động về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 nêu trong hơn 1,1 triệu người phải kê khai tài sản, thu nhập chỉ phát hiện và xử lý được 5 trường hợp vi phạm kê khai. Ông Nhưỡng cho rằng, điều đó thể hiện công tác xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của chúng ta chưa được làm đến nơi đến chốn.

Ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Q.H

Phát hiện 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản là quá ít

Theo Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, qua dư luận, báo chí đã phản ánh về tài sản của một số cán bộ cấp cao ở bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh theo quy định.

Kết quả cụ thể: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập (năm 2016 không phát hiện trường hợp nào).

Trao đổi với Lao Động về việc dư luận cho rằng trong hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện được 5 trường hợp vi phạm là quá ít, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: Điều đó nói lên công tác xác minh của chúng ta hầu như chưa có và làm chưa đến nơi đến chốn.

Theo ông Nhưỡng, để kê khai tài sản không còn hình thức thì sau kê khai tài sản của cán bộ có chức, có quyền thì phải có sự xác minh, tức là có lực lượng dành thời gian xác minh việc kê khai tài sản của người phải kê khai có đúng không. Xác minh bằng hình thức gửi văn bản xác minh tới khu vực mà cán bộ đó kê khai có tài sản ở đó, để chính quyền địa phương nơi đó xem có đúng không, sau đó công bố tài sản của người cán bộ ấy tại khu vực đó. Ví dụ anh kê khai anh có nhà ngói 5 gian ở địa phương A thì lực lượng xác minh gửi văn bản đến địa phương này xác minh xem có đúng như vậy không, nếu đó là nhà 5 gian thì chính quyền sở tại, thôn nơi đó xác nhận, còn nếu họ xác nhận đó là ngôi biệt thự thì lúc đó chúng ta sẽ phải tiến hành cử người đi xác minh và thanh tra. Nghĩa là xác minh có bước 1, bước 2 và nếu phải xác minh bước hai nghĩa là kê khai có vấn đề.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho hay, để thẩm định việc kê khai tài sản của quan chức, Chính phủ đang trình Quốc hội dự Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi theo hướng cần có một cơ quan chuyên xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ công chức.

Ông Đạt cũng lưu ý, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức của cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xem bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ dưới quyền thấy có vấn đề gì bất thường với thực tế, thu nhập của người đó thì phải cử người đi xác minh và yêu cầu người cán bộ đó giải trình về nguồn gốc số tài sản có được. Có như vậy người đứng đầu mới kiểm soát được cán bộ của mình.

Phải xử lý cán bộ kê khai tài sản không đúng

“Nguyên tắc kê khai tài sản thu nhập là tự nguyện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức. Sau này sửa luật, đối tượng phải kê khai đúng tài sản của mình, nếu trường hợp nào không kê khai đúng và bị các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu của việc tham nhũng thì phải xử lý, thậm chí xử lý ở mức độ hình sự để răn đe, làm nghiêm, chứ không dừng lại ở mức độ kiểm điểm và rút kinh nghiệm” - ông Đạt nói.

Cho rằng việc kê khai tài sản như hiện nay còn nặng tính hình thức cần phải quy định chặt chẽ trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền đề nghị, cần quy định lại các trường hợp nào phải kê khai tài sản.

Ông Xuyền cho rằng, quy định về các đối tượng phải kê khai tài sản hiện nay quá rộng nhưng không ai kiểm tra, giám sát việc kê khai có đúng hay không và bản kê khai không được công khai. Do vậy sẽ dẫn đến kê khai tài sản của cán bộ công chức hiện nay vừa hình thức, lại tốn kém, chưa hiệu quả.

Ông Xuyền cho hay, nhiều nước họ kiểm soát tài khoản thu nhập của quan chức rất chặt chẽ qua tài khoản. Còn ở ta, việc kê khai tài sản thu nhập hiện nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi cán bộ, công chức.

Để việc kê khai tài sản thực sự hiệu quả, ông Xuyền cho rằng cần công khai bản kê khai tài sản của cán bộ có chức, có quyền tại khu dân cư để dân giám sát. “Đối với trường hợp cơ quan chức năng phát hiện được tài sản của cán bộ công chức không có nguồn gốc rõ ràng, cán bộ không chứng minh được nguồn gốc số tài sản của mình do đâu mà có thì cơ quan có thẩm quyền cần phải thu hồi ngay số tài sản này để sung công và nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì phải xử lý nghiêm” - ông Xuyền đề nghị.

Theo Thông tư 08/2013/TT-TTCP Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện tại có 4 căn cứ xác minh kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, đó là: Khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; Khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; Khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Phải bắt buộc người thân quan chức kê khai tài sản

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nhận định: “Trong đa số các trường hợp, người có chức ...

Có 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản, thu nhập

Nếu năm 2016 không có trường hợp nào vi phạm kê khai tài sản, thu nhập thì năm 2017 có đến 5 trường hợp, trong ...

http://laodong.vn/thoi-su/muon-ke-khai-tai-san-duoc-thuc-chat-phai-giao-cho-mot-luc-luong-xac-minh-viec-ke-khai-574631.ldo

Ngày đăng: 14:24 | 07/11/2017

/ Xuân Hải/Báo Lao động