Ô nhiễm không khí khiến Việt Nam thiệt hại 10,82-13,63 tỷ USD năm 2018, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Sáng 14/1, tại tọa đàm về tổn thất kinh tế do ô nhiễm không khí do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, PGS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, công bố kết quả nghiên cứu định lượng thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí được thực hiện 10 năm qua. Riêng năm 2018, con số đưa ra như trên, tương đương thiệt hại 4,45-5,64% GDP.
Ông Trường cho biết, thế giới chia thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí thành hai nhóm cơ bản. Thứ nhất là thiệt hại hữu hình có thể nhìn thấy như chi phí khám sức khỏe, tiền mua máy lọc không khí. Thứ hai là thiệt hại gián tiếp như số người chết, ảnh hưởng của bệnh tật đến năng suất lao động hay hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Hiện các nhà kinh tế thế giới tập trung vào thiệt hại sức khỏe con người do ô nhiễm không khí. Phương pháp tính là dựa trên tổn thất phúc lợi xã hội, tức là đo mức chi trả của xã hội để giảm tử vong liên quan đến rủi ro từ ô nhiễm không khí. Biến số là chi trả của xã hội để giảm rủi ro cho một ca bệnh chết liên quan đến ô nhiễm không khí, PGS Trường giải thích cách tính.
PGS.TS Đinh Đức Trường phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Gia Chính |
Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân tính số tiền một người trong vòng đời dành để chữa bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí từ 216.000 đến 272.000 USD. Con số này kết hợp với công bố 50.000 người chết ở Việt Nam do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí như hô hấp, tim mạch do tổ chức Global Alliance, Miranda and Bill Gate Foundation công bố, nhóm nghiên cứu tính ra được mức thiệt hại của cả nước.
Giải thích thêm về cơ sở của nghiên cứu trên, PGS Trường cho biết đã sử dụng mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân, phương pháp đang được Mỹ sử dụng để làm căn cứ đền bù thiệt hại môi trường.
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ góc nhìn kinh tế, ông Đinh Đức Trường cho biết có ba nhóm chính. Đầu tiên đến từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không có nhiều thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, tiêu thụ than ở Việt Nam trước đây chiếm 36% thì bây giờ ngày càng tăng.
"Chúng ta được gọi là thiên đường ô nhiễm do FDI. Đây chính là hiện tượng chuyển dịch ô nhiễm từ các quốc gia phát triển sang quốc gia chậm phát triển hơn", ông Trường nêu nguyên nhân thứ hai và giải thích các quốc gia phát triển sẽ có tiêu chuẩn và chi phí cho môi trường cao hơn.
Nguyên nhân thứ ba là thứ bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị. Những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm được đẩy về Việt Nam.
GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Gia Chính |
GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân (thành viên tổ tư vấn Thủ tướng) nhận định ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra nên để giảm thiểu một cách hiệu quả thì chính sách kinh tế rất quan trọng.
"Cần có thêm những nghiên cứu để lượng giá tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế. Chỉ khi nào bài toán của chúng ta tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả", GS Đạt kết luận.
Đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thông tin hiện Việt Nam nằm trong chu kỳ ô nhiễm không khí hàng năm từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Trong năm 2019, số ngày chỉ số chất lượng không khí AQI vượt quy chuẩn cao hơn các năm trước. Riêng tháng 12 có các đợt ô nhiễm đến hơn hai tuần, có ngày tất cả trạm đo màu tím (AQI trên 200).
Ngày đăng: 16:17 | 14/01/2020
/ vnexpress.net