Thủy thủ tàu USS O'Bannon ném nhiều củ khoai tây vào tàu ngầm Ro-34 của Nhật, khiến đối phương hoảng loạn và mất khả năng chống trả.
Tàu khu trục USS O\'Bannon sau Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.
Khu trục hạm USS O\'Bannon được coi là một trong những con tàu may mắn nhất của hải quân Mỹ thời Thế chiến II nhờ nhiều lần thoát khỏi hiểm nguy. Một trong số đó là cuộc đối đầu với tàu ngầm Nhật Bản năm 1943, khi nó đánh chìm đối phương nhờ những củ khoai tây, theo War History.
USS O\'Bannon là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu khu trục Fletcher, được hạ thủy tháng 2/1942. Tàu dài 115 m và có lượng giãn nước 2.050 tấn. Nhờ trang bị động cơ 60.000 mã lực, tàu đạt vận tốc tối đa 65 km/h và tầm hoạt động 12.000 km.
Chiến hạm này sở hữu dàn vũ khí rất mạnh gồm 5 hải pháo cỡ nòng 127 mm, 17 pháo phòng không cỡ 40 mm và 20 mm, 10 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm và 6 dàn phóng bom chìm.
Sau khi hạ thủy, USS O\'Bannon nhận lệnh tham gia chiến dịch Guadalcanal. Nó cùng nhiều chiến hạm thuộc Biên đội tàu khu trục số 21 hộ tống các tàu vận tải hỗ trợ cho hàng loạt chiến dịch của hải quân Mỹ trên khắp Thái Bình Dương. Trên đường di chuyển đến đảo Guadalcanal, USS O\'Bannon đã phát hiện và tấn công một tàu ngầm Nhật đang ở trạng thái nổi trên mặt biển, bảo đảm an toàn cho đoàn tàu vận tải.
Tháng 8/1942, Mỹ và Nhật nổ ra trận đánh dữ dội tại quần đảo Solomon, nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Henderson trên đảo Guadalcanal. Quân đội Nhật muốn chiếm sân bay này vì nó đóng vai trò thiết yếu với các chiến dịch quân sự của Mỹ ở nam Thái Bình Dương.
Hải quân Nhật huy động lực lượng hùng hậu gồm 14 khu trục hạm, hai thiết giáp hạm và một tuần dương hạm hạng nhẹ để chia cắt tuyến tiếp tế đường biển của Mỹ, đồng thời bí mật tăng viện cho bộ binh trên đảo.
Ngày 13/10/1942, biên đội tàu hộ tống Mỹ chạm mặt hạm đội Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Solomon. Khu trục hạm USS O\'Bannon chủ động áp sát và liên tục tấn công thiết giáp hạm Hiei ngay khi phát hiện đối phương, dù có kích cỡ chỉ bằng một nửa chiến hạm Nhật Bản.
Thiết giáp hạm Hiei nhanh chóng mất khả năng chiến đấu, sau đó bị chiến đấu cơ Mỹ phối hợp với tàu O\'Bannon đánh chìm. Những tàu chiến còn lại của Nhật phải rút lui để củng cố đội hình.
Một năm sau trận hải chiến này, khu trục hạm USS O\'Bannon đụng độ tàu ngầm Ro-34 của Nhật, chỉ có sự nhanh trí mới giúp thủy thủ đoàn sống sót và đánh bại đối phương.
Một tàu ngầm lớp Kaichu VI của Nhật vào năm 1939. Ảnh: Wikipedia.
Ro-34 là tàu ngầm cỡ trung lớp Kaichu VI, trang bị cả pháo và súng máy phòng không. Đêm 5/4/1943, nó bị khu trục hạm O\'Bannon phát hiện khi nổi lên vùng biển ở nam Thái Bình Dương.
Ban đầu, chiến hạm Mỹ định đâm thẳng vào đối phương. Tuy nhiên, USS O\'Bannon đổi hướng vào những giây cuối cùng vì nhận thấy đối phương có thể là một tàu ngầm chuyên rải thủy lôi. Cú va chạm có thể kích nổ số thủy lôi trên tàu Nhật và phá hủy cả chiến hạm Mỹ.
Tàu O\'Bannon bẻ lái gấp để tránh va chạm, khiến nó di chuyển song song với Ro-34 ở khoảng cách gần đến mức không thể khai hỏa vào mục tiêu, trong khi khẩu súng máy gắn phía trên tàu ngầm Nhật có thể dễ dàng khai hỏa và gây thiệt hại nặng cho tàu chiến Mỹ.
Đúng vào thời khắc nguy hiểm đó, các thủy thủ Mỹ trên boong tàu USS O\'Bannon phát hiện một giỏ khoai tây và dùng chúng để ném liên tiếp vào tốp lính điều khiển súng máy phía trên tàu ngầm Nhật.
Tưởng những củ khoai tây là lựu đạn, thủy thủ Nhật trở nên hoảng loạn và chỉ tập trung ném ngược khoai tây về tàu Mỹ hoặc quăng xuống biển, thay vì bắn vào đối phương. Nhờ đó, USS O\'Bannon kịp di chuyển đến khoảng cách an toàn và khai hỏa đánh chìm tàu Ro-34 .
USS O\'Bannon tham gia nhiều trận đánh trong Thế chiến II, trở thành khu trục hạm được tặng nhiều phần thưởng nhất của Mỹ với 17 ngôi sao chiến đấu và một giấy khen của tổng thống.
Duy Sơn
Hy Lạp yêu cầu Đức trả 288 tỷ euro đền bù tổn thất từ Thế chiến II
Hy Lạp khẳng định thiệt hại khi bị quân đội Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai khiến nước này phát triển chậm. Trong ... |
Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2
Quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn. |
Con mèo sống sót trên ba chiến hạm bị đánh chìm thời Thế chiến II
Mèo Oscar nổi tiếng trong Thế chiến II vì từng sống trên cả tàu chiến Anh và Đức, cũng như ba lần thoát chết khi ... |
Ngòi nổ cận đích giúp tăng uy lực đạn pháo Mỹ trong Thế chiến II
Ngòi nổ cận đích được Mỹ chế tạo cuối Thế chiến II giúp tăng hiệu quả sát thương và giảm tình trạng lãng phí đạn ... |
Ngày đăng: 09:26 | 07/11/2018
/ https://vnexpress.net