"Khi Alibaba xuất hiện, tôi tin chắc 96% doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ sẽ chết, từ vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn về xã hội".

Thua trắng trên sân nhà

Mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng đưa ra nhận định "Jack Ma chỉ là một đại diện cho làn sóng công nghệ mới. Chỉ là không phải Việt Nam làm thì Jack Ma sẽ làm".

Trước nhận định trên, bày tỏ quan điểm với Đất Việt, PGS.TS Vũ Trí Dũng - Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Thành công của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba là câu chuyện về kinh doanh nhiều người đã biết đến.

Câu chuyện của Alibaba cũng cho thấy người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen mua sắm, thay vì đến những cửa hàng truyền thống, giờ đây chỉ với chiếc điện thoại thông minh, họ đã có thể mua sắm một cách nhanh chóng.

Và thực tế, Alibaba phát triển được ở bên Trung Quốc là vì tại đây các trang mạng của nước ngoài bị hạn chế kể cả facebook, nên họ một mình một sân.

Nhưng đây cũng là lời cảnh báo, nếu như Việt Nam không đứng lên, hơn 300 doanh nghiệp của nước nhà sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thì đó là điều kiện khó cạnh tranh và muốn phát triển thì doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu vươn lên.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba sẽ chiếm thị phần thương mại điện tử

Nếu chúng ta không làm thì thị trường sẽ mất, nếu thị trường thương mại điện tử không phát triển mạnh thì sẽ bị thâu tóm".

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, thương mại điện tử ở Việt Nam bắt đầu phổ biến từ năm 2012, khi trào lưu mua hàng qua mạng được nhiều người trẻ lựa chọn.

Hiện nay, tỷ lệ người dùng Internet cao, với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%.

Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tiềm năng cho “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Alibaba trong tham vọng phát triển mô hình kinh doanh toàn cầu của tập đoàn này, nếu Việt Nam lỡ bước.

Thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là những doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quốc tế hàng đầu về thương mại điện tử đã bắt đầu quan tâm và tìm cách thâm nhập vào thị trường của Việt Nam, đặc biệt phải kể đến công ty Lazada, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu châu Á có trụ sở tại Singapore.

"Khi Alibaba xuất hiện, tôi tin chắc 96% doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ sẽ chết, từ vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến những vấn đề bất ổn khác, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể cạnh tranh được với các ưu đãi mà Chính phủ dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đang hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua chương trình 4.0, rồi các tập đoàn của nước ngoài, truyền thống, bán lẻ", ông Dũng chỉ rõ.

"Cái chết từ từ của chúng ta"

Cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho hay: "Alibaba làm thương mại điện tử nhưng buôn bán trên máy di động, thương mại trực tuyến, cái này ở Việt Nam cũng làm nhưng nhỏ lẻ.

Công nghệ đang tràn ngập thế giới, mà chúng ta cứ chờ đợi nhau làm thì rất khó phát triển, nên muốn đi tắt đón đầu thì phải áp dụng công nghệ mới, muốn đuổi kịp công nghệ thì phải thay đổi.

Hiện nay thị trường bán lẻ truyền thống cũng bị Thái khai chiếm, thậm chí cả sản xuất, sắp tới thương mại trực tuyến bị Jack Ma chiếm nữa là hết, đó là cái chết từ từ của chúng ta. Khi thời cơ tới mà để dành thì rất khó phát triển, không ai dừng lại để đợi chúng ta.

Alibaba là doanh nghiệp toàn cầu chào hàng từ đắt đến rẻ, với quy định hàng đưa lên mạng phải được chuẩn hóa, đóng bao bì, trọng lượng, chất lượng ra sao mới đăng ký, chứ không phải như bán hàng truyền thống. Cho nên, hàng gì cũng phải có thương hiệu, cái gì cũng tên tuổi rõ ràng, có thương hiệu mới đăng ký".

Theo ông Nam, Việt Nam thực tế đã có thương mại trực tuyến rồi nhưng lẻ tẻ, chưa có sự chuyên nghiệp.

"Tôi có đứa cháu học lớp 10 hiện tại cũng bán hàng trên mạng, bán các loại ốp của điện thoại, nghỉ hè bán chơi cũng được vài triệu đồng. Vấn đề là nhà nước chưa có chủ trương, tổ chức rõ ràng còn người dân phải đi tìm đường sống, đường để kinh doanh.

Như Jack Ma họ phủ khắp Trung Quốc rồi vào khắp thế giới, đặt trạm to ở Việt Nam, bán ở Mỹ, châu Âu.

Nếu Việt Nam không làm thì sẽ mất thị trường

Nếu chúng ta không quan tâm đến hình thức mua bán trên mạng thì người dân cũng tự biết đến hình thức này. Giới trẻ bây giờ ai cũng có smartphone, mua bán trên mạng là mua qua điện thoại di động, chỉ cần bấm điện thoại, đặt mua đồ này, đồ kia một lát là có.

Nhưng ở nước ngoài trả tiền là trả tiền trên máy, cũng bấm di động chứ không phải trả tiền mặt, Việt Nam hiện nay lạc hậu, mua bán trực tuyến nhưng vẫn trả tiền mặt, đặt hàng và trả tiền, nhưng nước ngoài là trả tiền di động không mất phí.

Nên chúng ta cần có chủ trương rõ ràng để phát triển, cần phải có sự hướng dẫn, từ quần áo, cơm niêu hay đặc sản các vùng miền chả mực Bãi Cháy, bưởi miền Tây chỉ cần là có.

Nhưng Việt Nam chỉ nhăm nhăm đánh thuế, vừa rồi đã có dự tính nếu mua bán trên mạng 1,5 triệu đồng là phải đóng thuế, ở các nước bán trên mạng người mua không đánh thuế, nhưng theo dõi được bán gì đóng thuế cái đó, một lần thì không sao, nhưng bán đến lần 2 là bị đánh thuế", ông Nam phân tích.

Điểm yếu và hướng đi

Cũng theo vị chuyên gia trên, hiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm yếu.

Bởi vì, thực tế chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn hảo, đây là một thách thức trong việc thiết lập chuỗi dịch vụ thương mại điện tử.

Đồng thời, mức sử dụng Internet di động của Việt Nam còn kém phát triển hơn các nước khác do vấn đề kỹ thuật và tính tin cậy. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lo ngại về hình thức thanh toán qua mạng.

Trong khi đó, nhiều công ty thương mại điện tử vẫn duy trì hình thức buôn bán truyền thống và chưa xây dựng phần mềm ứng dụng di động của riêng mình.

Cho nên, doanh bán lẻ trực tuyến Việt Nam muốn chiếm ưu thế thì cần phải nỗ lực tăng cường các mặt như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật công nghệ, giám sát trang website, mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường nhằm hiểu hơn người tiêu dùng bản địa và giành được sự chú ý và tin cậy của họ.

Còn theo PGS.TS Vũ Trí Dũng, muốn làm được thì phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, đưa ra rào cản với doanh nghiệp điện tử nước ngoài, quan trọng là tính pháp lý, an toàn của thương mại điện tử.

Phải tạo ra chính sách tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp phát triển các lĩnh vực này, chính phủ không đưa ra cái cụ thể, phải có chủ trương 4.0 cho thị trường vừa và nhỏ Việt Nam, hỗ trợ hàng rào kỹ thuật cho các doanh nghiệp lớn.

Ví dụ như thị phần không khống chế quá 30-40% thị phần, để hạn chế sự chiếm lĩnh độc quyền của các doanh nghiệp nước ngoài.

"Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp quốc tế hàng đầu về thương mại điện tử như Alibaba, eBay, Amazon và Lotte đang hoạt động tại Việt Nam", ông Dũng nhận định.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Doanh nghiệp \'rơi nước mắt vì bị mất thị trường trên sân nhà\'

Thị trường hội nhập, mở cửa nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu và bị \'dìm\' ngay trên sân nhà.

Jack Ma: \'Nhiều hàng giả Trung Quốc tốt hơn hàng thật\'

Ông Jack Ma, người giàu nhất châu Á hiện nay, cảnh báo rằng cuộc chiến chống hàng giả trở nên khó hơn vì nhiều loại ...

Sức mạnh đồng tiền Jack Ma: Lý Liên Kiệt phân trần, khán giả phẫn nộ

"Công thủ đạo" đã ra bản hoàn chỉnh và lập tức hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ mạng xã hội. Lý Liên Kiệt và ...

Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam

Tham gia dự án SCORE, 91% DN tiết kiệm được chi phí sản xuất và giảm đến 42% tỷ lệ thôi việc của người lao động.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lan-song-jack-ma-cai-chet-tu-tu-cua-doanh-nghiep-viet-3347425/)

Ngày đăng: 10:14 | 20/11/2017

/ Theo Châu An/Đất Việt