Điều tra viên Ho Lei Siang đang chơi với con gái một tuổi vào đêm 2/9/2017 thì nhận được cuộc gọi triệu tập tới trụ sở cảnh sát ở Clementi.
Là một sĩ quan điều tra cấp cao chuyên xử lý các vụ phạm tội thương mại, Ho, 33 tuổi, không chần chừ trước cuộc gọi đêm muộn và lập tức lên đường. Lúc bấy giờ, anh đã làm công việc điều tra được 7 năm. Vợ Ho, người từng làm việc tại Cục Điều tra Ma túy Trung ương, rất thấu hiểu cho chồng.
Ho được báo tin rằng hai người đàn ông đã chạy trốn với 1,5 triệu SGD (gần 1,1 triệu USD) tiền mặt từ một văn phòng trên đường Alexandra. Sự việc xảy ra từ ba tiếng trước, vì thế vẫn còn cơ hội lấy lại số tiền.
Điều tra viên Ho Lei Siang tại văn phòng làm việc. Ảnh: CNA. |
"Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là: Người này đang tìm cách đưa tiền rời khỏi đất nước nhanh nhất có thể", Ho nói với Channel News Asia. "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian"
4 ngày tiếp theo, hàng chục sĩ quan cảnh sát không ngừng nghỉ truy tìm trong các nhà hàng, tiệp tạp hóa, nói chuyện với các tài xế taxi và xem xét những đoạn băng ghi hình an ninh nhằm tìm kiếm manh mối.
Ho, chỉ huy cuộc điều tra, chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày. Thời gian còn lại, anh giam mình trong văn phòng chật chội để phân tích mọi đầu mối. Nhưng Họ không ngờ rằng nỗ lực không mệt mỏi đuổi theo số tiền bị mất tích của anh sẽ đưa anh tiếp cận một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới những con tàu du lịch, các băng đảng và tiền giả.
Vài giờ trước khi Ho được điều động, Romanian Iosif Kiss, 40 tuổi, và Frenchman David Weidmann,37 tuổi, bước vào văn phòng của Oceanic Group, công ty chuyên mua bán tàu phi thương mại như thuyền buồm hay du thuyền, trên đường Alexandra.
Oceanic đã môi giới thương vụ giúp một người nước ngoài mua một du thuyền trị giá 50 triệu SGD (gần 36,3 triệu USD). Theo thỏa thuận, Oceanic sẽ nhận khoản tiền đặt cọc 3,5 triệu euro (3,84 triệu USD) từ đại diện của người mua ở Paris, Pháp, sau đó trả 1,5 triệu SGD (gần 1,09 triệu USD) tiền hoa hồng cho đại lý của người đại diện ở Singapore. Các bên thống nhất trả bằng tiền mặt.
Trong một phòng khách sạn ở Paris, giám đốc điều hành Oceanic Chui Mun Yew nhận được chiếc túi chứa đầy tiền euro. Ông gọi nhân viên ở Singapore xác nhận trao tiền cho Kiss và Weidmann. Cả hai bên trước đấy đã xác minh số tiền.
Khi Kiss và Weidmann rời văn phòng của Oceanic ở Singpore vào khoảng 19h43 với 1,5 triệu SGD trong tay, Chui ngồi tại sảnh khách sạn ở Paris, mở chiếc túi. Mắt ông trợn trừng kinh hãi khi phát hiện toàn bộ số tiền là giả.
Nhân viên Oceanic cố liên lạc với Kiss và Weidmann nhưng không thành công. Họ tra soát camera an ninh và gọi báo cảnh sát vào 22h16. Ho lên đường. Cuộc truy đuổi bắt đầu.
Trong vào phút, cảnh sát gửi thông báo cảnh báo kèm hình ảnh của Kiss và Weidmann tới các đối tác như Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh (ICA). Cùng lúc, các sĩ quan vạch ra lộ trình mà hai kẻ lừa đảo có thể thực hiện, khởi đầu bằng đoạn video an ninh do Oceanic cung cấp, cho thấy cảnh hai nghi phạm bắt taxi rời văn phòng công ty. Cảnh sát lần ra dấu vết xe taxi, phát hiện Kiss và Weidmann xuống gần Trung tâm Mustafa.
Cảnh sát dành cả đêm nói chuyện với những người có mặt trong khu vực. Họ phát hiện hai nghi phạm trong một video thu từ khách sạn. Khi mọi thứ dần sáng tỏ, ICA thông báo họ đã bắt được Kiss và Weidmann tại trạm kiểm tra Woodlands.
Ho lao tới chốt kiểm tra để thẩm vấn hai nghi phạm nhưng không tìm thấy số tiền. "Đó không phải nơi lý tưởng để tiến hành kiểm tra chuyên sâu", anh cho hay.
Trở về đồn cảnh sát, các sĩ quan tìm thấy khoảng 400.000 SGD được nhét trong quần lót của hai nghi phạm. Nhưng vẫn còn 1,1 triệu SGD mất tích. Đồng hồ đang đếm ngược. "Chúng tôi bắt đầu cảm thấy thắc mắc. Số tiền đã đi đâu? Phải còn ai đó khác liên quan", Ho nói.
Các nghi phạm không hé nửa lời, vì thế Ho cùng đội phải tự phân tích tình hình. "Nếu họ từ chối cung cấp lời khai, bạn chỉ còn cách quay về với phương pháp điều tra truyền thống: Tìm hiểu xem làm thế nào chúng đến được trạm kiểm tra", Ho chia sẻ.
Qua điều tra thực địa, cảnh sát phát hiện ra rằng Kiss và Weidmann đã bắt xe buýt tới chốt kiểm soát từ một bến đỗ gần khách sạn của họ. Nhưng vẫn còn lỗ hổng trên dòng thời gian: Hai nghi phạm đã đi đâu trước khi lên xe buýt?
Ho tiếp tục gây áp lực lên các nghi phạm. "Chúng tôi nói thẳng với chúng rằng chúng không thể phủ nhận việc đã lấy số tiền, không thể chạy thoát", Ho cho biết.
Tuy nhiên, Weidmann vẫn từ chối hợp tác, đổ trách nhiệm cho Kiss và khẳng định y chỉ là người đi cùng. "Tới đây, chúng tôi không thể ép cung mà phải dùng tới bằng chứng khách quan", Ho nói. "Tất nhiên, tôi cho Kiss biết về lời khai của David, về việc hắn đổ mọi tội lỗi lên anh ta. Vì thế, anh tốt hơn hết là nên hợp tác với chúng tôi. Nhờ thế, Kiss quyết định mở miệng".
Nghi phạm Iosif Kiss (trái) và David Weidmann. Ảnh: Today. |
Kiss quả quyết tất cả những gì anh ta có thể nhớ là họ đã tới một nhà hàng Ấn Độ, bên trong trưng bày bức tượng lớn. Thông tin giá trị nhưng mơ hồ. "Có quá nhiều nhà hàng Ấn Độ trưng bày tượng ở Singapore", Ho nói.
Ngày hôm sau, các sĩ quan tập trung điều tra tại khu vực xung quanh khách sạn của Kiss và Weidmann, bến xe buýt cùng Trung tâm Mustafa. Họ kiểm tra mọi nhà hàng và camera an ninh.
Họ đưa cả Kiss tới hiện trường để xác định vị trí nhà hàng. Anh ta chỉ ra một số quán nhưng đều không chính xác. Bướt đột phá xuất hiện khi các nhân viên tại một nhà hàng nói họ nhận ra hai nghi phạm. Camera an ninh cũng xác nhận hai gã đàn ông bước vào nhà hàng cùng hành lý.
Để chắc chắn hơn, các sĩ quan thẩm vấn kỹ hơn nhân viên nhà hàng và được cho biết rằng hai nghi phạm đã mua một lon CocaCola giá 7 SGD. Đây là chỉ dấu độc nhất vô nhị và chi tiết trên hóa đơn khớp với dấu thời gian trên video an ninh.
Lỗ hổng trên dòng thời gian đã được lấp đầy. "Từ camera an ninh, chúng tôi có thể chắc chắn rằng David đã rời nhà hàng với hành lý", Ho cho hay. "Nhà hàng thực tế nằm đối diện Trung tâm thương mại City Square".
Qua video an ninh, cảnh sát phát hiện ra Weidmann đã vào nhà vệ sinh ở tầng hầm với hành lý nhưng sau đó bước ra tay không. Cũng trong video, họ nhìn thấy một người đàn ông khác vào toilet với một vali nhưng bước ra với hai chiếc, trước khi rời đi cùng một người phụ nữ.
Cặp đôi này về sau được xác định là Nikolic Predrag, 46 tuổi, quốc tịch Hà Lan, và Nikolic Dalida, 36 tuổi, quốc tịch Pháp.
Cảnh sát lại đổ ra các hướng với suy đoán rằng cặp đôi kể trên dường như đã bắt taxi vì đang mang bên mình số tiền lớn. Suy đoán của họ đã đúng bởi một tài xế taxi cho hay anh đã thả họ gần khách sạn Marina Bay Sands (MBS)
Nhưng cảnh sát không thể tìm thấy cặp đôi khi tìm kiếm trong khu vực gần khách sạn. Mặt khác, cũng không có ai nhìn thấy họ. Cuộc điều tra đi vào ngõ cụt nhưng Ho không bỏ cuộc. Anh phát hiện ra cặp đôi đã dùng MBS như mồi nhử để che giấu dấu vết.
"Chúng tôi kiểm tra lại camera an ninh và nhận ra chúng thực tế đã bắt một taxi khác tới khách sạn Grand Copthorne Waterfront", Ho kể. "Rất nhiều thời gian đã bị lãng phí".
Nhưng trước khi bắt cặp đôi nghi phạm, cảnh sát cần đảm bảo rằng mọi bằng chứng đều kín kẽ. "Chúng tôi phải đưa ra đánh giá. Nếu bắt chúng nhưng chúng lại không mang số tiền bên mình thì hành động tiếp theo của chúng tôi sẽ là gì?", Ho nói.
Ngày 5/9, cảnh sát tới Grand Copthorne, nói chuyện với nhân viên khách sạn để chứng thực danh tính hai nghi phạm và giờ check-in. Bất ngờ với họ, Predrag và Dalida chưa làm thủ tục trả phòng, đồng nghĩa chúng có thể vẫn giữ số tiền bên mình.
Cảnh sát chuẩn bị đột kích phòng khách sạn của Predrag và Dalida. Họ chặn mọi lối thoát, bao gồm cả khả năng cặp đôi sẽ nhảy ra khỏi cửa sổ để chạy trốn. Lúc cảnh sát xông vào phòng, Predrag và Dalida đang ngủ.
Cảnh sát thu giữ khoảng 740.000 SGD tại phòng. Số còn lại đã bị chuyển đi và không thể thu hồi.
Dalida nói cô ta nhận chỉ thị từ Pháp và đã chuyển số tiền còn lại cho một người đàn ông không rõ danh tính trên đường Serangoon. Người này, về sau được xác định là Muhammad Shafee Mohamed Anees, hiện vẫn bị điều tra.
Ngày 25/6 năm ngoái, Predrag và Dalidabị tuyên án tù hai năm 6 tháng sau khi nhận tội. Tới ngày 20/8, Kiss và Weidmann bị tuyên án 3 năm 8 tháng tù.
Chuyên án dần sáng tỏ hoàn toàn, Ho bắt đầu tìm kiếm lời giải cho câu hỏi chuyện gì đã xảy ra ở Pháp.
Cuộc điều tra cho thấy vào tháng 3/2017, ông Chui, giám đốc Oceanic, đã gặp một người tên "Boris" ở Paris để thảo luận về các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng mua tàu. "Boris" khăng khăng muốn trả bằng tiền mặt, từ chối mọi phương pháp thanh toán khác.
Trong quá trình giao dịch, cộng sự của Chui sau hơn một tiếng đếm 3,5 triệu euro tiền mặt đặt cọc đã xác nhận chúng đều là thật. Tiếp đó, Chui bỏ tiền vào một ngăn kéo. Ông dường như không có lựa chọn nào khác.
"Qua lời kể của nạn nhân tôi hiểu rằng xung quanh có rất nhiều vệ sĩ", Ho nói. "Chúng tự khắc họa bản thân giống như mafia. Nạn nhân và đồng sự quá sợ hãi vì họ đang ở nước ngoài. Nếu có chuyện xảy ra sẽ không có ai giúp họ".
Ngăn kéo đóng lại trước khi Chui được bảo rằng ông có thể mở nó ra để chuyển tiền sang túi trống. Ho nghi ngờ ngăn kéo có một cơ chế đặc biệt giúp đổi tiền thật thành tiền giả hoặc chiếc túi bằng cách nào đó đã bị hoán đổi.
"Chúng tôi không biết chuyện gì diễn ra ở Pháp", Ho nói thêm. "Chỉ chính quyền Pháp mới có thể làm sáng tỏ".
Nhà chức trách Pháp cũng đang điều tra các cá nhân giống như "Boris". Điều này càng củng cố linh cảm của Ho rằng trò lừa đảo với Oceanic do một tổ chức dàn dựng.
Nghi phạm Nikolic Predrag. Ảnh: CNA. |
Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)
Ngày đăng: 09:40 | 27/09/2019
/ vnexpress.net