Hàng nghìn học sinh ở 2 tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi vừa phải thi lại sau sự cố lộ đề kiểm tra học kỳ II. Trước đó, nhiều địa phương cũng xảy ra sự cố “lọt”, lộ đề thi tương tự. Minh bạch, khách quan trong các kỳ kiểm tra, đánh giá là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh. Tiếc là, quy trình bảo mật đề kiểm tra hiện nay còn rất lỏng lẻo, thậm chí nhiều nơi còn không có quy trình.
Làm rõ ai là người làm lộ đề sẽ có hình thức xử lý nghiêm
Khoảng 7h30 ngày 3.7, Phòng GDĐT TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức kiểm tra học kỳ II môn ngữ văn lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn thành phố. Đề kiểm tra học kỳ là đề thi chung trên toàn thành phố. Đến 13h30 cùng ngày, bộ phận chuyên môn của phòng nhận được thông tin đề bị lộ.
Quá trình kiểm tra tin nhắn và hình ảnh, xác định đúng là có chuyện lộ đề, Phòng GDĐT TP.Pleiku đã yêu cầu các trường tạm ngừng chấm môn ngữ văn lớp 9 và niêm phong tại trường. Sáng 6.7, hàng nghìn học sinh lớp 9 của 21 trường THCS trên địa bàn đã phải đi thi lại môn Văn. Nguyên nhân lộ đề vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Tương tự, gần 400 học sinh của Trường THCS Trần Hưng Đạo (Quảng Ngãi) cũng vừa phải thi lại môn Vật lý học kỳ 2 do đề kiểm tra bị lộ. Theo lãnh đạo của Phòng GDĐT TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), ngoài môn Vật lý bị lộ đề thì nguy cơ còn 4 môn học khác của khối lớp 7 cũng bị lộ. Do đó, đề thi của 4 môn này được thay thế bằng đề dự phòng.
Trao đổi với Lao Động về sự cố nói trên, ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ngãi - cho biết, hiện cơ quan công an và Thanh tra Sở GDĐT đang xác minh, làm rõ vụ việc. Bước đầu chưa tìm được nguyên nhân lộ đề. Đề kiểm tra học kỳ là do giáo viên bộ môn tập hợp, xây dựng ma trận, sau đó giao lại cho hiệu trưởng chọn và in ra.
“Hiện chúng tôi đang xác minh xem việc lộ đề xuất phát từ giáo viên hay hiệu trưởng” - ông Phu cho biết.
Đại diện Sở GDĐT Quảng Ngãi cũng thừa nhận việc để xảy ra lộ đề ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Việc phải tổ chức kiểm tra lại không chỉ phát sinh thêm chi phí cho việc in ấn đề và khâu tổ chức, mà còn khiến học sinh lo lắng. Để không lặp lại sự việc, Sở GDĐT đã có chỉ đạo phải xác minh, làm rõ ai là người làm lộ đề và sẽ có hình thức xử lý nghiêm.
Không có quy trình bảo mật?
Với học sinh, đợt kiểm tra cuối học kỳ đóng vai trò rất quan trọng và mong muốn nó diễn ra một cách nghiêm túc, khách quan. Bởi kết quả của đợt kiểm tra không chỉ để lấy điểm đánh giá, xếp loại cho năm học, mà còn quyết định “điểm học bạ” để sử dụng xét tuyển vào các trường phổ thông, đại học - một xu hướng đang được nhiều trường sử dụng hiện nay. Việc liên tiếp xảy ra các sự cố lọt, lộ đề kiểm tra, khiến học sinh có tâm lý hoang mang và có quyền đặt câu hỏi về sự công bằng.
Điều đáng nói, trước sự cố lộ đề kiểm tra xảy ra ở Quảng Ngãi, Gia Lai, đã từng xảy ra nhiều vụ việc như vậy. Không ít giáo viên đã bị xử lý vì hành vi này, nhưng mùa thi học kỳ nào cũng có những sự cố tương tự.
Tại Đồng Tháp, Khánh Hòa, TPHCM cũng từng xảy ra việc lộ đề vào những năm trước. Hay ngay tại Hà Nội, năm 2018 từng xảy ra sự cố hiếm có khi bị “lọt” đề trong kỳ thi vào lớp 10. Phụ huynh và thí sinh vốn đang “căng như dây đàn” vì áp lực thi cử, lại thêm lo lắng, khi cùng một ngày, một giám thị coi thi làm “lọt”cả đề thi Ngữ văn và Toán.
Mỗi khi xảy ra lọt hay lộ đề thi đều ít nhiều lấy đi niềm tin của xã hội, của học sinh về việc đảm công bằng trong kiểm tra, đánh giá, thi cử, nhưng sự cố tương tự chưa có dấu hiệu giảm. Nó cho thấy khâu bảo mật đề kiểm tra, nhất là kiểm tra định kỳ hiện đang có vấn đề.
Theo đại diện Bộ GDĐT, căn cứ Thông tư 58 của Bộ GDĐT ban hành ngày 12.12.2011 về việc đánh giá xếp loại học lực học sinh tiểu học, THCS và THPT, thì không có thi học kỳ mà chỉ có các hình thức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Trong kiểm tra định kỳ thì có kiểm tra 1 tiết và kiểm tra học kỳ. Việc ra đề kiểm tra nói chung, trong đó có kiểm tra học kỳ thuộc trách nhiệm của giáo viên, nằm trong nhiệm vụ chuyên môn của người thầy.
Để hướng dẫn, định hướng cho giáo viên thực hiện, Bộ GDĐT đã ban hành công văn 8773 về hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, trong đó có hướng dẫn chi tiết các bước xây dựng ma trận đề kiểm tra.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong cả Thông tư 58 và công văn 8773 đều không đề cập đến quy trình bảo mật đề kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra học kỳ. Trong khi học sinh, phụ huynh đòi hỏi việc tiến hành kiểm tra, đánh giá trong các trường học phải đảm bảo công bằng, khách quan, đặc biệt là việc bảo mật đề kiểm tra.
Giải thích về quy trình ra đề kiểm tra với học sinh, ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ngãi - cho biết, việc ra đề kiểm tra (kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra cuối kỳ) đúng ra là nhiệm vụ của giáo viên bộ môn. Tuy nhiên, hiện một số Phòng giáo dục, các trường sợ giáo viên tổ chức dạy thêm, nếu để giáo viên ra đề thi sẽ không khách quan. Vì vậy, nhà trường, hay các phòng thực hiện việc ra đề kiểm tra, để thống nhất chung trong phạm vi nhà trường, hay trên toàn địa bàn. Việc này cũng nhằm ngăn chặn việc “ép” học trò học thêm, gây dư luận không tốt.
Đại diện Sở GDĐT Quảng Ngãi thừa nhận, hiện nay không có quy chế, hay quy định nào về việc bảo mật đề kiểm tra học sinh.
Trước sự việc lộ đề xảy ra vừa qua, ông Phu cho biết, thời gian tới sở sẽ ban hành quy định, trong đó chú trọng khâu bảo mật đề kiểm tra, để các trường căn cứ vào đó thực hiện nghiêm túc. Khi có quy định chi tiết, làm rõ quy trình bảo mật, thì những người liên quan sẽ ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo mật...
Sơn La sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Sơn La sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trước và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Để kiểm tra cơ sở vật chất; điểm thi và các ban của hội đồng thi...
Ngày 6.7, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La năm 2020 đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Theo đó sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trước và trong kỳ thi. Các nội dung đoàn thực hiện gồm: kiểm tra cơ sở vật chất; nắm bắt tình hình tổ chức coi thi; các biện pháp đảm bảo an toàn khu vực thi; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của thành viên, điểm thi và các ban của hội đồng thi.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã thảo luận, phân công rõ từng nhiệm vụ, chức năng để kỳ thi THPT năm 2020 diễn ra nghiêm túc. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các trường, qua đó kịp thời chỉ đạo các đơn vị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời có những chỉ đạo cụ thể để hiệu trưởng các trường tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, ôn tập cho học sinh, phấn đấu tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lên tối thiểu 10% so với năm 2019.
Kỳ thi THPT năm 2020 tỉnh Sơn La có gần 11.700 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí dự thi tại 33 điểm thi tại 12 huyện, thành phố. Tùng Quang
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, những sự cố làm lộ đề kiểm tra, lộ đề thi xảy ra thời gian qua đã làm xáo trộn tâm lý thí sinh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh. Sự cố này cũng cho thấy quy trình bảo mật đề ở các địa phương “đang có vấn đề”.
“Đề thi tuyển sinh và đề kiểm tra hết môn các cấp học, bậc học, ngành học… đều thuộc danh mục bí mật Nhà nước và tối mật trong ngành Giáo dục đào tạo. Vì thế, từ việc ra đề, bảo quản phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt, giáo viên làm lộ đề là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là quy định của pháp luật ”- PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định. Đ.Chung
Sơn La sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Sơn La sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trước và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Để kiểm tra cơ sở vật chất; điểm thi và các ban của hội đồng thi...
Ngày 6.7, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sơn La năm 2020 đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Theo đó sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra trước và trong kỳ thi. Các nội dung đoàn thực hiện gồm: kiểm tra cơ sở vật chất; nắm bắt tình hình tổ chức coi thi; các biện pháp đảm bảo an toàn khu vực thi; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của thành viên, điểm thi và các ban của hội đồng thi.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã thảo luận, phân công rõ từng nhiệm vụ, chức năng để kỳ thi THPT năm 2020 diễn ra nghiêm túc. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các trường, qua đó kịp thời chỉ đạo các đơn vị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời có những chỉ đạo cụ thể để hiệu trưởng các trường tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, ôn tập cho học sinh, phấn đấu tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lên tối thiểu 10% so với năm 2019.
Kỳ thi THPT năm 2020 tỉnh Sơn La có gần 11.700 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí dự thi tại 33 điểm thi tại 12 huyện, thành phố. Tùng Quang
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, những sự cố làm lộ đề kiểm tra, lộ đề thi xảy ra thời gian qua đã làm xáo trộn tâm lý thí sinh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh. Sự cố này cũng cho thấy quy trình bảo mật đề ở các địa phương “đang có vấn đề”.
“Đề thi tuyển sinh và đề kiểm tra hết môn các cấp học, bậc học, ngành học… đều thuộc danh mục bí mật Nhà nước và tối mật trong ngành Giáo dục đào tạo. Vì thế, từ việc ra đề, bảo quản phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt, giáo viên làm lộ đề là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là quy định của pháp luật ”- PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định. Đ.Chung
Đặng Chung
Người làm lộ đề thi ở Bình Thuận là cán bộ ngành giáo dục
Một cán bộ thuộc ngành giáo dục ở Bình Thuận đưa đề kiểm tra học kỳ 2 môn Ngữ văn cho người em của một ... |
Lộ đề thi môn Ngữ Văn ở Bình Thuận: Thông tin mới nhất
Sau khi đề thi môn Ngữ Văn lớp 12 bị lộ ở Bình Thuận, công an đã kiểm tra 28 điểm thi, xem xét việc ... |
Thầy giáo làm lộ đề thi ở lớp học thêm, hàng trăm học sinh lớp 11 phải thi lại
Gần 500 học sinh trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) phải thi lại môn Toán do thầy giáo làm lộ đề thi ở lớp học ... |
Ngày đăng: 08:33 | 07/07/2020
/ laodong.vn