Ngày 19/6/1981 tại Moskva, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô, tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Trong quá trình điều hành công việc, Phó Thủ tướng Trần Quỳnh đã có vô vàn những kỷ niệm đáng ghi nhớ về ngành Dầu khí. Đến năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô, nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, ông đã biên lại những ký ức thuở ban đầu ấy như một kỷ niệm không thể nào quên.
Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam tại Điện Kremlin (tháng 7/1980).
“Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập và thống nhất. Cả nước ta tràn ngập trong niềm hân hoan, phấn khởi vô hạn. Một nhà thơ đã nói lên tâm trạng của dân tộc ta:
Tôi lặng nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Ôi! Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ!
Nhưng rồi, lại phải bắt tay vào khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề của 30 năm chiến tranh tàn phá và huỷ diệt, để sau khi có độc lập, phải đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Khó khăn chồng chất, thiếu thốn trăm bề.
Một trong thiếu thốn gay gắt nhất lúc ấy là xăng dầu. Ai cũng hiểu vai trò của xăng dầu trong cuộc sống.
Trong thời kỳ chiến tranh, miền Bắc được Liên Xô cung cấp mỗi năm 2 triệu tấn xăng dầu viện trợ không hoàn lại, miền Nam được Mỹ cung cấp mỗi năm 6 triệu tấn qua con đường chính thức, ngoài ra còn có số xăng dầu vào bằng những con đường khác. Nay các nguồn trên đây không còn nữa. Chúng ta phải làm việc với Liên Xô rất nhiều lần mới được cho vay mỗi năm 4 triệu tấn trong một số năm, còn lại phải đi vay thêm của một số nước có nguồn dầu lớn như Iraq, Libya, Kuwait…
Đó chỉ là những biện pháp tình thế, tạm thời. Giải pháp cơ bản là phải khai thác dầu ngay trên đất nước ta.
Trong khi chiến tranh đang tiếp diễn, Mỹ đã tiến hành tìm kiếm bằng vệ tinh các cấu tạo có khả năng chứa dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Những tìm kiếm ấy đã cho những dữ liệu vô cùng lạc quan. Một số công ty Mỹ đã thăm dò, có kết quả sơ bộ, nhưng họ đã mang theo tất cả trong cuộc rút lui cùng với quân đội Mỹ. Về phía mình, chúng ta cũng đã tìm kiếm, thăm dò tại vùng trũng sông Hồng, vũng trũng An Châu và một vài vùng mỏ sát bờ của vịnh Bắc Bộ. Chúng ta đã phát hiện ở độ sâu 300m ở Đồng bằng sông Hồng một vỉa lớn nhưng là than với trữ lượng ước đạt 300 tỷ tấn. Về dầu khí thì chỉ phát hiện một khối lượng không lớn ở vùng Tiền Hải - Thái Bình.
Theo đề nghị của Tổng cục Dầu khí, Bộ Chính trị đã đồng ý mời một số công ty của Pháp, Tây Đức, Italy, Canada hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam, và có một số công ty của Đức, Canada và Italy vào tiến hành công việc.
Song điều mà chúng ta không nghĩ đến là, sau khi miền Nam được giải phóng và đất nước hoàn toàn thống nhất không được bao lâu, hai cuộc chiến tranh mới lại nổ ra ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc buộc chúng ta phải đối phó. Thêm nữa, những thế lực thù địch với ta viện cớ chúng ta giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pônpốt để xâm lược, bắt đầu một chiến dịch cấm vận đối với đất nước ta, đồng thời lôi kéo và ép buộc một số nước đi theo họ vào chiến dịch cấm vận ấy.
Các công ty kinh doanh dầu khí của một số nước đang hợp tác với ta đã hủy bỏ hợp đồng, thậm chí có công ty chấp nhận bồi thường thiệt hại cho ta để rút lui. Như vậy, chúng ta bị đặt trước tình thế phải tìm kiếm sự hợp tác với Liên Xô, một nước mà diện hợp tác với nước ta rất rộng, kể cả trong lĩnh vực thăm dò dầu khí, chủ yếu là ở miền Bắc.
Sau Giải phóng miền Nam, chúng ta có đặt vấn đề mời Liên Xô hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Khi đồng chí Lê Duẩn đặt vấn đề, phía Liên Xô cho biết trước kia, nước này mới thăm dò khai thác ở vùng biển Caspi, độ sâu khoảng 20m, nhưng những năm gần đây đã phát triển kỹ thuật thăm dò ở độ sâu 100m, hơn nữa đang tiến hành thăm dò ở biển Baltic và vùng biển Sakhalin ở Viễn Đông. Ý kiến này được báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã nhất trí cho đàm phán, mời Liên Xô vào thềm lục địa phía Nam.
Để thực hiện việc này, đồng chí Lê Duẩn đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ thăm chính thức Liên Xô. Kết quả, tại phòng đại lễ của Điện Kremlin, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev, hiệp định nguyên tắc về việc Liên Xô giúp Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô để tiến hành việc thăm dò, khai thác đã được ký kết giữa đại diện của hai chính phủ: đồng chí Nguyễn Lam - Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam và đồng chí N.K.Baibacov, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô.
Phát biểu trong Lễ ký kết, đồng chí N.K.Baibacov đã nói: Liên Xô hợp tác chủ yếu là để giúp Việt Nam có dầu và sẽ không lấy một giọt dầu nào của Việt Nam. Sau này khi làm việc với chúng ta, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Liên Xô như K.F. Katusev, Taludin… đều nhắc lại ý đó. Liên Xô giúp Việt Nam có được dầu khai thác từ tài nguyên của mình, để Liên Xô giảm bớt gánh nặng cung cấp dầu cho Việt Nam. Phần của Liên Xô được trả công bằng dầu, phía Liên Xô cũng bán lại cho Việt Nam, không có ý lấy dầu chở về Liên Xô.
Trong lần đó và nhiều lần sau này, đồng chí N.K. Baibacov luôn nói: “Tôi là một chuyên gia địa chất, tôi tin chắc rằng các đồng chí có trữ lượng dầu và khí lớn. Từ Moskva, tôi ngửi thấy mùi dầu ở Bạch Hổ”.
Sau này, trong quá trình làm việc với phía Liên Xô, tôi nhận thấy rằng giữa các cán bộ có trách nhiệm và các chuyên gia Liên Xô có những ý kiến khác nhau về triển vọng dầu khí của Việt Nam. Điều đó là lẽ dĩ nhiên. Dầu và khí ở trong lòng đất, ở độ sâu 3.000 - 5.000m. Các phương pháp thăm dò chỉ mới cho phép sự phỏng đoán. Cấu tạo địa chất và các túi có khả năng chứa dầu có thể thấy được qua phương án tìm kiếm hiện đại, còn các cấu tạo đó có chứa dầu hay không, nhiều hay ít thì phải khoan, và khoan đủ độ sâu để tính toán trữ lượng mới biết được…
Sau khi hiệp định về nguyên tắc được ký kết, công việc triển khai hiệp định được xúc tiến khẩn trương: làm địa vật lý, phân lô (trước đây Mỹ đã phân rồi nay ta điều chỉnh lại), thảo và ký kết điều lệ của xí nghiệp liên doanh, thăm dò ở cấu tạo có triển vọng nhất (Bạch Hổ), xây dựng bãi lắp ráp giàn khoan, mua sắm phương tiện... Về phía Việt Nam, chính phủ giao cho Tổng cục Dầu khí và phía Liên Xô giao cho Bộ Công nghiệp khí trách nhiệm quản lý. Tôi khi đó với danh nghĩa là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại và là đồng Chủ tịch phân ban Hợp tác Kinh tế Việt - Xô, đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ theo dõi công việc và có ý kiến khi cần thiết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev ký Hiệp định tại Moskva. (Hình tư liệu)
Trong quá trình điều hành công việc đã để lại trong tôi một số kỷ niệm đáng ghi nhớ.
Khi tôi trình bày dự thảo điều lệ Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô với đồng chí Lê Duẩn, đồng chí nói: Chúng ta phải dành một số lô để hợp tác với các nước tư bản. Mỹ đã thua ta, họ nhất định trước sau gì cũng sẽ đặt quan hệ làm ăn kinh tế bình thường với ta. Họ còn cay cú, nhưng hội chứng bại trận rồi sẽ qua đi, thế nào cũng qua đi. Họ vin vào cớ ta giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng để thực hiện cấm vận, chẳng qua cũng xuất phát từ mặc cảm trên. Mọi việc sẽ nguôi dần, chúng ta phải tạo thời cơ để hợp tác làm ăn với các nước tư bản, nhất là với Mỹ. Vì không kể lĩnh vực quân sự thì Mỹ là nước có nền kinh tế lớn và nền khoa học kỹ thuật cao nhất thế giới. Cách làm kinh tế của Mỹ có hiệu quả cao, không tìm cách làm ăn hợp tác kinh tế với Mỹ để phát triển là không khôn ngoan.
Đồng chí Lê Duẩn còn hỏi tôi về việc sử dụng dầu khí khai thác được. Tôi nói hiện ta chưa có nhà máy lọc dầu và hóa dầu, cho nên dầu khai thác được lúc đầu phải bán thô, còn khí đồng hành thì theo các chuyên gia Liên Xô phải đốt đi, vì thu hồi để sử dụng thì chi phí rất tốn kém. Đồng chí Lê Duẩn nói: Nếu không có cách nào khác thì phải chịu thôi, nhưng đó chỉ là tạm thời. Ta phải sớm làm nhà máy lọc dầu và hóa dầu, làm nhà máy hóa chất từ khí, nhiều nước đều làm như vậy. Đồng chí nói thêm: Dẫu sao cũng phải thấy rằng dầu và khí đốt là khoáng sản, khai thác mãi sẽ có ngày hết, không giống như tài nguyên rừng, chặt phá đi thì có thể trồng lại. Ta không nên khai thác dầu chỉ để tiêu xài, mà phải coi dầu và khí là cái vốn ban đầu để công nghiệp hóa đất nước, tạo ra những ngành kinh tế khác để sử dụng lao động, làm ra của cải mới. Tôi thưa: Vì chúng ta khó khăn quá nên tạm thời phải buộc lòng xuất khẩu dầu để lo cái ăn, cái mặc và những nhu cầu thiết yếu khác cho nhân dân. Vả lại xây dựng nhà máy lọc dầu, hóa dầu phải mất 5 - 7 năm. Vừa rồi, làm việc với anh Nguyễn Duy Trinh, anh ấy có nói với tôi: "Đồng chí Trần Quỳnh định moi hết dầu lên xài, không để gì lại cho con cháu hay sao?", đồng chí Lê Duẩn ngắt lời: "Đúng, đúng, anh Trinh nói đúng đấy".
Hôm nay nghĩ lại, thấy những ý kiến trên đây của đồng chí Lê Duẩn đáng để chúng ta suy nghĩ thêm trong việc xây dựng chiến lược dầu khí và xây dựng cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Giá dầu tăng mạnh, sắc xanh bao phủ nhóm cổ phiếu Dầu khí
Trong bối cảnh giá dấu thế giới tăng mạnh, hỗ trợ tốt cho nhóm dầu khí, phiên giao dịch sáng 17/5, các cổ phiếu dầu ... |
Hợp tác Dầu khí: Điểm sáng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam- LB Nga
Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn ... |
Góc nhìn của đại biểu Quốc hội về dầu khí
Ngành Dầu khí có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng và ... |
Cổ phiếu Dầu khí dẫn dắt, VN-Index vượt mốc 980 điểm
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (20/5), thị trường khởi sắc, nhóm cổ phiếu Dầu khí đồng loạt tăng cùng với sự tăng mạnh ... |
Ngày đăng: 13:00 | 20/05/2019
/