Biển Đông POC đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất sử dụng phương án “đầu giếng và cây thông bề mặt” được phát triển từ công nghệ đầu giếng ngầm (Big bore system) để vừa đáp ứng được yêu cầu vận hành cũng như yêu cầu thiết kế giếng theo kiểu “big bore” được kế thừa từ các tập đoàn dầu khí đa quốc gia khác như Total, Exxon…
Có một chuyện mà không phải là nhiều người đã biết, ấy là từ cuối năm 2009, khi Dự án Phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh còn đang chờ các Bộ, Ban, ngành cho ý kiến và Chính phủ phê duyệt thì Tập đoàn đã cho triển khai đóng giàn PVD-V và mua 35 ngàn tấn thép. Giá thép vào năm 2009 khá thấp, nếu mua vào năm 2010 thì phải đội lên gần 30%.
Trong quá trình thiết kế, chế tạo và lắp đặt, có thể nói những ngày kéo các thiết bị ra biển để hạ xuống là những ngày Nguyễn Quỳnh Lâm và các cộng sự mất ăn mất ngủ. Anh cùng ban lãnh đạo công ty thay phiên nhau có mặt thường xuyên tại công trường trong suốt thời gian thi công trên bờ và giai đoạn lắp đặt ngoài biển. Vì đây là công trình phải làm việc trong điều kiện áp suất, nhiệt độ rất cao, cho nên việc chế tạo các khối thiết bị phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe nhất của Biển Đông POC. Việc có mặt thường xuyên của lãnh đạo Biển Đông POC tại công trường đã làm tăng sự phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các đơn vị liên quan như Vietsovpetro, PV Drilling, PTSC… đồng thời cũng tạo ra sự khích lệ, động viên đối với cán bộ, công nhân viên.
Nếu nói về những khó khăn và những biện pháp để lãnh đạo Biển Đông POC vượt qua trong suốt quá trình thực hiện dự án từ năm 2009 cho tới nay thì phải tốn nhiều trang viết.
Để giúp cho tôi hiểu sơ bộ về các giếng khoan của Hải Thạch - Mộc Tinh, Trưởng phòng Điều hành khoan Lý Văn Dao đã phải vẽ lên bảng. Thú thật là tôi hơi ngạc nhiên trước cái tên “Dao” và thắc mắc rằng, khi đặt tên, ông bà có ý gì không mà lại đặt tên là “Dao” chứ không phải là “Giao”? Hóa ra là do người viết giấy khai sinh ở xã văn hóa quá thấp, nên khi nói đặt tên là “Lý Văn… Giao” thì lại chỉ biết viết là “Dao”. Sau này, khi phát hiện ra sai, muốn mang đi sửa lại, nhưng thủ tục quá nhiêu khê nên thôi cứ để. Nhưng người ta bảo cái tên có khi “vận” vào đời người ta. Cái tên “Dao” này đã vận vào đời anh và khiến anh trở thành… con dao pha trong trong Dự án Biển Đông 01 này. Trong dự án, Dao là người giữ vai trò chỉ đạo điều hành và tổng hợp chung. Phòng điều hành lúc mới thành lập chỉ có… 2 người, nay đã có ngót nghét trăm. Dao có cách nói rất ngắn gọn, chắc chắn kiểu như… “dao chặt thịt”. Anh không nói nhiều về những việc mình đã làm mà nói về phẩm chất cần có của người giàn trưởng…
Anh bảo để trở thành người chỉ huy khoan, bên cạnh việc được học hành cơ bản thì phải là người đi lên từ công nhân, phải biết quét sơn, cạo gỉ, biết vặn ốc, phải biết cách bê vác thiết bị, thậm chí phải biết cả cách đứng lên, ngồi xuống cho đúng… Và phải là người nắm vững kỹ thuật, hiểu giàn khoan tới vị trí của từng… con bulong, có kỹ năng lãnh đạo đặc biệt, kỹ năng ra quyết định… Bởi vì khi sự việc xảy ra, người chỉ huy giàn phải ra được những quyết định trong tích tắc và nếu sai, mất tiền, mất tài sản là nhẹ, còn không khéo thì… bay cả giàn. Cho nên đào tạo được một giàn trưởng là cực kỳ khó khăn và mất thời gian. Một kỹ sư ra trường, để lên được vị trí giàn trưởng, nhanh ra phải mất… 12 năm. Mà đấy là đối với người có tài, có ý chí, có trí tuệ… Điều mà Dao day dứt ấy là cùng một vị trí giàn trưởng như nhau, nhưng nếu là người nước ngoài thì lương cao gấp 5 lần lương giàn trưởng người Việt. Nếu là công việc người Việt không làm được, phải đi thuê thì là chuyện khác… Cho nên không sớm sửa đổi chế độ lương cho những chuyên gia kỹ thuật giỏi, hoặc có chế độ đãi ngộ đặc biệt thì về lâu dài, nạn chảy máu chất xám trong ngành Dầu khí là nguy cơ hiện hữu.
Thật ra, chuyện đãi ngộ, chuyện lương bổng cho cán bộ, kỹ sư dầu khí là điều ai cũng nhận thấy những điều bất hợp lý từ lâu. Và đó là nguyên nhân chính để một số người giỏi của các công ty đi ra làm việc cho nước ngoài. Mấy năm nay, tuy Tập đoàn cũng đã có nhiều chính sách nhằm thu hút và giữ chân người tài, nhưng những cái có được chẳng thấm vào đâu so với những lời mời chào quyến rũ… Nói đâu xa, hôm đi sang Algeria, tôi chứng kiến cảnh công nhân dầu khí của Thái Lan khi trở về nước nghỉ phép là được đi trên khoang hạng nhất của máy bay Airbus A380… Còn anh em ta, tất nhiên là chẳng bao giờ có chuyện ấy!
Có một người được lãnh đạo Biển Đông POC coi là người “hiểu từng con vít” của giàn chính là Dương Đình Long, kỹ sư, phụ trách thi công Dự án Biển Đông 01.
Long từng là Trưởng phòng Kỹ thuật của PTSC M&C và là một trong những người đầu tiên được PTSC cho đi học chế tạo giàn khoan ở Battam (Indonesia) từ năm 2001. Học xong, Long được đưa về phụ trách đóng mới giàn khoan. Rồi anh sang Liên doanh Dầu khí Việt Nhật và năm 2009 được đưa về Biển Đông POC. Dưới sự chỉ đạo của Phó tổng giám đốc Trần Hồng Nam, Long tham gia nghiên cứu về dự án và tính toán nêu ra các yêu cầu về kết cấu, về chọn nhà thầu…
Suốt từ cuối năm 2009 đến nay, cuộc sống của Long chủ yếu là trên công trường chế tạo giàn và ngoài biển. Có một chuyện mà chỉ anh em ở Biển Đông POC biết ấy là vào năm ngoái, chỉ trong hai tháng, bố mẹ Long lần lượt qua đời. Khi bố mẹ ốm nặng, Long ở ngoài giàn, không thể về được. Năm ngoái, sau khi mẹ mất được hai tháng thì Long nhận được tin bố lại ốm nặng và khó lòng qua khỏi. Nhưng lúc này, anh đang chỉ huy lắp đặt giàn xử lý trung tâm PQP và anh đã ở ngoài giàn… 45 ngày. Nhưng dự báo thời tiết cho hay ngày 14-10 sẽ có bão và sóng cao khoảng… 6m. Trước tình hình ấy, để đảm bảo an toàn, các tàu dịch vụ dứt khoát… chuồn trước ngày 10-10.
Từ ngày 6-10, Long cùng anh em phải chạy đua với thời gian và họ làm việc trung bình… 20 giờ mỗi ngày. Không có cả thời gian ăn cơm mà chỉ xơi mì ăn liền ngay tại nơi làm việc. Ba ngày ăn mì tôm, làm việc gần như cả ngày đêm… Nếu người bình thường, khó mà trụ nổi.
Đến ngày thứ 9 thì các anh lắp xong được sàn đỗ trực thăng và lúc này sóng bắt đầu lớn. Tất cả mọi người lên tàu về bờ. Nhưng mới đi được mấy chục hải lý thì bão tới. Thay vì tàu ngoặt vào bờ thì tàu bị sóng đánh dạt ra ngoài khơi… và lênh đênh 5 ngày liền. Khi bão tan, phải mất thêm một ngày nữa thì tàu mới đổi được hướng. Khi còn cách bờ gần trăm hải lý, anh nhận được hung tin bố đã mất. Anh em thu xếp một con tàu tốc độ lớn hơn, Long chuyển sang tàu đó và về đất liền. Anh về đến quê ở Thanh Hóa thì đúng lúc đám tang bố được bắt đầu…
Long nói vắn tắt cho tôi biết, giàn PQP-HT là giàn xử lý khí sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, lần đầu được chế tạo ở Việt Nam. Hơn nữa, kích thước và khối lượng của giàn thuộc loại siêu trường, siêu trọng nên không thể sử dụng được phương pháp xây lắp thông thường. Vì đây là công trình có trọng lượng quá lớn nên được gia công, chế tạo và lắp đặt theo phương pháp tự nổi, tức là lợi dụng mức nước thủy triều và lực nổi tự nhiên của mọi vật khi đặt trong nước để lắp đặt. Vật tư, đường ống dẫn khí cũng là loại đặc chủng, được chế tạo hết sức đặc biệt.
Cho đến thời điểm này, giàn Hải Thạch - Mộc Tinh và trung tâm xử lý khí được thiết kế không những hiện đại nhất ở Việt Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 8-10-2011: Hoàn thành chế tạo, hạ thủy và lắp đặt ngoài khơi giàn khai thác khí Mộc Tinh. Giàn này nặng khoảng 14 ngàn tấn.
Ngày 26-6-2012: Hoàn thành chế tạo, lắp đặt và hạ thủy ngoài khơi giàn khai thác khí mỏ Hải Thạch. Giàn này cũng khoảng 14 ngàn tấn.
Và ngày 10-10-2012: Hoàn thành việc lắp đặt giàn xử lý trung tâm ngoài khơi. Giàn này nằm sát giàn Hải Thạch và có khối lượng ngót… 3 chục ngàn tấn.
Ngày 27-7-2013, dòng khí từ hai mỏ Hải Thạch, Mộc Tinh đã được đưa lên và đưa về giàn xử lý trung tâm.
Cho đến ngày hôm nay, mọi việc đã ổn thỏa, không có bất cứ trục trặc nào dù là nhỏ nhất xảy ra. Tất cả đều được tiến hành một cách hoàn hảo và đúng kế hoạch. Cũng phải nói thêm rằng, theo tính toán của Hãng BP thì phải mất hơn 1 năm nữa, chúng ta mới có thể lấy được dòng khí từ dưới đáy biển lên. Nhưng với bản lĩnh và trí tuệ của người dầu khí, các cán bộ, kỹ sư và người lao động của các đơn vị tham gia Dự án Biển Đông POC đã rút ngắn được gần 2 năm so với tính toán của nước ngoài. Trong khai thác dầu khí, nếu sớm hơn được một giờ so với kế hoạch cũng đã mang lại không ít tiền của. Nếu như cứ mỗi ngày, Hải Thạch - Mộc Tinh cung cấp cho các tổ hợp nhà máy phát điện khu vực miền Đông Nam Bộ vài triệu mét khối khí đốt và hàng chục ngàn thùng condensate cho lọc - hóa dầu thì tính ra không biết là bao nhiêu tiền.
Tôi thấy ở đây chỉ có một người nước ngoài, còn lại là 82 người Việt Nam. Tất cả các vị trí quan trọng trên giàn đều do người Việt Nam đảm nhiệm, kể cả vị trí giàn trưởng. Người được giao trọng trách này là Nguyễn Thanh Tĩnh - một chàng thanh niên mới 34 tuổi, quê ở Hà Tĩnh. Sở dĩ có một người nước ngoài ấy là vì cần có một người thay thế Giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh theo quy định về lao động là chỉ làm nửa tháng trên giàn, lại về bờ nghỉ nửa tháng.
Nguyễn Thanh Tĩnh và thời khắc gọi dòng thành công trên mỏ Mộc Tinh |
Tĩnh là giàn trưởng không phải của một giàn mà của cả khu vực mỏ gồm hai giàn khai thác khí Hải Thạch, Mộc Tinh, một giàn xử lý trung tâm PQP và một kho nổi FSO. Tĩnh mới 34 tuổi và được coi là giàn trưởng trẻ nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thực ra, cũng có một số giàn trưởng tuổi còn trẻ hơn Tĩnh, nhưng chỉ là giàn trưởng một giàn khoan khai thác. Còn Tĩnh là giàn trưởng của cả một cụm, trong đó có giàn xử lý trung tâm, cho nên công việc của anh nặng nề hơn nhiều.
Hôm tôi ra giàn thì Nguyễn Thanh Tĩnh mới được kết nạp Đảng một tuần. Tĩnh có gương mặt rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, hoàn toàn không có chất “ăn sóng, nói gió” của người sống và làm việc trên biển. Buổi lễ kết nạp Đảng cho Tĩnh cũng là buổi lễ độc nhất vô nhị. Hôm ấy, đúng ngày đưa khí từ Mộc Tinh về giàn xử lý trung tâm. Với nghề khai thác khí thì thời điểm dẫn dòng khí về là cực kỳ quan trọng, cho nên đòi hỏi mọi người phải tập trung cao độ cho công việc. Vào thời điểm này, người ngoài giàn cũng như người trong bờ phải theo dõi và cập nhật thông tin từng phút. Ai có việc người ấy, còn tất cả những người không thuộc ca mình làm việc, đều phải rời giàn xuống tàu.
Tĩnh được nghe đọc quyết định kết nạp Đảng qua hệ thống bộ đàm và anh cũng đọc lời thề qua… bộ đàm. Nhưng khi Tĩnh vừa đọc xong lời thề, thay vì những lời chúc mừng, căn dặn và giao nhiệm vụ cho đảng viên mới của Bí thư Chi bộ, thì Bí thư Chi bộ yêu cầu anh phải báo cáo ngay tình hình đưa khí về.
Nguyễn Quỳnh Lâm nhớ lại, anh kể, Dự án Biển Đông 01 được triển khai hết sức gấp rút, với tiến độ cơ bản rút ngắn so với tiến độ gốc do nhà thầu BP đưa ra là 18 tháng. Do đó, rất nhiều hạng mục được triển khai song song với dự phòng tiến độ gần như không có. Đây là thách thức lớn nhất trong công tác triển khai bất cứ dự án nào, vì thay đổi là điều không thể thiếu ở các dự án xây lắp, đặc biệt là ở dự án quy mô và phức tạp như Dự án Biển Đông 1.
Chính vì thế mà ta phải phát triển mỏ bằng cách dùng hệ thống đầu giếng nổi. Hệ thống này, trong bản vẽ nom “nhang nhác” một cây thông với cành chĩa lên trời, nên được gọi là “cây thông ngầm”.
Nguyễn Thanh Tĩnh đang báo cáo về hoạt động của Dự án Biển Đông 01 |
Cũng phải nói thêm là hệ thống đầu giếng ngầm kiểu cây thông khai thác có thể vận hành với điều kiện nhiệt độ và áp suất như ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh lên đến 175oC và 850atm (12.500 psia) là không tồn tại tại thời điểm năm 2009 và chưa có nhà cung cấp đầu giếng nào có thể khẳng định đến bao giờ họ mới phát triển hoàn chỉnh hệ thống này để cung cấp cho Biển Đông POC.
Biển Đông POC đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất sử dụng phương án “đầu giếng và cây thông bề mặt” được phát triển từ công nghệ đầu giếng ngầm (Big bore system) để vừa đáp ứng được yêu cầu vận hành cũng như yêu cầu thiết kế giếng theo kiểu “big bore” được kế thừa từ các tập đoàn dầu khí đa quốc gia khác như Total, Exxon…
Đối với giàn khoan, tại thời điểm 2009, không có giàn khoan Semi-TAD nào trên thế giới có thể đáp ứng được yêu cầu để khoan các giếng tại vùng mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Việc xây dựng giàn khoan mới đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đạt được tiến độ dự án. Để đảm bảo công tác khoan thành công, việc xây dựng mới giàn khoan tiếp trợ bán tiềm thủy PV Drilling V lớn nhất thế giới tại thời điểm 2009 theo yêu cầu kỹ thuật của Biển Đông POC đã được giao cho PV Drilling với các đặc tính kỹ thuật: Hệ thống đối áp lên đến 1.020atm (15.000 psia); Hệ thống tháp khoan có sức kéo lên đến 1,5 triệu lbs; Thân tàu lớn hơn rất nhiều so với các giàn Semi-TAD khác đang được cung cấp trên thị trường để có thể hoạt động hiệu quả trong vùng biển khắc nghiệt như mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh của Việt Nam.
Và sau gần 3 năm thiết kế và chế tạo, đến đầu năm 2013, giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PV Drilling V đã được hoàn thành và chuyển về Hải Thạch - Mộc Tinh ngay. Đây là giàn khoan rất hiện đại và trên thế giới chỉ có 8 giàn kiểu này.
Trong điều kiện giếng khoan có áp suất và nhiệt độ “quá mức bình thường” như ở Hải Thạch - Mộc Tinh, thì việc ngăn chặn dòng khí phụt lên một cách “tự do” là cực kỳ khó khăn và đòi hỏi điều chỉnh dung dịch khoan phải cực chuẩn.
Anh Phạm Tâm, Trưởng phòng Công nghệ Khoan và Hoàn thiện giếng hào hứng kể cho chúng tôi nghe về “nghệ thuật” bơm dung dịch khoan vào giếng và “nghệ thuật” pha trộn dung dịch. Sở dĩ phải dùng chữ “nghệ thuật” ở đây là chính vì sự điêu luyện, tinh xảo, chính xác của những người thợ. Dung dịch khoan giống như một thứ bùn. Đặc quá thì khí không lên được; mà nhẹ quá thì có khi nổ tung cả giếng. Chính vì thế phải rất “nghệ thuật” mới điều khiển được dòng khí bằng dung dịch khoan.
Một thành công rất lớn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Biển Đông 01 là các anh đã nghiên cứu sản xuất thành công một loại xi măng biết “giãn nở, co ngót” theo sự thay đổi của nhiệt độ để trám lỗ khoan. Nói về xi măng, từ xưa đến nay, ai chẳng biết, chẳng nghĩ rằng nó là cái giống “đông cứng” và càng cứng càng tốt. Ấy vậy mà giếng khoan ở Hải Thạch - Mộc Tinh lại phải cần một loại xi măng khi nóng thì nở ra và lạnh thì co lại.
Các cán bộ kỹ thuật của Biển Đông POC đã mày mò, nghiên cứu và pha trộn các chất phụ gia để có được loại xi măng này. Xi măng thì quá sẵn, Việt Nam đang thừa, nhưng chất phụ gia là gì, tỷ lệ pha trộn bao nhiêu thì lại là chuyện cực kỳ phức tạp. Phải mất cả gần nửa năm trời cùng với các chuyên gia nước ngoài thí nghiệm, rồi mang đi tới các trung tâm danh tiếng nhất thế giới kiểm nghiệm, trong những điều kiện nhiệt độ, áp suất còn khắt khe hơn cả ở Hải Thạch - Mộc Tinh.
Và cho tới nay, các giếng khai thác của Dự án Biển Đông 01 đang vận hành rất an toàn, điều đó minh chứng cho việc thiết kế là cực chuẩn, chất lượng thiết bị hoàn toàn đảm bảo.
Dự án Hải Thạch - Mộc Tinh là một dự án có nhiều cái nhất ở Việt Nam:
Có nhiệt độ dòng khí cao nhất - khoảng 1200C;
Có áp suất dòng khí lớn nhất - khoảng 450at;
Có khối lượng thiết bị, vật tư lớn nhất - gần 60 ngàn tấn;
Có giờ công an toàn cao nhất - tính đến ngày 16-8-2013 là 17 triệu giờ;
Có chi phí quản lý tiết kiệm nhất - khoảng 74 triệu đôla;
Có độ sâu lớn nhất - 140m.
Sáng ngày 16-8- 2013, tại lễ gắn biển cho công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI tại cụm xử lý trung tâm PQP-HT, Ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát biểu: “Đây là nơi thử thách lòng yêu nước, là nơi thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của những người làm Dầu khí Việt Nam…”.
Nghe ông nói như vậy, những người có mặt đều cảm thấy xúc động và có lẽ với những người ngoại đạo như tôi cũng không hiểu hết được ý nghĩa câu nói của Chủ tịch. Nhưng những người như Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng và 82 cán bộ, kỹ sư, người lao động trên giàn PQP-HT thì hiểu hơn ai hết.
Càng ngẫm càng thấy đúng. Công trình này đã thử thách lòng yêu nước của những người công nhân dầu khí. Nơi đây, không chỉ là nơi họ thể hiện lòng yêu nước, mà lòng yêu nước của họ đã được thử thách.
Hết
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 4) Khi Nguyễn Quỳnh Lâm kể cho tôi nghe về những người như Lê Trần Minh Trí, Mike Nguyễn… tôi nhớ đến một người từng dám ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 3) Cho đến bây giờ, đã gần 4 năm trôi qua, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn nhớ như in vào một ngày đầu ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 2) Trở lại một chút lịch sử của dự án. Từ năm 1992, hãng dầu khí nổi tiếng thế giới BP của Anh đã phát hiện ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 1) Sau gần 5 năm năm đi vào khai thác thương mại, tính đến 31/1/2018, Dự án Biển Đông 01 đã khai thác được hơn 8 ... |
Ngày đăng: 08:29 | 05/03/2018
Nguyễn Như Phong / Theo Đoạn trường tìm dầu