Không sở hữu cổ phần nhưng Địa ốc Alibaba tự xưng là công ty mẹ, chi phối ít nhất 6 công ty đầu tư và môi giới dự án ma.
Hai ngày sau khi ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và em trai Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng an ninh tiếp tục khám xét Công ty cổ phần Địa ốc Chiến binh thép. Địa ốc Alibaba không sở hữu trực tiếp cổ phần tại doanh nghiệp này, nhưng lại quan hệ mật thiết thông qua sở hữu chồng chéo, phục vụ mục đích phân phối các "dự án ma" ở huyện Long Thành (Đồng Nai).
Trên trang điện tử của mình, Địa ốc Alibaba tự xưng tập đoàn và gọi doanh nghiệp này là công ty con. Một số doanh nghiệp khác trong danh sách 20 công ty con của Địa ốc Alibaba cũng có cùng mô thức về quy mô vốn, cơ cấu cổ đông, ngành nghề và địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Theo đó, ít nhất 6 công ty được thành lập từ giữa đến cuối năm ngoái với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập đều là cá nhân, dao động 3-7 người. Trong đó, Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, em trai ông Luyện) luôn nắm 75% cổ phần. Các doanh nghiệp này là pháp nhân trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng. Trong khi đó, hợp đồng quyền chọn nhận đất nền hoặc lãi suất sẽ ký với Địa ốc Alibaba.
Ông Nguyễn Thái Luyện (ở giữa) cắt băng khai trương chi nhánh Địa ốc 108 tại Biên Hoà, Đồng Nai. (Ảnh: Website Tapdoandiaocalibaba.com) |
Điển hình như trường hợp của ông Lâm Anh ngụ huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) mua lô đất nền 1,66 tỷ đồng tại dự án Alibaba Center City 5. Hợp đồng ban đầu nhà đầu tư này ký với Công ty cổ phần Bất động sản địa ốc Chiến Thắng, nhưng hợp đồng chọn lại ký với Địa ốc Alibaba và được doanh nghiệp này cam kết thu lại lô đất với lợi nhuận 12% sau nửa năm.
Hoặc với trường hợp dự án Alibaba Diamond City, nhiều khách hàng cho biết họ được nhân viên môi giới giới thiệu chủ đầu tư là Công ty Địa ốc đầu tư và phát triển 108. Doanh nghiệp này do Nguyễn Thái Lực chi phối, có hơn 300 nhân viên với doanh thu tháng 6/2019 xấp xỉ 80 tỷ đồng. Địa ốc Alibaba chỉ đóng vai trò nhà phát triển và phân phối độc quyền của dự án này.
Đây được xem là những "chân rết" chủ lực giúp Địa ốc Alibaba bành trướng hoạt động tại các tỉnh ven TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Theo số liệu doanh nghiệp này tự công bố trên trang điện tử mới đây, có gần 2.400 sản phẩm được các công ty con tiêu thụ trong tháng 6 bất chấp "khủng hoảng liên tiếp diễn ra sau những vụ cưỡng chế". Trong số 7 công ty đóng góp doanh thu giai đoạn này, Địa ốc Tia chớp (do Địa ốc Alibaba nắm 75% vốn) dẫn đầu với 127 tỷ đồng. Các công ty khác như Địa ốc Chiến thắng, Chiến binh thép, Big Bang... mang về khoảng 90-110 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc đối ngoại và đào tạo Địa ốc Alibaba, từng cho biết nguồn thu của doanh nghiệp này tăng trưởng liên tục nhờ có đội ngũ nhân viên kinh doanh hơn 2.600 người.
Khách hàng đến giao dịch tại văn phòng Địa ốc Alibaba. (Ảnh: Website Tapdoandiaocalibaba.com) |
Ngoài các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Địa ốc Alibaba còn thành lập hàng chục doanh nghiệp khác đảm nhiệm việc tư vấn đầu tư, xây dựng, quảng cáo, vận tải và bán lẻ hàng may mặc. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng và đặt trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.
Địa ốc Alibaba tự giới thiệu có vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng, 48 dự án đã và đang phát triển với hơn 2.500 nhân viên... Định hướng vào năm 2023 là trở thành tập đoàn địa ốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á, "giúp khách hàng giàu lên có số má và nhân viên đều có nhà, xe hơi".
Sự chồng chéo, mập mờ sở hữu cổ phần tại các công ty liên quan đến Địa ốc Alibaba từng được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cảnh báo vào cuối năm 2017. HoREA cho rằng ngoài tự xưng là chủ đầu tư và thu tiền trước của khách hàng, các công ty thuộc nhóm này còn có số vốn điều lệ lớn đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty mới xuất hiện 3-5 trên thị trường bất động sản. Việc các cổ đông đã góp đủ số vốn như công bố hay chưa cũng là một dấu hỏi lớn, cần được làm rõ nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp dùng chiêu bài vốn khủng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế - buôn lậu (PC03) Công an TP HCM, bước đầu xác định có hơn 6.700 nạn nhân bị Công ty địa ốc Alibaba chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngày đăng: 08:53 | 22/09/2019
/ vtc.vn