Tham vọng biến cỏ thành sản phẩm quốc dân, Võ Quốc Thảo Nguyên đang nỗ lực để có thể cung cấp 1 tỷ ống hút trong vòng 5 năm tới
Biến cỏ thành tiền
Võ Quốc Thảo Nguyên có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, điều hành dự án và phụ trách chính mảng vận hành. Công việc ở ngân hàng khá ổn định và có thu nhập cao, thế nhưng cô đã mạnh dạn từ bỏ công việc này để khởi nghiệp với dự án ống hút cỏ.
Thảo Nguyên chia sẻ, ống hút cỏ thiên nhiên là giải pháp thay thế ống hút nhựa, dễ dàng phân hủy, an toàn cho sức khỏe, việc sơ chế ống hút góp phần ổn định việc làm cho bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, startup này đã cung cấp ống cỏ cho hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. Sản phẩm đã tiếp cận được gần 30 thị trường: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Biến cỏ thành tiền |
Từ bỏ công việc ở ngân hàng và quyết tâm theo đuổi dự án ống hút cỏ, Nguyên luôn tin rằng: "Công việc này mang lại nhiều ý nghĩa hơn là việc làm ở ngân hàng. Còn dự án ống hút cỏ sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con nông dân nghèo và giảm rác thải nhựa. Tinh thần sống xanh sẽ được lan tỏa cho cộng đồng".
Sau 8 tháng khởi nghiệp, công ty đạt doanh số 830 triệu đồng. Quý 4/2019, công ty đang có đơn đặt hàng lớn đến từ Mỹ và châu Âu. Dự tính, doanh số cuối năm 2019 đạt 13 tỷ với lợi nhuận là 45%, năm 2020 là 150 tỷ, năm 2021 là 350 tỷ và năm 2022 sẽ cán mốc 600 tỷ.
Về mô hình kinh doanh ống hút cỏ, Thảo Nguyên cho hay đã có 6 doanh nghiệp nhảy vào thị trường này. So với các sản phẩm ống hút gạo, ống hút tre, ống hút giấy,... ống hút cỏ của Võ đã có giấy kiểm nghiệm về mẫu đất, mẫu nước... để có thể xuất khẩu sang châu Âu.
Doanh nghiệp của cô đang sở hữu vùng nguyên liệu tại Long An. Dự tính, với 100ha diện tích đất, dự án có thể cung cấp 1 tỷ ống hút trong vòng 5 năm tới, có khả năng xuất khẩu từ 100-200 container/tháng.
Ống hút cỏ của VN có thể xuất khẩu sang châu Âu. |
Cũng tham vọng khởi nghiệp, Lại Bá Ất giới thiệu Tua bin gió có tốc độ cố định được phát triển dựa trên định luật mới, thay thế tua pin gió đang phát triển dựa theo công thức của định luật Betz.
“Định luật này tôi đã chứng minh được là hoàn toàn sai. Cấu tạo của tuabin gió hiện nay là 3 cánh, cấu hình cánh không phù hợp thu năng lượng gió nên năng lượng thu được rất thấp so với công suất công bố. Tuabin gió của tôi thu được năng lượng nhiều hơn và giá thành điện gió ra chắc chắn rẻ hơn tuabin gió hiện nay từ hai lần trở lên” - Lại Bá Ất nói.
Sản phẩm này vừa hoàn tất quá trình nghiên cứu, chưa đi vào chế tạo nên nhà sáng lập muốn kêu gọi 6 triệu USD để tìm người giúp sản xuất, chứng minh cho thế giới thấy sáng chế có giá trị. Lại Bá Ất trình bày: “Công thức cũ gây ra tổn hại rất lớn cho kinh tế thế giới. Với cùng một giá vốn, tuabin của tôi thu được năng lượng gấp đôi”.
Trước sự hoài nghi của nhà đầu tư về sự thành công của định luật mới, nhà sáng chế tuabin gió chia sẻ ông đã bỏ ra gần 9 năm để nghiên cứu và mất 7 năm để chứng minh định luật Betz là sai lầm. Đồng thời, thị trường năng lượng gió của Mỹ và châu Âu từ nay đến năm 2030 cần khoảng 1 nghìn tỷ USD, nếu dùng tuabin mới thì số tiền đầu tư sẽ giảm được 50%.
Lại Bá Ất bày tỏ được công nhận hai bằng sáng chế từ Mỹ và châu Âu nhưng ông không lựa chọn hợp tác sản xuất với doanh nghiệp ngoại quốc bởi: “Tôi muốn tiến từ Việt Nam và tôi muốn Việt Nam trở thành trung tâm của điện gió thế giới. Tôi muốn tất cả mọi người Việt Nam hợp tác lại phát triển sản phẩm này”.
Thất bại vào nhà thương điên
Khi Ất kêu gọi đầu tư đã bị từ chối do sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mặt nghiên cứu, sáng chế, chưa sẵn sàng ra thị trường. Định giá doanh nghiệp ở mức 120 triệu USD nhưng Ất vẫn cho rằng con số trên là rẻ gấp 10 lần vì “tính ra thì nó khủng khiếp lắm”.
Ông Nguyễn Thanh Việt bất ngờ lên tiếng cho rằng ai cũng phải “hơi điên” một tí trong khi bản thân ông còn đầu tư vào điện nên “điên nặng”. Dù nhìn thấy rủi ro lớn thì ông vẫn quyết định mạo hiểm “lao vào”.
Ông Việt cho hay: “Tôi đề xuất với anh một ý tưởng điên rồ như thế này. Tôi đồng ý tài trợ cho anh 6 triệu USD với điều kiện ứng dụng phải thực tế. Tôi góp ngay bước đầu tiên cho anh 5 tỷ, nếu thành công thì chúng ta chia 50-50% cổ phần. Anh em mình thành công, tôi mời anh đến khu dưỡng lão Phương Đông ở phòng cao cấp cùng với tôi. Thất bại hai thằng mình cùng vào nhà thương điên bên Trâu Quỳ”.
Còn với dự án của mình, Nguyên Thảo đang gặp vấn đề về giá khi ống hút nhựa chỉ dao động từ 50-100 đồng/ống, còn ống hút cỏ giá bán sỉ lên đến 630 đồng. Kêu gọi đầu tư vốn 2 tỷ đồng, Thảo Nguyên muốn mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành xuống mức 300 đồng/ống.
Nhà đầu tư Đỗ Liên đánh giá cao về ý tưởng biến cỏ thành tiền, một ý tưởng rất khác biệt. Bà Liên tuyên bố muốn giúp Thảo Nguyên trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến phụ nữ Việt Nam và vì môi trường xanh, bà sẵn sàng đầu thêm cho startup 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoà Bình cho rằng, công nghệ là chìa khóa để giảm giá thành sản xuất. “Chẳng có sản phẩm nào trên thế giới tốt mà không bị copy cả, con đường của chúng ta phải đi thật nhanh và đi tiên phong toàn cầu hóa ra thị trường thế giới. Bạn phải nhắm vào phân khúc Premium ở các nước phát triển, nơi mà họ không quan tâm đến giá thành mà tập trung nhiều vào môi trường”, ông cho hay.
Thương vụ khép lại sau cái bắt tay và nụ cười đầy mãn nguyện giữa startup và nhà đầu tư. Có thể nói, để khởi nghiệp cần những ý tưởng mới táo bạo, song cũng cần có những nhà đầu tư làm bệ đỡ để các dự án không bị chết yểu từ khi còn trên giấy.
Đông Sơn
Ngày đăng: 15:18 | 16/10/2019
/ vietnamnet.vn