Dù được bổ sung nguồn lợn nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng giá lợn trong nước vẫn đang tăng trở lại bởi quá nhiều các loại phí “ăn theo” lợn nhập khẩu.
Lợn bán ra nhiều, giá vẫn cao
Khi quyết định nhập lợn sống về Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) kỳ vọng giá lợn hơi trong nước sẽ giảm nhanh và giảm sâu, ”ít nhất giá lợn hơi sẽ giảm khoảng 10 giá” – ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y từng nhận định.
Thực tế là sau khi có thông tin lợn hơi Thái Lan sẽ được nhập khẩu về Việt Nam, giá lợn hơi trong nước đã giảm trong 2 tuần liên tiếp. Mức giảm cộng dồn cũng lên tới 10 giá, đúng như dự báo của Cục Thú y.
Tuy nhiên, trong 3 ngày nay, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại. Ngày 28.6, giá lợn tại một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam đã tăng 3.000 đồng, lên mức 93.000 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh, giá lợn hơi cũng đã vượt mức 90.000 đồng/kg.
Theo ông Kiều Đình Thép - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này bán ra khoảng 15.000-17.000 con lợn thịt, cộng với nguồn cung lợn nhập từ Thái Lan về (bao gồm cả lợn tiểu ngạch), thì nguồn cung không nhỏ.
Hiện nay, đã có 2.300 con lợn thịt được nhập khẩu về Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định và lần lượt được giết mổ đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn số lượng lợn nhập tiểu ngạch từ Campuchia, Lào hàng ngày dược chở về Việt Nam.
Như vậy, nguồn cung thịt lợn khá lớn, nhưng vì sao giá lợn bán ra vẫn cao ở mức phi lý.
Mỗi con lợn Thái Lan phải "cõng" bao nhiêu phí?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Trần Sum – Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết: Đối với lợn thịt, ngoài giá thành 62.000-65.000 đồng/kg tùy vùng, mỗi con lợn thịt khi nhập về Việt Nam phải “cõng” theo rất nhiều thuế, phí: phí kiểm dịch, thuế tại Thái Lan: 800.000 đồng; phí hao hụt (lợn bị giảm cân trong quá trình vận chuyển): 100.000 đồng; tỉ lệ chết: 100.000 đồng; phí kiểm dịch tại Việt Nam: 100.000 đồng...
Lợn nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan phải chịu quá nhiều chi phí. Ảnh: Văn Giang |
“Tính ra, chi phí để nhập khẩu mỗi con lợn từ Thái Lan về Việt Nam lên đến 1,5-1,6 triệu đồng” – ông Phạm Trần Sum cho biết.
Đối với lợn hậu bị, theo ông Trần Văn Vũ - Đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Giá tốt và thông minh, hiện nay giá lợn đang rất tốt, nên doanh nghiệp ông đã nhập khẩu lợn hậu bị từ Thái Lan về Việt Nam phục vụ cho việc tái đàn.
“Doanh nghiệp chúng tôi đã nhập 150 con heo (lợn) hậu bị về Việt Nam, dự kiến năm sau sẽ cho heo con. Heo hậu bị nhập về ít nên chi phí rất cao, mỗi con heo nái có chi phí đội lên từ 2-2,5 triệu đồng. Khi nhập về, mỗi con heo hậu bị được bán ra với giá khoảng 14-15 triệu đồng/con” – ông Trần Văn Vũ cho biết.
Tính đến ngày 24.6, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện trên 60 tỉnh, thành cả nước với hơn 2,6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Dịch tả lợn Châu Phi tái phát một lần nữa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Trung Quốc chịu lũ lụt nặng nề sau nhiều tuần mưa lớn |
Trung Quốc liên tục có mưa lớn, kéo dài gần 1 tháng |
TP.HCM sắp đón mưa lớn 4 ngày liên tiếp, cảnh báo ngập lụt nặng |
Ngày đăng: 08:43 | 29/06/2020
/ laodong.vn