Rất nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng khi thương hiệu lụa Khaisilk bị phát hiện giả dối. Ngỡ ngàng bởi niềm tự hào bao năm về lụa tơ tằm Việt Nam bỗng nhiên đổ vỡ. Nhưng, lụa dối còn đi cùng với những dòng sông lạc lối.
Bờ bãi kè lại, nương dâu không còn, làm sao để có dâu tằm mà duy trì nghề canh cửi?
Cô con gái 18 tuổi của tôi không thể hình dung nổi câu thơ “Em là con gái bên khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già” của nhà thơ Nguyễn Bính. Ký ức của con bé không có bất cứ một ý niệm nào với nghề canh cửi. Về quê, khi tôi chỉ chỗ này hồi bố còn nhỏ vốn là trại tằm của hợp tác xã, khu phố kia vốn là đồng dâu xanh ngắt một màu, con bé nhìn thờ ơ. Nghề tầm tang canh cửi ở quê tôi đã chết rất lâu rồi.
Vợ tôi sinh ra ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Khi tôi đến làm rể, dòng chữ “Khuyển phệ kê minh cơ thanh viễn cận” vẫn còn trên cổng làng, nhưng vợ tôi không biết dòng chữ ấy là tả cảnh làng “Từ lúc chó sủa gà gáy nghe tiếng máy (dệt) gần xa”. Chuyện đó khiến tôi buồn cười. Nhưng vợ tôi bảo, còn mấy nhà dệt lụa nữa đâu. Thế mà cũng đã mười mấy năm.
Làng lụa Vạn Phúc giờ không có nhiều người sống bởi lụa. Càng có ít người còn duy trì nghề dệt lụa, bởi nguyên liệu đều phải nhập từ nơi khác. Tấm lụa Hà Đông dệt ra bởi người làng trở nên quá đắt đỏ so với chất lượng thật của nó.
Lụa tơ tằm là sản phẩm kết tinh từ văn minh châu thổ, là tinh hoa từ đồng bãi xanh dâu. Bởi thế, khi những cánh đồng dâu từ lâu không còn nữa thì niềm tự hào lụa Việt đã trở thành giả dối. Những câu thơ của Nguyễn Bính đã trở thành chuyện cổ, câu “bên cầu dệt lụa” giờ cũng là điển cố. Những đồng dâu đã mất ở bên sông, và ngay cả những dòng sông cũng đang dần dần biến mất.
Tôi không tiếc cho lụa. Bởi cuộc sống là một hành trình vận động đổi thay. Bởi những nghề nghiệp tốt hôm nay ngày mai sẽ trở thành lạc hậu. Thế giới đang thay đổi từng ngày, cách mà con người mưu sinh, kiếm tiền cũng mỗi ngày mỗi khác. Những cô gái bên khung cửi ngày xưa giờ đi làm công nhân các khu công nghiệp, ngồi máy may từ sáng đến chiều. Nhưng tôi tiếc những dòng sông lạc lối.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến
Tôi về quê mình, chỗ nào cũng thấy những dự án kè sông để đồng bãi trở thành nhà phố. Ở thành phố nơi tôi đang sống, những căn hộ hướng mặt ra sông đang bán đắt hàng, riverside, hay parkview là tên của các khu đô thị. Tôi tiếc những dòng sông khi mỗi ngày về nhà qua cây cầu nhìn mang mang nước đỏ. Những làng nghề có thể mất đi bởi mưu sinh đã khác. Nhưng những dòng sông không thể chết được. Trên thế giới này vẫn có những cuộc chiến tranh xung quanh nguồn nước. Người ta chết vì tranh chấp những dòng sông. Còn ở đây, những dòng sông đang chết.
Những dòng sông đang chết như thế nào? Chúng đang trở thành những dòng kênh khi mất đi hoàn cảnh sống của dòng sông thực thụ. Những dòng sông được kè cứng đôi bờ, chúng trở thành cống, trở thành kênh lao nước ra biển khi con người không còn muốn sống cùng những dòng sông, chỉ dùng nó như một thứ trang trí cho cuộc sống của mình.
Những dòng sông tạo nên đời sống của một dân tộc. Đó không phải là điều mà những con kênh thoát nước có thể tạo thành. Những làng lụa đã ra đi khi bờ bãi không còn. Và cuộc sống của người dân châu thổ rồi sẽ ra sao khi những bờ sông đều dần thành dự án bất động sản? Tôi nghĩ, thậm chí cái từ “châu thổ” rồi cũng sẽ mất đi khi không còn ý nghĩa.
Khăn "không phần trăm lụa": Ông chủ Khaisilk sẽ đối mặt chế tài hà khắc? "Nếu bị quy kết trách nhiệm hình sự thì ông chủ Khaisilk sẽ phải đối mặt với chế tài rất hà khắc của Bộ luật ... |
Khăn lụa Khai Silk không có lụa: Trò lừa trơ trẽn Khăn lụa Khai Silk không hề có thành phần lụa, có lẽ đây là trò đùa đắng chát nhất năm 2017 với người tiêu dùng. |
Ngày đăng: 11:00 | 14/12/2017
/ An ninh Thủ đô