Malaysia đã ngừng một số dự án Trung Quốc và muốn thương lượng lại vì lo gánh nợ quá lớn và đối mặt với vấn đề chính trị nhạy cảm.

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc

Dự án cải tạo cảng và xây khu công nghiệp Melaka Gateway ở Malaysia. Ảnh: NYTimes.

Tại Malaysia, một công ty điện Trung Quốc đang đầu tư vào cảng nước sâu đủ lớn để tiếp tàu sân bay, một công ty quốc doanh Trung Quốc đang cải tạo bến cảng dọc theo Biển Đông. Mạng lưới đường sắt chủ yếu được tài trợ bởi ngân hàng chính phủ Trung Quốc đang được xây dựng, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc còn đang xây 4 đảo nhân tạo để làm nhà ở cho gần 700.000 người, với khách hàng mục tiêu là công dân Trung Quốc.

Các dự án này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành được ảnh hưởng toàn cầu. Malaysia từng hào hứng chào đón đầu tư từ Trung Quốc nhưng giờ đây họ đang thận trọng vì lo sợ phải gánh khoản nợ quá lớn với các dự án không khả thi hoặc không cần thiết, theo NYTimes.

Tân tổng thống Malaysia Mahathir Mohamad hôm nay kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh 5 ngày. Ông đã hủy các dự án do Trung Quốc đầu tư trị giá hơn 20 tỷ USD.

Thông điệp của ông rất rõ ràng. "Chúng tôi không muốn chủ nghĩa thực dân kiểu mới xuất hiện vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu", Mahathir nói sau khi họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trung Quốc từng thành công trong việc "tấn công quyến rũ" người tiền nhiệm của Mahathir là Najib Razak với các khoản cho vay dễ dàng, các dự án và thỏa thuận có giá trị chiến lược cho tham vọng của họ. Najib hồi tháng 5 thất bại trong cuộc bầu cử vì bê bối tham nhũng xoay quanh ông và quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Mahathir, 93 tuổi, đắc cử với nhiệm vụ đưa đất nước ra khỏi tình trạng nợ nần.

Những dự án gây lo ngại

Nhiều nước nhận tiền từ sáng kiến Vành đai và Con đường đã nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc mang đến ít "quả ngọt" hơn họ tưởng. Việc đấu thầu kín đã dẫn đến những hợp đồng bị thổi phồng giá trị, các công ty Trung Quốc đưa lao động nước họ đến làm việc thay vì thuê nhân công địa phương.

Cách đây 5 năm, Trung Quốc bắt đầu tập trung sự chú ý vào Kuantan, thành phố Malaysia bên bờ Biển Đông. Tập đoàn Cảng quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đã giành được hợp đồng xây dựng một cảng nước sâu và khu công nghiệp tại đây. Một điểm dừng trên tuyến Đường sắt bờ Đông chủ yếu được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng sẽ được thiết lập gần đó.

Cư dân Kuantan lo lắng rằng thành phố có thể bị mắc kẹt với các dự án tốn kém mà không mang lại lợi ích. "Chúng tôi hoan nghênh đầu tư nước ngoài, nhưng chúng tôi đặt câu hỏi về mức giá khổng lồ sẽ phải trả", Fuziah Salleh, nhà lập pháp ở Kuantan nói. "Ai là người hưởng lợi thực sự? Người Malaysia hay người Trung Quốc?".

"Tôi lo lắng rằng chủ quyền của chúng tôi đã bị bán đi", Fuziah nói.

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc

Vị trí diễn ra các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia. Đồ họa: NYTimes.

Trong một cuộc phỏng vấn sau khi đắc cử, Mahathir chỉ vào đống giấy tờ trước mặt ông. Đó là đề xuất từ một công ty xây dựng Malaysia cho thấy doanh nghiệp trong nước có thể thi công Đường sắt bờ Đông với chi phí ít hơn hợp đồng trị giá 13,4 tỷ USD với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là hợp đồng đường sắt này được đấu thầu kín. Công ty Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu bình luận. Malaysia đã cho dừng dự án này.

Chính quyền Mahathir cũng đang cho dừng để xem xét lại thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Malaysia. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Engphát hiện ra rằng chính phủ tiền nhiệm đã giải ngân hơn hai tỷ USD cho dự án. "Theo những gì chúng tôi biết thì họ còn chưa hề bắt đầu xây dựng", Lim nói.

Thành phố Malacca của Malaysia từng là con đường tấp nập tàu thuyền chở các loại gia vị từ châu Á đến châu Âu. Eo biển được đặt tên theo thành phố vẫn là nơi phần lớn hàng hóa thương mại trên biển của châu Á đi qua, trong đó có hầu hết dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cảng ở Malacca giờ không còn tấp nập. Thay vào đó, cảng của Singapore gần đó là trung tâm trung chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Một dự án phát triển trị giá 10 tỷ USD có tên Melaka Gateway, được rót vốn bởi công ty PowerChina International và hai công ty phát triển cảng Trung Quốc có mục tiêu hồi sinh cảng ở Malacca.

Đối tác Malaysia của Trung Quốc trong dự án này là Công ty Phát triển KAJ. Đây là một công ty không mấy tiếng tăm và điều đó làm dấy lên nghi ngờ họ đã "đi đêm" với đảng của Najib. Công ty không đáp ứng yêu cầu bình luận.

Mahathir lo ngại rằng dự án Malacca là thừa thãi, không cần thiết và chưa chắc có thể cạnh tranh được với cảng của Singapore. "Chúng tôi không phải phụ thuộc vào những người nước ngoài", ông nói. "Khi họ xây dựng, họ sử dụng lao động nước ngoài, vật liệu nước ngoài. Chúng ta được gì? Chả gì cả".

Dự án này bao gồm ba đảo nhân tạo và một đảo tự nhiên được mở rộng sẽ có khu công nghiệp, bến du thuyền, công viên giải trí, trung tâm tài chính nước ngoài và khách sạn 7 sao. Họ dự kiến xây một cảng nước sâu mới với cầu cảng đủ lớn để đón tàu sân bay. Nhà điều hành được thuê cảng nước sâu trong 99 năm chứ không phải là mức 30 năm thường thấy.

Các chuyên gia quân sự nêu khả năng cảng này có thể được dùng để tiếp tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc. Dưới thời Najib, Malaysia tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc và cho phép tàu ngầm tấn công Trung Quốc thăm cảng. Nhưng Mahathir nhấn mạnh sự khác biệt của ông với người tiền nhiệm. "Tôi đã công khai tuyên bố rằng chúng tôi không muốn thấy các tàu chiến ở eo biển Malacca hay Biển Đông", ông nói.

Dự án do Trung Quốc đầu tư khiến người dân địa phương nghi ngại nhất là khu đô thị Forest City (Thành phố Rừng) ở nam Malaysia, gồm 4 đảo nhân tạo có đủ không gian cho khoảng 700.000 người, được xây dựng bởi Country Garden, một trong những nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc và một tập đoàn bất động sản địa phương.

Khu đô thị này được thiết kế để nhắm vào khách hàng Trung Quốc, từ cách bố trí các căn hộ sang trọng cho đến các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Trung. Giá bán tại đây cao hơn rất nhiều giá thị trường bình thường.

"Đây không phải là đầu tư mà là một khu định cư cho người Trung Quốc", Mahathir nói.

Mặc dù phần lớn dân số Malaysia là người Mã Lai Hồi giáo, nhóm dân tộc lớn thứ hai của nước này là người Hoa. Nhiều người Trung Quốc di cư đến Malaysia trong thời kỳ nước này còn là thuộc địa của Anh. Nhiều người có quan niệm rằng người Hoa được ưu ái hơn các nhóm dân tộc khác. Vì vậy, viễn cảnh một làn sóng di cư mới từ Trung Quốc là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở Malaysia.

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc

Mô hình dự án khu đô thị Forest City ở Johor Bahru, Malaysia. Ảnh: NYTimes.

\'Thông cảm\'

Tuần trước, Lầu Năm Góc đưa ra báo cáo nói rằng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhằm "phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các nước khác, định hướng lợi ích của họ để phù hợp với Trung Quốc và ngăn chặn họ đối đầu hoặc chỉ trích cách tiếp cận của Bắc Kinh trong các vấn đề nhạy cảm".

"Các nước tham gia Vành đai và Con đường có thể phải phụ thuộc vào vốn của Trung Quốc và Bắc Kinh có thể tận dụng điều đó để đạt được lợi ích", báo cáo có đoạn viết.

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nêu ví dụ về Sri Lanka, nước phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản nợ vay từ chính Bắc Kinh. "Chúng tôi không muốn lâm vào tình huống như Sri Lanka, họ không trả nổi tiền và cuối cùng người Trung Quốc lại tiếp quản dự án", Lim nói.

Mahathir đã nói rõ những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc. "Họ biết rằng khi họ cho một nước nghèo vay một khoản tiền lớn thì có thể cuối cùng dự án đó sẽ vào chính tay họ", ông nói.

"Trung Quốc từng phải đối phó với các thỏa thuận bất công bị các cường quốc phương Tây áp đặt trong quá khứ", Mahathir nói, đề cập đến những nhượng bộ mà Trung Quốc phải chấp nhận sau khi thất bại trong Chiến tranh Nha phiến (cuộc chiến vào thế kỷ 19 giữa Anh và Trung Quốc, xoay quanh việc chính phủ Anh đòi quyền tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ, thuộc địa của Anh, sang Trung Quốc).

"Vì vậy, Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết chúng tôi không có khả năng xoay xở để trả nợ", Mahathir nhấn mạnh.

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc Mối lo mắc \'bẫy nợ\' Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương

Những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương đang làm dấy lên mối lo về một chiếc "bẫy ...

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc Chiến lược ngoại giao bẫy nợ

Gánh nặng nợ nần trên vai các nước nhỏ càng chồng chất thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng lớn mạnh

lo sap bay no malaysia muon thoat khoi cac du an trung quoc Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc

Sau khi tiếp nhận các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, không ít quốc gia nếm trái đắng: môi trường bị tàn phá, ...

Ngày đăng: 21:48 | 21/08/2018

/ https://vnexpress.net