Hệ thống cáp treo này từng được sử dụng tại một khu nghỉ mát ở Áo trước khi dỡ bỏ và bán cho công ty Trung Quốc năm 2014.
Lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cùng các phu nhân ngồi cáp treo lên núi Paektu hôm 20/9. Ảnh: Reuters. |
Hệ thống cáp treo mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sử dụng để lên thăm núi Paektu hôm 20/9 từng bị các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) điều tra về khả năng vi phạm lệnh trừng phạt, theo NK News.
Hệ thống cáp treo này do Doppelmayr, công ty liên doanh Thụy Sĩ - Áo, sản xuất, nhiều khả năng được Triều Tiên mua lại trong khoảng năm 2014-2015 trong thương vụ có thể vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ về cấm vận hàng xa xỉ phẩm.
Đầu năm 2016, trang NK Pro phát hiện chúng được lắp đặt tại khu trượt tuyết Masikryong mới đi vào hoạt động của Triều Tiên. Hệ thống gồm 45 cabin và các trụ cáp, dây cáp, được mua từ nguồn không rõ ở Trung Quốc, sau khi được dỡ bỏ khỏi khu nghỉ mát Ischgl Silvretta của Áo năm 2014.
Theo điều tra của NK Pro, một công ty của Áo có tên Pro-Alpin đã mua lại hệ thống cáp treo từ Ischgl Silvretta, tháo dỡ nó hồi tháng 5/2014, rồi bán lại cho một người mua không được tiết lộ danh tính đến từ Trung Quốc.
NK Pro cho rằng dường như một phần của hệ thống cáp này cũng được lắp đặt trên núi Paektu vào trước tháng 11/2016, khi truyền thông Triều Tiên đưa tin về trẻ em nước này ngồi cáp đi thực địa trên núi.
So sánh ảnh của hệ thống cáp lắp trên núi Paektu và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, người xem có thể thấy dấu vết sót lại của đề can chữ "Ischgl" cách điệu từng xuất hiện trên cabin tại khu nghỉ dưỡng của Áo.
Do đó, rất có thể Triều Tiên đã gián tiếp mua lại hệ thống cáp này để lắp đặt trên núi và cả hai hệ thống cáp sử dụng tại hai địa điểm này ở Triều Tiên có thể đã vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ về hàng xa xỉ phẩm năm 2006.
Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2017 của Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên của LHQ có ghi nhận ý kiến của các nhà chức trách Áo. Họ cho rằng vào thời điểm đó, việc mua bán hệ thống cáp treo không bị coi là vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) bởi cáp treo không nằm trong danh mục hàng hóa được định nghĩa là "xa xỉ phẩm".
Chữ Ischgl trên cabin cáp treo khu nghỉ dưỡng tại Áo (trái) và dấu vết của chữ này trên cabin cáp treo ở khu trượt tuyết của Triều Tiên (phải). Ảnh: NK Pro. |
Hội đồng EU chịu trách nhiệm thi hành các quyết định trừng phạt sau đó đã cập nhật lại định nghĩa "xa xỉ phẩm" vào tháng 4/2016, đưa cabin, trụ cáp và các thành phần đi kèm vào danh sách.
Trong lúc đó, truyền thông Triều Tiên đưa tin ca ngợi giáo sư Kim Tok Su ở đại học Bách khoa Kim Chaek (KCUT) - viện trưởng Viện Cơ điện, đã nghiên cứu phát triển hệ thống điều khiển cho hệ thống cáp treo mới ở Masikryong.
Tổng thống Moon trở về Hàn Quốc hôm qua sau hội nghị thượng đỉnh từ ngày 18 đến 20/9 với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sau hai phiên họp, hai bên thống nhất các biện pháp hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo, bao gồm "đóng cửa vĩnh viễn" một số cơ sở phóng tên lửa với sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế. Kim Jong-un cũng nói sẽ tới thăm Seoul "trong tương lai gần".
Kim Jong-un leo núi cao nhất Triều Tiên
Lãnh đạo Kim Jong-un leo ngọn núi cao nhất Triều Tiên để nhấn mạnh tầm nhìn quân sự. |
Ngày đăng: 15:39 | 21/09/2018
/ VnExpress