Là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đồng thời là một “di tích sống” với diện tích khoanh vùng rộng và cư dân đông đúc. Những yếu tố này được xem là thuận lợi, nhưng cũng là “thế bí“ gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện công tác gìn giữ, phát huy giá trị di tích, giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.
Một công trình nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm được đầu tư tu bổ.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn - phát triển
Làng cổ Đường Lâm sở hữu hơn 50 di tích, gần 1 trăm nhà cổ và khoảng 1 nghìn ngôi nhà truyền thống mang đặc trưng văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ. Sống giữa hệ thống di sản dày đặc ấy là 1,5 nghìn hộ dân với hơn 6 nghìn nhân khẩu. Những thông số trên đã phản ảnh phần nào khó khăn thường trực của người dân Đường Lâm trong việc tìm ra giải pháp dung hòa giữa gìn giữ, phát huy báu vật của quê hương với nguyện vọng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Hòa bày tỏ: Xã hội phát triển với chất lượng cuộc sống được nâng lên từng ngày nhưng ở đây vẫn còn nhiều gia đình, cả 3, 4 thế hệ cùng sinh sống trong một không gian chật chội, thiếu tiện nghi do việc cơi nới, thay đổi hiện trạng nhà ở sẽ phá vỡ nguyên tắc bảo tồn. Nhà ở xuống cấp, nhiều nhu cầu tối thiếu trong đời sống không được đáp ứng khiến không ít hộ dân quyết phá dỡ nhà cổ để xây mới, tạo thêm áp lực cho công tác quản lý trật tự xây dựng ở địa phương. Việc xử lý vi phạm cũng không dễ, bởi đây là tài sản thuộc sở hữu cá nhân và hầu hết đều lấy lý do nhà cổ sắp sập, không thể chờ đến lúc có kinh phí hỗ trợ.
Sau hơn 10 năm được công nhận di tích cấp quốc gia, việc tham gia vào các hoạt động dịch vụ, du lịch để phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế chung của địa phương còn hạn chế. Người Đường Lâm sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nhưng không được phép dồn điền, đổi thửa dù đồng đất manh mún khiến thu nhập từ làm ruộng còn thấp. Việc phát triển các dự án đầu tư khoanh vùng trồng cây phục vụ phát triển du lịch cũng chưa thực hiện được, bởi diện tích canh tác không tập trung. Trong khi đó, việc đào tạo, tập huấn cho các hộ dân về kỹ năng phát triển du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Người dân cũng chưa chủ động tiếp cận với hoạt động dịch vụ du lịch, cải thiện đời sống, nên đến nay mới có 10% người dân địa phương làm dịch vụ du lịch.
Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn khẳng định: Phát triển du lịch để người dân có nguồn lợi. Khi sống được trong di tích, họ sẽ hiểu được giá trị từ công tác bảo tồn để chủ động chung tay gìn giữ di sản. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phát huy giá trị di tích, cụ thể là mang lại lợi ích cho người dân làng cổ còn chậm. Mỗi năm có 1,7 vạn du khách đến Đường Lâm, hầu hết đều thấy hấp dẫn bởi vẻ đẹp của làng cổ nhưng chỉ thế thôi, bởi sản phẩm du lịch và dịch vụ ở nơi đây còn nghèo nàn.
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Kể từ khi được công nhận di tích cấp quốc gia đến nay, thị xã Sơn Tây đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn xã Đường Lâm với tổng kinh phí gần 370 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án tu bổ, tôn tạo đền, lăng Ngô Quyền, đình Phùng Hưng…; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ chùa Mía tới lăng vua Ngô Quyền; xây dựng Trạm y tế xã…
Cùng với đó, để bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc, cảnh quan trong không gian làng cổ, thị xã Sơn Tây đã triển khai Dự án mô hình 20 mẫu nhà truyền thống, hỗ trợ kinh phí thiết kế cho những hộ gia đình sở hữu nhà ở không thuộc diện kiểm kê nhà cổ, có nhu cầu áp dụng. Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 96 hộ dân xây mới nhà ở áp dụng theo mẫu thiết kế. Hay để khắc phục những bất tiện do điều kiện sinh sống chật chội, từ năm 2014, thị xã Sơn Tây đã triển khai Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm. Những phần việc trên còn nhằm mục đích giảm tải những áp lực mà công tác quản lý trật tự xây dựng ở địa phương đang gặp phải. Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết: Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, phần lô khu đất giãn dân theo quy hoạch đã cơ bản được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện thế nào, cơ chế hỗ trợ ra sao còn phải chờ các cấp cho chủ trương để triển khai vận động.
Nhưng, giải pháp hóa giải mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, đời sống ở làng cổ được địa phương đặt nhiều kỳ vọng chính là chủ trương điều chỉnh khoanh vùng khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm theo hướng thu hẹp diện tích, nhằm tập trung nguồn kinh phí đầu tư, tăng hiệu quả bảo tồn. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết: Hồ sơ xin điều chỉnh khoanh vùng khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm đang được địa phương và các đơn vị liên quan nỗ lực hoàn thành. Dự kiến trong tháng 8 này sẽ trình UBND thành phố và Bộ VH-TT&DL xem xét phê duyệt.
Cùng với đó, thị xã sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, "phủ sóng" tới nhiều hộ dân hơn để số hộ gia đình được hưởng lợi từ du lịch di sản đạt 20%. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân về giá trị đặc biệt của di tích, nhằm nâng cao ý thức quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ.
Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh khoanh vùng di tích làng cổ Đường Lâm
UBND thị xã Sơn Tây vừa tổ chức hội nghị báo cáo kết quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị ... |
Có nét hoài niệm mang tên Đường Lâm giữa đất Hà Thành
Đường Lâm là cái tên chẳng xa lạ với nhiều bạn trẻ Hà Thành, bởi từ lâu ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi này ... |
Ngày đăng: 09:27 | 07/05/2018
/ http://danviet.vn