Hình ảnh “Em bé Hà Nội” trong bộ phim của đạo diễn Hải Ninh, đại diện cho một thế hệ trải qua những ngày đau thương nhất của thủ đô.
- Em ở phố nào?
- Dạ, ngõ chợ Khâm Thiên.
- Ở Khâm Thiên à? Lên đi cháu.
Dòng người xếp hàng chờ đong gạo không ai bảo ai, đẩy cô bé lên phía trước. Cô bé đội mũ rơm, đầu chít một vành khăn tang trắng. Đó là Ngọc Hà. Em bé Ngọc Hà 12 tuổi, nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, đang sống an vui bên bố mẹ và em gái Thùy Dương. Em đến trường, đi học đàn, đi chơi Hồ Gươm… Thế rồi bom trút xuống. Ngọc Hà mất mẹ, lạc em.
Ngọc Hà đến trước mậu dịch viên - người cũng đang đeo khăn tang, lật từng trang sổ gạo cháy nham nhở.
- Nhà cháu đong mấy người? Đong hết hả cháu?
- Cô đong cho nhà cháu bao nhiêu cũng được… nhưng ít thôi, Ngọc Hà cắn môi.
Cô mậu dịch tiếp tục lật từng trang, rồi cầm bút.
- Cô. Cô đừng xóa tên mẹ cháu, em cháu. Cô đừng xóa, Ngọc Hà giật mình, nức nở cầu xin.
Đó là trích đoạn trong phim Em bé Hà Nội do NSND Lan Hương thủ vai chính. "Nhà ở Khâm Thiên" - đạo diễn Hải Ninh đã dùng hình ảnh đầy tính biểu tượng ấy cho nỗi đau mà Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc phải gánh chịu 12 ngày đêm trong trận không kích cuối cùng của quân đội Mỹ năm 1972.
Bối cảnh của những thước phim ấy, là phố Khâm Thiên sau đêm ngày 26/12/1972, khi B52 Mỹ vừa trút xuống mái nhà của khu dân cư này, cướp đi 283 sinh mạng.
Còn Ngọc Hà, là đại diện của thế hệ những “em bé Hà Nội” mà tuổi thơ hồn nhiên bị pha lẫn bởi những tiếng còi báo động, những ngày sơ tán và những vành khăn tang. Khác với người lớn, những cô cậu thiếu niên Hà Nội ngày ấy mang ký ức rất riêng, một ký ức có cả nỗi bi thương và niềm trong sáng.
Trận bom trút xuống, một dải sau lưng phố Khâm Thiên đến Ô Chợ Dừa thành bình địa. Nhiều đứa trẻ kịp theo gia đình sơ tán về các vùng quê, nhưng nhiều đứa trẻ đã không kịp đi trong đêm đông ấy.
Anh Lễ ở ngõ chợ Khâm Thiên mới lấy vợ chiều 25/12. Đêm 26 bom rơi trúng ngay nóc hầm có cô dâu mới đang trú ẩn.
Nhà ông Cầu, ngõ Sân Quần có hai người chết. Lúc bom rơi, ông Cầu đang trực chiến ở Hàng Bồ. Cái hầm tập thể 40 người trú ẩn tan tác dưới bom, trở thành cái hố to nhất trong ngót chục hố ở ngõ này.
Vợ ông Cầu còn nửa thân người bị bắn lên miệng hố. Thằng bé Hùng con trai ông 11 tuổi chỉ còn cái chân thâm tím lấm đầy bùn đất. Ông nhận ra con từ vết sẹo bỏng. Ông Cầu chỉ khóc, rồi nhặt nhạnh phần thi thể của hai mẹ con cho vào chung một quan tài, chôn dưới Văn Điển.
Nhà chị Đức trong ngõ Hồ Dài mất 5 người. Nhà ấy, 7 đứa trẻ thành mồ côi, chưa đứa nào đến 8 tuổi.
Nhà cụ Thành buôn trầu cau, 8 người bốn thế hệ chết cùng lúc. Một dãy quan tài nằm trước cái nền nhà bị hơi bom thổi trống huơ trống hoắc.
Nhà số 45, chị Thơm đang mang bầu 8 tháng, sắp sinh.
Nhà số 2, ngõ Hồ Cây Sữa, bé Kiên 4 tháng tuổi. Sau trận bom, người ta tìm thấy chiếc mũ và tờ giấy khai sinh nham nhở…
Cả Khâm Thiên tan tành, ly tán chỉ sau vài phút trong một đêm cuối năm.
Bom san bằng 6 khối phố. Bom thổi bay 2.000 mái nhà. Bom giết chết 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 đứa trẻ, làm cho 178 trẻ mồ côi. Bên lẻ đường Khâm Thiên có 303 số nhà, thiếu mất ba số 47,49 và 51.
Người dân đã lập Bia căm thù ở vị trí ba ngôi nhà ấy, có bức tượng xi măng hình ảnh một người phụ nữ bồng trên tay đứa trẻ.
Cô bé Lan Hương đã diễn "Em bé Hà Nội" bằng chính những trải nghiệm của một đứa trẻ vừa trải qua bom đạn mùa đông năm 1972.
"Chỉ cần đạo diễn bảo nhớ lại lúc Hà Nội bị ném bom thì sự giận dữ, sợ hãi lại sống dậy. Mấy hố bom trong phim đều là hố thật, ở Khâm Thiên", NSND Lan Hương hồi tưởng về năm 9 tuổi.
Lan Hương, cũng như nhiều em bé Hà Nội đã lớn lên cùng tiếng còi báo động, tiếng loa phóng thanh, tiếng máy bay gầm rú, pháo phòng không bắn đỏ rực trời. Trẻ con đi học với mũ rơm, túi chữ thập đựng bông, băng, thuốc đỏ. Và bài học đầu tiên là chui xuống hầm trú ẩn khi nghe còi báo động.
Sân trường cấp 1 Chu Văn An ngày ấy chi chít hầm cá nhân như lỗ ve. Những chiếc hầm tăng xê hình trụ như ống cống, đúc từ xi măng, vôi, cát, xỉ than, có nắp dày che lại như chiếc vung nồi.
"Nhiều hầm nước lấp xấp, có cả ếch, nhái. Lũ con gái sợ chết khiếp. Nhưng khi bom đạn thì chỉ cần tìm thấy hầm, nhảy xuống đã là may mắn. Mặc kệ có ếch, có nước hay không", Lan Hương kể về kỷ niệm xuống hầm.
Những lần xuống hầm diễn ra đều đặn. Từ nóc Nhà hát lớn, tiếng còi ú u dồn dập một tràng dài. Dàn còi từ thời Pháp, những năm tạm hòa bình điểm giờ vào ca, nghỉ trưa, tan ca làm việc cho công nhân, viên chức thành phố. Khi Mỹ bắn phá miền Bắc, còi tầm chuyển thành còi báo động phòng không. Ba hồi là báo động, một hồi là báo yên.
Theo sau tiếng còi là tiếng loa phóng thanh Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý.Máy bay địch cách Hà Nội 70 km. Máy bay địch cách Hà Nội 50 km... Người lớn, trẻ nhỏ đang đi bộ, đi xe đạp tìm cái hầm gần nhất rồi nhảy vào. Thi thoảng có nắp hé mở, một cái đầu người nhô lên. Còi báo an, đường phố lại đông vui như trước.
Sau máy bay vào như cơm bữa, người Hà Nội quen, có người chỉ ngồi chớm bên mép, chân vắt vẻo dưới hầm.
Hà Nội trong ký ức đâu cũng thấy hầm. Hầm trước cửa nhà, hầm trên hè phố, đầu ngõ... 400.000 hố cá nhân, 900.000 hầm tập thể, đủ cho 900.000 người trú bom. Có lẽ, không người dân thủ đô nào trên thế giới lại sở hữu nhiều hầm đến thế. Bình quân mỗi người ba cái: trong nhà, trên cơ quan và ngoài đường phố.
"Tại sao chúng nó lại đem bom đến đây ném hả chú?".
Trong phim, Ngọc Hà thắc mắc với chú bộ đội tên lửa do NSND Thế Anh đóng. Cô bé không biết vì sao chỉ trong một đêm, không quân Mỹ lại rải hàng trăm quả bom xuống Khâm Thiên - nơi trú ngụ của hàng chục nghìn lao động nghèo và công nhân viên chức.
Ở tuổi 12, Ngọc Hà có lẽ chẳng hiểu tường tận đó là một phần của chiến dịch Linebacker 2. Chiến dịch quân sự cuối cùng của không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam.
Liên tục 12 ngày đêm, không quân và Hải quân Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại. B52 rải hơn 20.000 tấn bom nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc, đưa nơi này "về thời kỳ đồ đá", gỡ thế bế tắc trên bàn đàm phán Paris.
Riêng đêm 26/12, đã có tổng cộng 9.932 quả bom "được ném trúng đích" - theo ngôn ngữ tài liệu của một trường Không quân Mỹ.
“Nhà mình đâu?” - Lương níu tay bố hỏi.
Buổi sáng ấy ở nơi sơ tán cách Hà Nội 140 km, cậu bé Lê Thanh Lương vừa tỉnh dậy, còn ngái ngủ thì thấy bố hồng hộc chạy về. Ông hô to khi chân vừa chạm sân nhà: "Khâm Thiên bị rải bom rồi, tôi phải về ngay".
Hai bố con bắt xe từ Quế Lâm ra Việt Trì, rồi xuôi tàu về Hà Nội. Qua khỏi sân ga, cậu bé đã thấy ngổn ngang gạch đất - dấu tích của trận oanh tạc đêm qua. Tìm đường vào ngõ Sân Quần, trước mặt cậu bé 10 tuổi là hầm sập, nhà tan tành. Mặt đất lổn nhổn hố bom. Dân quân, tự vệ đào bới, tìm người. Quan tài "tập kết" ở nơi đất còn lành lặn, người quấn khăn trắng đi lại, thắp hương. Tiếng người khóc, tiếng kêu gào như vọng về từ thế giới khác.
Cậu bé không nhận ra được đâu là nhà, đâu là ngõ, nếu không có cái sân kho HTX Nhị Hà phía trước làm điểm đánh dấu. Sân kho cũng tung tóe gạo, máy khâu, sợi chỉ.
Ba gian nhà cấp bốn lợp ngói bay đâu mất. Chỉ còn lại một mảnh đất trống lổn nhổn gạch đá và ba cái hố bom sâu hoắm. Một hố ngay trước sân, hai hố hai bên đầu hồi. Cả ngõ Sân Quần hơn chục hố bom. Cái nào cái nấy to bằng ao nhỏ ở quê.
Hai cha con nhặt nhạnh từng viên gạch còn sót, dựng lại gian nhà. Trong đống đổ nát, ông bố còn tìm thấy một bàn tay người. Ông chắp tay khấn một cái, rồi quẳng xuống hố bom. Sau đêm đông ấy, họ hàng ông mất ba người. Chỉ một người thấy xác mang chôn trên Phùng.
"Hôm bom rơi xuống nhà ga, bọn tôi chạy ra xem, thấy cái đồng hồ lớn treo ngay đại sảnh nhà ga bị đánh sập", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, bây giờ bán cháo lòng trong ngõ chợ Khâm Thiên kể.
Đó là ngày 21/12, ngày thứ tư của chiến dịch ném bom. Trong ý thức của cậu bé năm ấy 13 tuổi, chưa nghĩ đến việc rồi nhà mình cũng trở thành địa chỉ của những quả bom rơi.
Ngay sau hôm bom rơi xuống ga Hàng Cỏ, mẹ sơ tán anh em Tuấn về nhà họ hàng ở Quốc Oai. Bà quay lại nhà, vẫn buôn hàng theo những chuyến tàu vào ga để nuôi con nhỏ. Bố và anh trai Tuấn đều trong đội tự vệ, ở lại trực chiến, cứu thương.
"Trước Giáng sinh, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom vài ngày. Hay tin, nhiều người lục tục kéo về xem nhà cửa, mang thêm đồ đạc. Tôi cũng về lấy thêm áo bông", ông Tuấn kể về lý do nhiều người dân trở về Hà Nội vào thời điểm ấy.
Đêm 24/12, Tuấn với đám bạn còn rủ nhau lên Bờ Hồ chơi. Nhà thờ lớn, phố Nhà Chung tấp nập người đi chơi, cầu nguyện. Cái không khí an lành tạm át đi chiến tranh.
Qua một ngày thấy yên ắng, cậu an tâm ở lại nhà với niềm tin "chắc chúng nó tha cái khu toàn dân nghèo này". Đêm 26/12 trời rét, gió đông bấc rít từng hồi qua khe cửa. Tuấn đi ngủ sớm, định sáng ngày mai cùng bà ngoại và các anh họ về nơi sơ tán.
Tiếng còi báo động rú lên giữa đêm đông. Tuấn lập tức tỉnh ngủ, tụt ngay xuống hầm trú ẩn bên dưới gầm giường. Đêm Khâm Thiên tối mù mù, bỗng rực sáng khi loạt bom B52 trút xuống.
Ngồi trong hầm, Tuấn có cảm giác tròng trành như trên thuyền vì sức ép của bom. Cậu bò ra khỏi hầm khi đã tạm yên. Căn nhà hai gian nằm cuối ngõ bay mất nóc. Xung quanh gạch ngói vỡ nát, tường đổ. Từ trong ngõ ngách, nhiều người chạy ra.
Cậu hướng trường Tiểu học Trung Phụng mà chạy. Nơi ấy có nhiều hầm tăng xê chắc chắn. Đến nơi thấy lố nhố toàn người, nhiều tiếng hỏi nhau "Sao lại đánh Khâm Thiên?", nghe nói phía trước nặng lắm...
Quá nửa đêm, mấy anh em họ tìm thấy nhau, rồi nhập vào đoàn người đi thẳng ra Ô Chợ Dừa, hướng về Quốc Oai. Người kéo xe bò, người đi xe đạp, người chạy bộ. Không ai dám dừng lại vì sợ một loạt bom nữa lại rơi. Ngược hướng dòng người là dân quân, tự vệ chạy vào cứu nạn.
Đêm đông rét đậm, người ai cũng đẫm mồ hôi. Có người không kịp mang dép, cứ đi không ngừng nghỉ. Đi với suy nghĩ "làm sao ra khỏi Hà Nội là được". Đêm mịt mù không ánh điện, chỉ có ánh lửa cháy sáng rực một vùng và thành phố ngổn ngang phía sau lưng.
Tết năm ấy người Khâm Thiên ăn miếng bánh chưng trong nước mắt. Mâm cơm ngày Tết không thể sum vầy.
Ông bố chị Đức đi nhặt gạch, xin ván ép ở nhà máy in Tiến Bộ, dựng lại nơi tránh trú trên nền đất của cái nhà năm gian cũ. Cận Tết, ông dựng lại được một gian từ gạch xếp, ván ép và giấy dầu.
Nhà ấy có 7 đứa trẻ đã thành mồ côi. 30 tháng chạp, thành phố cho hai cái bánh chưng, một gói mứt với mấy cái bát ăn cơm. Đêm giao thừa, 7 đứa trẻ với 3 người lớn trên đầu vẫn chít khăn tang, quây quanh ngọn đèn dầu leo lét ăn bánh năm mới. Cái thời đói ăn, thiếu mặc mà nhìn miếng bánh không thấy thèm. Người lớn ăn qua loa, thấy lũ trẻ nuốt ngon lành, lại chực khóc.
Trước Tết có đoàn nhà báo nước ngoài đến thăm. 4 đứa cháu ngoại gọi Đức bằng dì, mồ côi cả cha lẫn mẹ sau trận bom. Anh em Tuấn, Hằng, Cương, Cường ngồi trên manh chiếu nhỏ, trước gian nhà xếp gạch cho người ta chụp ảnh, để nói về tội ác của bom Mỹ.
"Ảnh đấy vứt hết rồi, kỷ niệm có vui vẻ gì đâu”.
Bà Đức bây giờ, hễ nghe tiếng máy bay "là muốn lên cơn sốt rét". Gần nửa thế kỷ không làm người phụ nữ nguôi sợ cái cảm giác như bị chôn sống khi ngồi dưới hầm, bên cạnh có 3 người chết. Những ngày đầu đông, bà phải đi nằm giường massage vì đau nhức cột sống, di chứng của trận bom.
Giờ hỏi chuyện cũ, người thiếu nữ năm xưa chỉ lắc đầu "Không biết sức đâu mà có thể sống qua đoạn trường ấy".
Chị Đức năm ấy chỉ 17 tuổi. Nhưng suốt những năm tháng sau này, chị đã quyết định ở vậy, để nuôi những đứa cháu mồ côi trưởng thành.
Tuổi thơ của những em bé Hà Nội 1972, có việc dựng lại nhà.
Nhặt nhạnh suốt hai ngày, từ những viên gạch cũ còn lại, bố con Lương xếp lại được một gian nhà, bằng một phần ba ngôi nhà cũ. Cái nhà ấy bây giờ vẫn còn.
Vét thêm được hai cân gạo nếp vương vãi ở sân kho hợp tác cho vào bao gai. Cha con trở về Đoan Hùng. Tết năm ấy, Lương với các em không có quần áo mới. Pháo tép cũng đốt ít hơn mọi năm hai xâu. Chỉ sáng mùng 1 là được chén xôi no nê từ hai cân gạo nếp mang về.
Nhưng tuổi thơ, vẫn có những cuộc chạy chơi bên miệng hố bom.
Những hố bom chưa kịp lấp, nước mưa đọng lại biến thành những cái ao nhỏ, có cả bèo, cá lia thia. Cuối xuân đầu hè, Lương với đám trẻ thường móc giun đất vào lưỡi câu, buộc vào đầu sợi dù để câu lươn. Đi suốt buổi chiều từ hố này sang hố khác, lươn cuộn kín cả đáy xô. Lươn câu về mổ bụng, làm sạch nhớt, đem kho với nước mắm mậu dịch mặn chát lưỡi. Hôm nào kiếm được chuối xanh mà om thì đúng là đại tiệc.
"Bữa nào có món đó thì vừa và trong bát, vừa nhìn nồi cơm", sau 45 năm, ông Lương vẫn cảm thán về bữa cơm lươn thời hậu chiến, câu được từ hố bom B52. Lươn bây giờ đã rẻ, ăn lúc nào cũng được, nhưng không còn thấy ngon nữa.
Tuổi thơ năm ấy cũng có những món đồ chơi yêu thích - những món đồ chơi cũng đi sơ tán, cũng hứng đạn bom. Lan Hương có một con búp bê, quà của mẹ.
Mẹ bên Liên Xô, bố theo tàu hải quân, Lan Hương sống với ông bà và gia đình bác trong khu tập thể ở 72 Hoàng Hoa Thám. Mẹ gửi cho con búp bê từ Liên Xô về. Con búp bê có đôi mắt to, môi chúm chím. Sinh nhật, Trung thu được mang ra chơi một ngày, Tết được ôm ba ngày. Chơi xong lại cất vào trong tủ.
Tuổi thơ của những em bé Hà Nội năm ấy, có cả những vành khăn tang, trên đường phố và trong lớp học. “Hễ bước chân ra đường là thấy người chít khăn tang. Mà hồi ấy để tang nghiêm túc lắm, tận 3 năm mới tháo. Có khi chiếc khăn bằng vải xô ố vàng rồi vẫn đeo”, NSND Lan Hương kể.
Ngày Hương trở lại trường Chu Văn An, bạn bè tíu tít gọi tên nhau. Sĩ số lớp đầy đủ. Nhưng bạn Tĩnh nhà ở khu đường tàu, ngoài túi sách, túi chữ thập, trên đầu có thêm một vành khăn tang trắng. Tĩnh mất bố trong một trận bom cuối năm.
Tuổi thơ của những đứa trẻ Khâm Thiên năm ấy, có không khí của một đám tang chung.
Trong trí nhớ của cậu bé Tuấn, khi Tết năm ấy đến, đường phố khác sạch sẽ lắm, các hàng mậu dịch chật kín người. Riêng Khâm Thiên thì vẫn ngổn ngang gạch đất. Giao thừa năm ấy, Tuấn nghe tiếng đì đẹt từ xa vọng về, còn quanh ngõ chợ không tiếng pháo. Khâm Thiên vẫn để tang.
45 năm sau, số phận của những em bé Hà Nội năm xưa đã rẽ theo nhiều hướng. Nhưng trong họ vẫn có một phần rất chung: những ký ức làm nên vai trò chứng nhân của một thời kỳ.
"Cứ nghe tiếng còi lại vã mồ hôi, ngỡ như vẫn đang sống cảnh chạy bom Mỹ. Ký ức ấy, chỉ nên trải nghiệm một lần trong đời là đủ rồi", Lan Hương nhắc về thứ âm thanh ám ảnh tuổi thơ.
Cuối năm 1978, Hà Nội lại rộ lên tin đồn phải đi sơ tán. Trước đó nhiều tháng trời, công nhân, học sinh, viên chức Hà Nội thay nhau nhận lệnh về các vùng ven, tỉnh lân cận. Lần này không phải là đi sơ tán bom Mỹ, mà là đào hầm hào, công sự, chờ một cuộc chiến khác.
Chiến tranh biên giới nổ ra tháng 2/1979. Lệnh Tổng động viên ban bố. Một lớp thanh niên Hà Nội lại cầm súng lên đường.
Các nhà trường rục rịch cho học sinh đăng ký điểm sơ tán. Loa truyền thanh, chương trình ca nhạc sáng cuối tuần của Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên phát các bài hát về biên giới, về Lê Đình Chinh...
Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Thanh Lương đều tòng quân lên phía Bắc. Những "em bé Hà Nội" thoát khỏi bom B52 của Mỹ, mong đợi ngày hòa bình, lại tiếp tục đi bảo vệ biên giới. Năm 1978, một đợt thanh niên phố Khâm Thiên đã được gọi bổ sung cho chiến trường biên giới Tây Nam.
Cùng nhập ngũ tháng 9/1982 với Tuấn có gần 50 thanh niên trong tiểu khu. Họ theo tàu lên phố Lu (Lào Cai), rồi nhập vào các đơn vị bảo vệ dọc tuyến Hoàng Liên Sơn. Nguyễn Mạnh Tuấn sau hành quân sang Hà Tuyên, chiến đấu những ngày ác liệt nhất ở Vị Xuyên những năm 1984- 1985.
"Đời được nghe cả tiếng bom lẫn tiếng pháo kích. Bom còn ném ban đêm, đây pháo bắn cả ngày không lúc nào nghỉ", ông Tuấn nói về thế hệ mình - thế hệ trải qua cả bom Mỹ, pháo kích Trung Quốc và đạn súng quân Khmer Đỏ.
Người lính ấy trở về. Nhưng hơn hai mươi năm dài cuộc chiến đấu của họ ở phía Bắc không được nhắc đến.
Bây giờ có ai hỏi đến, ông chỉ xua tay "Thôi lành lặn là tốt rồi. Bọn thằng Dũng, Hà đi Tây Nam còn bị đạn găm vào người kìa".
Đầu trọc lốc, dáng "đô con", chẳng mấy người trong ngõ Chợ biết ông từng cầm súng đi bảo vệ biên giới. Ông giờ sáng chạy chợ mua hàng, phụ vợ bán cháo, xong chơi với cháu ngoại, thi thoảng đi họp cựu chiến binh là "thấy đời bình yên rồi".
Giỗ hàng năm, bà Đức làm mâm cơm ở nhà, rồi ra nơi tưởng niệm thắp hương. Con cháu trong nhà tập trung đông đủ. Hỏi về đám giỗ 5 người trong nhà, Linh, cô con gái của anh cháu út lắc đầu. Cô gái biết nhà có người chết vì chiến tranh, nhưng không biết tỏ tường về trận bom.
"Kể làm gì, chiến tranh thì cả nước thế, nhà nào chẳng khổ. Thôi giờ cứ để cho chúng nó nghe chuyện vui đi", bà Đức kết luận.
Bài: Hoàng Phương - Đức Hoàng Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam - Đỗ Mạnh Cường Đồ họa: Tạ Lư
Ký ức ga Hàng Cỏ
Chiếc đồng hồ trên cửa vào ga Hàng Cỏ là một trong ba chiếc đồng hồ công cộng còn lại của Hà Nội xưa. |
Lan Hương \'Em bé Hà Nội\' lần đầu thừa nhận phẫu thuật thẩm mỹ
"Tôi thừa nhận từng phẫu thuật hạ gò má và chăm sóc cơ mặt với tất cả các bước trị liệu như nhiều nghệ sĩ ... |
Ngày đăng: 11:14 | 27/12/2017
/ vnexpress.net