Nếu chính quyền rút dự luật dẫn độ, luật pháp Hong Kong có thể bị xem là không đáng tin cậy và biểu tình sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay vào người biểu tình hôm 12/6. Ảnh: AP.
Ngày 1/7/2003, nửa triệu người dân Hong Kong đổ xuống đường phản đối chính quyền đặc khu về dự luật an ninh gây tranh cãi mang tên Điều khoản 23 vì lo sợ quyền tự do dân sự sẽ bị xâm phạm. Giới chức Hong Kong sau đó quyết định bãi bỏ dự luật trên với lý do không nhận được đủ phiếu ủng hộ tại Hội đồng Lập pháp.
Gần 16 năm sau, một cuộc biểu tình tương tự lại nổ ra. Hôm 9/6, hàng trăm nghìn người Hong Kong tràn xuống các phố chính, phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi mà chính quyền đặc khu định thông qua. Ngày 12/6, tiếp tục hàng chục nghìn người vây kín trụ sở của Hội đồng Lập pháp, buộc các nghị sĩ phải hoãn thảo luận dự luật.
Tuy nhiên, khác với năm 2003, chính quyền Hong Kong lần này tỏ ra cứng rắn hơn. Một số nghị sĩ đã lên tiếng ủng hộ dự luật, khẳng định luật pháp cần được trao cơ hội để thực thi. "Lịch sử không nhất thiết phải lặp lại", nghị sĩ Regina Ip Lau Suk-yee tuyên bố. Ip từng là người đứng đầu cơ quan an ninh Hong Kong nhưng từ chức sau cuộc biểu tình năm 2003. Bà hiện là thành viên trong ban lãnh đạo Hong Kong.
Nếu được thông qua, phe ủng hộ dự luật cam kết sẽ báo cáo thường xuyên về việc thực thi, đồng thời thiết lập những thỏa thuận dài hạn hơn với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ. Dù phe phản đối cho rằng những biện pháp trên là vô nghĩa, Ip tin "nó sẽ có ích, giúp gia tăng tính minh bạch".
Theo một nhà lập pháp giấu tên ủng hộ Bắc Kinh, nếu chính quyền Hong Kong bãi bỏ dự luật như từng làm năm 2003, điều này chỉ khiến người dân củng cố suy nghĩ rằng "hệ thống pháp luật thực sự tồi tệ".
"Chính quyền sẽ không lùi bước. Chúng tôi tự tin sau khi dự luật được thông qua, người dân sẽ nhận thấy những lời cáo buộc từ các nhà phê bình là vô căn cứ", ông nói.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: AFP.
Li Xiaobing, phó giáo sư luật tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, Trung Quốc, cũng tin việc rút dự luật sẽ mang đến tác hại nhiều hơn là lợi ích cho chính quyền Hong Kong.
"Khi các thế lực chính trị bên trong và bên ngoài Hong Kong lợi dụng vấn đề để thách thức chính quyền thành phố, đây không còn là việc có thể giải quyết chỉ bằng một quyết định bãi bỏ dự luật", Li nhận xét. "Nếu chính quyền dễ dàng thoái lui, họ sẽ không bao giờ quay trở lại đúng hướng được".
Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Nhiều người dân lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Họ gọi đây là động thái thân Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc đại lục lập luận rằng dù không có các biện pháp bổ sung, dự luật hiện nay đã hoàn chỉnh. Nó chỉ trở nên gây tranh cãi sau khi phe đối lập và "các thế lực ngoại quốc" chính trị hóa dự luật.
Người dân Hong Kong tham gia biểu tình phản đối dự luật dẫn độ hôm 9/6. Ảnh: AFP.
Rao Geping, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, kêu gọi người dân Hong Kong tin tưởng vào những "biện pháp bảo vệ kép" của trưởng đặc khu và tòa án được nêu ra trong dự luật.
"Chúng ta không thể khước từ phán quyết của trưởng đặc khu chỉ bởi bà hay ông ấy được chính quyền trung ương bầu", Rao nói. "Carrie Lam từng tuyên bố rõ ràng rằng không có chuyện bà sẽ coi thường luật pháp chỉ để tuân theo mệnh lệnh từ Bắc Kinh". Ông đánh giá rất nhiều ý kiến phản đối hiện nay chỉ dựa trên suy đoán và người dân Hong Kong nên có thêm niềm tin vào các thẩm phán.
Về phần mình, sau cuộc biểu tình hôm qua, trong một video phát trên truyền hình tối cùng ngày, trưởng đặc khu Carrie Lam đã chỉ trích việc người dân đổ xuống đường và đụng độ với cảnh sát.
"Rõ ràng, đây không còn là biểu tình ôn hòa nữa mà là hành động xúi giục gây bạo loạn có tổ chức. Đây không phải hành động thể hiện tình yêu đối với Hong Kong", bà nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu bà có rút dự luật dẫn độ hay không, Carrie Lam lấy dẫn chứng về việc dạy con để trả lời. Bà cho biết bản thân không thể đáp ứng mỗi lần con trai mình đưa ra yêu cầu bởi việc làm này có thể giúp mối quan hệ giữa họ tốt đẹp trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, con trai bà sẽ trở nên hư đốn và bà phải chịu trách nhiệm về điều đó. Việc người dân biểu tình phản đối dự luật cũng giống như việc con trai bà đưa ra yêu cầu.
Song giáo sư Cheung Chor-yung thuộc khoa chính sách công Đại học City, Hong Kong, lưu ý đến việc không ít người tham gia biểu tình là những sinh viên bình thường.
"Không như các cuộc biểu tình trong quá khứ, người trẻ tham gia biểu tình lần này không nhằm gây bạo loạn hay rắc rối. Họ chỉ muốn chính quyền lắng nghe tâm tư của mình", ông nói.
Hong Kong 'rơi vào im lặng', cuộc họp dự luật dẫn độ tiếp tục hoãn
Hội đồng Lập pháp Hong Kong một lần nữa hoãn cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ, nguyên nhân gây nên cuộc biểu tình ... |
Hai cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ làm rung chuyển Hong Kong
Cả hai cuộc tuần hành trong 4 ngày để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong để trở thành bạo động khi cảnh ... |
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Ngày đăng: 17:39 | 13/06/2019
/ https://vnexpress.net