Những gì xảy ra gần đây cho thấy, thế giới không chỉ phẳng mà còn rất mong manh, dễ tổn thương do chính bàn tay của con người gây ra.
Trong một bài viết mới đăng tải trên tờ New York Times, cây bút bình luận Thomas L. Friedman chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, do vô tình hoặc ám ảnh về hiệu quả cũng như sự tăng trưởng ngắn hạn, nhân loại đã liên tục loại bỏ các bộ "giảm xóc" nhân tạo và tự nhiên, các hệ thống dự phòng, những quy định và quy tắc giúp cung cấp khả năng phục hồi và bảo vệ khi các hệ thống lớn (có thể là sinh thái, địa chính trị hoặc tài chính) bị kéo căng.
Cùng lúc đó, con người hành xử theo những cách cực đoan, vi phạm và chống lại những giới hạn thông thường về chính trị, tài chính và môi trường Trái đất. Con người cũng đồng thời đưa thế giới từ kết nối riêng lẻ đến kết nối liên mạng rồi liên kết phụ thuộc lẫn nhau về mặt kỹ thuật, bằng cách loại bỏ các ma sát, cho thêm \'dầu bôi trơn\' vào các thị trường toàn cầu, các hệ thống viễn thông, internet và giao thông.
Cả 3 xu hướng trên kết hợp lại đã dẫn đến một thế giới dễ bị tổn thương trước các cú sốc và hành vi cực đoan. Điều này thể hiện rất rõ qua các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong 2 thập kỷ trở lại đây.
Thảm kịch khủng bố 11/9/2001
Mạng lưới khủng bố al-Qaeda và thủ lĩnh Osama bin Laden được coi là các mầm bệnh chính trị xuất hiện ở Trung Đông sau năm 1979, thời điểm "Hồi giáo bị mất các phanh hãm" hay bị tổn hại nặng nề khả năng chống lại chủ nghĩa cực đoan như cách nói của Mamoun Fandy, chuyên gia về chính trị Ảrập.
Theo ông Friedman, 1979 là năm Ảrập Xêút chùn bước sau khi những phần tử Hồi giáo cực đoan nắm quyền kiểm soát Đại thánh đường Hồi giáo ở Mecca và cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran đã đưa Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini trở thành lãnh tụ tinh thần tối cao của nước này. Các biến cố này đã tạo ra một cuộc cạnh tranh quyền lực quyết liệt giữa người Hồi giáo Shi\'ite ở Iran và người Hồi giáo Sunni ở Ảrập Xêút.
Cuộc ganh đua nhằm làm rõ ai là lãnh đạo thực sự của thế giới Hồi giáo xảy ra trùng vào thời điểm giá dầu leo thang, đã mang tới cho cả hai chế độ các nguồn lực để tuyên truyền về thương hiệu Hồi giáo thuần túy của họ khắp các nhà thờ và trường học trên toàn cầu. Bằng cách đó, họ đã cùng nhau làm suy yếu bất kỳ xu hướng mới nổi nào hướng tới đa nguyên tôn giáo và chính trị, đồng thời củng cố chủ nghĩa khắc khổ và các khía cạnh bạo lực.
Ý tưởng cho rằng chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo bạo lực sẽ là động lực cho sự hồi sinh của Hồi giáo và việc trừ khử ảnh hưởng của nước ngoài trong khu vực, đặc biệt từ Mỹ là bước đầu tiên cần thiết cho quá trình đó, bắt đầu được phổ biến hơn. Thông qua các nhà thờ Hồi giáo, băng thu âm sẵn và sau đó là internet, mầm bệnh ý thức hệ này lan rộng đến Pakistan, Bắc Phi, châu Âu, Ấn Độ và Indonesia.
Tiếng chuông cảnh báo ý tưởng trên có thể gây bất ổn cho Mỹ bắt đầu gióng lên lúc 12h18 ngày 26/2/1993, khi một chiếc xe tải chở đầy chất nổ đã nổ tung trong nhà để xe bên dưới tòa nhà 1 Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan. Quả bom đã không thể làm đổ sụp tòa nhà như dự định, nhưng đã phá hủy cấu trúc chính, làm 6 người chết và hơn 1.000 người bị thương.
Chủ mưu của vụ tấn công, Ramzi Ahmed Yousef, người Pakistan, sau đó tuyên bố với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng, điều hắn tiếc nuối duy nhất là không thể phá hủy cả tòa tháp đôi cao 110 tầng, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Tòa tháp phía nam Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan, Mỹ đổ sụp vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Magnum Photos |
Những gì xảy ra tiếp theo là các cuộc tấn công khủng bố trực tiếp vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan vào ngày 11/9/2001, kích hoạt một cuộc khủng hoảng kinh tế - địa chính trị toàn cầu, kết thúc bằng việc Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD để cố gắng bảo vệ nước này trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực, thông qua một hệ thống giám sát quy mô do chính phủ chỉ đạo, các vụ dẫn độ, việc triển khai máy dò kim loại tại các sân bay và cả bằng cách xâm chiếm Trung Đông.
Mỹ và các đồng minh đã lật đổ các lãnh đạo ở Iraq và Afghanistan, hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực ở những vùng đất xa xôi này, nhưng không thành công. Dù bằng cách nào, "virus al-Qaeda" đã đột biến, thu nạp các yếu tố mới từ "vật chủ" ở Iraq và Afghanistan. Do đó, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực thậm chí còn trở nên độc hại hơn và nhờ những biến đổi nhỏ nhất trong bộ gien đã trở thành tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) tự xưng.
Sự trỗi dậy của IS cùng với những thay đổi song hành của Taliban đã khiến Mỹ sa lầy trong khu vực chỉ để kiểm soát các "ổ dịch" mới bùng phát.
Đại suy thoái
Cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu năm 2008 diễn ra theo cách tương tự. Cảnh báo bắt nguồn từ một loại virus có tên Quản lý vốn dài hạn (LTCM). LTCM là một quỹ đầu tư mạo hiểm do chủ ngân hàng John Meriweather, người quy tụ được một nhóm nhà toán học, cựu chuyên gia trong ngành và hai người từng đoạt giải thưởng Nobel, thành lập năm 1994. Quỹ này đã sử dụng các mô hình toán học để dự đoán giá và hàng tấn đòn bẩy để khuếch đại số vốn thành lập 1,25 tỷ USD nhằm thực hiện các vụ đặt cược chênh lệch giá lớn và siêu lợi nhuận.
Tất cả phát huy hiệu quả cho đến khi không còn đạt được điều đó nữa. Theo trang Business Insider, tháng 8/1998, Nga không trả được nợ đúng hạn. Ba ngày sau, các thị trường trên toàn thế giới bắt đầu suy sụp. Các nhà đầu tư bắt đầu tháo chạy ồ ạt. Chênh lệch hoán đổi (mức chênh lệch giữa tỉ lệ lãi suất cố định của một hợp đồng hoán đổi và lợi tức của trái phiếu chính phủ với thời gian đáo hạn tương tự) ở mức không thể tin nổi.
Mọi thứ đều lao dốc. Trong một ngày, LTCM mất 553 triệu USD, chiếm 15% vốn. Trong một tháng, quỹ mất gần 2 tỷ USD.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn mất tiền, vỡ nợ và chấm dứt sự tồn tại. Nhưng LTCM thì khác. Công ty đã thực hiện các khoản đặt cược bằng cách tận dụng lượng lớn vốn từ rất nhiều ngân hàng lớn khắp toàn cầu. Do không có sự minh bạch trong giao dịch, nên không có đối tác nào biết rõ thực trạng của LTCM cũng như việc nếu quỹ được phép phá sản và vỡ nợ, nó sẽ gây ra tổn thất khủng khiếp đối với hàng chục nhà đầu tư và ngân hàng ở Phố Wall và nước ngoài.
Hơn 1.000 tỷ USD gặp rủi ro. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tung ra gói cứu trợ 3,65 tỷ USD để tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng cho các ông lớn Phố Wall trước những ảnh hưởng của LTCM.
Cuộc khủng hoảng rốt cuộc cũng được kiểm soát và bài học đã rõ: Đừng để ai "chơi lớn" như vậy và trong một số trường hợp cực đoan, đặt cược với đòn bẩy tài chính cực lớn trong một hệ thống ngân hàng toàn cầu, nơi không có sự minh bạch về số tiền mà một thành viên đã vay được từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, một thập kỷ sau, bài học bị lãng quên và thế giới hứng chịu thảm họa tài chính toàn diện của năm 2008. Lần này, tất cả đều ở trong sới bạc. Có bốn phương tiện tài chính then chốt tương tác với nhau tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Các "mầm bệnh tài chính" đó là thế chấp dưới chuẩn, thế chấp theo lãi suất điều chỉnh (ARM), chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp thương mại (CMBS) và nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO).
Sàn Giao dịch chứng khoán New York năm 2008. Ảnh: NYT |
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính ít chịu điều phối hơn đã thực hiện hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng như thế chấp theo lãi suất điều chỉnh cực kỳ liều lĩnh, và sau đó họ cùng những đối tượng khác dùng các khoản thế chấp này vào hoạt động kinh doanh chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp thương mại. Trong khi đó, các cơ quan đánh giá lại phân loại những trái phiếu này ít rủi ro hơn nhiều so với thực tế.
Toàn bộ hệ thống phụ thuộc vào giá nhà đất tăng vô tận. Khi bong bóng nhà đất vỡ và nhiều chủ nhà không thể trả được các khoản thế chấp của họ, "dịch bệnh" tài chính lây nhiễm cho lượng lớn các ngân hàng và công ty bảo hiểm toàn cầu, chưa kể hàng triệu doanh nghiệp nhỏ.
Với hệ thống tài chính thế giới nhiều kết nối và đòn bẩy hơn bao giờ hết, chỉ có các khoản cứu trợ khổng lồ từ các ngân hàng trung ương mới ngăn chặn được đại dịch kinh tế và suy thoái kinh tế do thất bại của các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán.
Vào năm 2010, các nhà quản lý đã cố gắng tránh cho hệ thống ngân hàng lặp lại khủng hoảng như trên bằng Đạo luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng Phố Wall Dodd-Frank ở Mỹ và việc áp dụng các tiêu chuẩn vốn và thanh khoản mới của Basel III ở các hệ thống ngân hàng khắp thế giới. Tuy nhiên, kể từ đó và đặc biệt dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các công ty dịch vụ tài chính đã vận động hành lang, thường là thành công, để làm suy yếu những bộ "giảm xóc" này, đe dọa tạo ra một sự lây lan dịch bệnh tài chính mới.
Điều này có thể còn nguy hiểm hơn vì giao dịch trên máy tính hiện chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch chứng khoán toàn cầu. Những nhà giao dịch này đang sử dụng thuật toán và mạng máy tính xử lý dữ liệu ở mức một phần nghìn hoặc một phần triệu giây để mua và bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa. Đáng tiếc, thế giới hiện không có khả năng "miễn dịch cộng đồng" trước sự tham lam.
(Còn tiếp)
Tuấn Anh (Theo New York Times)
Covid-19 đặt ra nhiều thách thức về an ninh sinh học cho loài người |
Khi loài người phải sống chung với COVID-19 |
Loài người có bớt ngạo mạn? |
Ngày đăng: 14:35 | 02/06/2020
/ vietnamnet.vn