Dù đã báo trước và trước khi đi bắt gỗ lậu, chủ tịch xã gọi điện thoại đề nghị phối hợp nhưng cả kiểm lâm và chủ rừng... hôm sau mới tới
Ngày 9-4, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa nghe thông tin việc xã phát hiện phá rừng, gọi điện thoại đề nghị và chủ rừng phối hợp nhưng không tới. "Tôi đã chỉ đạo chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm sáng 10-4 xuống làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ vấn đề này, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc rừng bị phá" - ông Dương nói.
Không cử kiểm lâm vì… nguy hiểm (!?)
Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), ngày 15-3, lực lượng trinh sát của xã phát hiện các đối tượng mang cưa lốc, xe vào rừng để khai thác gỗ nên ông báo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar và chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 17-3, trinh sát báo về cho biết các đối tượng đang vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng nên ông tiếp tục gọi điện đề nghị lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phối hợp vây bắt. Tuy nhiên, những lực lượng này không có mặt nên ông Vỹ xin ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện và trực tiếp cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ bắt giữ 2 xe công nông độ chế và hàng chục khối gỗ.
Xe công nông cùng gỗ lậu do xã Cư Bông bắt giữ
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Trọng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, nói: "Ông Vỹ nói bừa, phát biểu không theo khuôn phép nào hết. UBND huyện đã có báo cáo về vụ phá rừng này rồi. Tôi sẽ vào làm việc lại với ông Vỹ".
Theo ông Trọng, trước đó, ông Vỹ có báo là anh em trinh sát báo tình hình rằng các đối tượng đang gom gỗ để vận chuyển ra khỏi rừng. Lúc này, ông Trọng nói lực lượng xã đông thì theo dõi, có gì thông báo lại để ông bố trí lực lượng. Đến khoảng 19 giờ ngày 17-3, ông Vỹ gọi điện báo cho ông Trọng. "Tôi có nói với ông Vỹ thứ bảy, chủ nhật tôi về phố nghỉ. Bây giờ đang đêm hôm, không an toàn cho anh em đâu. Kiểm lâm địa bàn xã Cư Bông thì chỉ có một người nên để sáng mai vào. Sáng sớm hôm sau có 5 kiểm lâm và 4 công an huyện vào, lực lượng như vậy là kịp thời chứ nói không kịp thời sao được (!?)" - ông Trọng quả quyết.
Có "nội gián"?
Cũng theo ông Vỹ, việc truy bắt lâm tặc mà chờ thì không thể bắt được vì các đối tượng vận chuyển gỗ trong khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó còn phải bí mật, nhanh nhạy, thận trọng, nếu phối hợp rộng, liên ngành thì thông tin rò rỉ ra ngoài. Mỗi khi phối hợp, thống nhất với nhau ngày giờ truy quét thì rừng lại vắng tanh, không một người nào. "Tôi cho quân đi phối hợp với lực lượng liên ngành nhưng đi sao về vậy, tay trắng hết. Khi lực lượng xã đi độc lập thì mới có kết quả. Lực lượng xã đã bắt được nhiều vụ chứ không riêng vụ này" - ông Vỹ khẳng định.
Trả lời về vấn đề có "nội gián" trong lực lượng bảo vệ rừng, ông Trọng nói: "Chính quân ông Vỹ luôn. Chính đội ngũ của ông Vỹ cũng có vấn đề. Xã Cư Bông là phức tạp nhất, riêng gỗ này nếu không có đội ngũ xe cày (xe công nông - PV) độ chế đó thì không bao giờ xuống được rừng. Chỉ có ông Vỹ mới thuê được loại xe này chứ tôi không thể thuê được xe chở gỗ lậu ra. Quân tôi xuống thuê thì họ không nghe nhưng xã thuê được. Nói thế để anh hiểu".
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm, ông Trọng cho biết chính ông đã tham mưu cho UBND huyện báo cáo vụ việc phá rừng cho UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết luận của chủ tịch UBND huyện cũng nói kiểm điểm trách nhiệm chủ rừng và kiểm lâm địa bàn. Kiểm lâm địa bàn bị kiểm điểm vì không tuần tra độc lập chứ không nói không phối hợp. "Chỗ nào nóng thì anh em tôi tới chứ đã phân cấp rồi. Trên địa bàn của anh thì anh phải chịu trách nhiệm chính, còn tôi chỉ vào khi nào rầm rộ, quá sức của anh. Nói thật, khoảng 10 khối gỗ và 2 xe cày độ chế thì lực lượng của xã cũng làm được, cần gì lực lượng khác" - ông Trọng nói.
Lực lượng bảo vệ rừng… say hết! Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, thừa nhận gỗ được khai thác tại tiểu khu 702, do công ty quản lý. Theo ông Mạnh, tối 17-3, do thứ bảy nên lực lượng bảo vệ rừng chia nhau có người trực, có người về. Một số bảo vệ rừng ở ngoài huyện nhưng hôm đó có sinh nhật, uống say nên không nghe máy được. "Ông Vỹ có gọi cho tôi nhưng chiều đó, tôi có một cái đám cưới, uống hơi quá chén nên ngủ đến sáng mai dậy. Sau khi thấy cuộc gọi nhỡ, tôi điện lại cho ông Vỹ và chạy vào rừng luôn chứ không phải đứng ngoài cuộc. Tôi đang nhờ công an vào cuộc, nếu có việc lực lượng bảo vệ rừng tiếp tay thì sẽ đuổi việc, còn buông lỏng không quản lý thì tùy theo mức độ mà xử lý" - ông Mạnh nói. |
Kiểm lâm có bồi thường nếu 3 cây đa khổng lồ chết khi bị tạm giữ?
Các chuyên gia cây cảnh cho rằng vận chuyển cây đi xa cần đảm bảo đủ độ ẩm nếu không sẽ khô vỏ chết. Trong ... |
Quảng Nam: Đồng loạt 3 trạm trưởng kiểm lâm bị đình chỉ công tác
Để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn, nhức nhối dư luận, 3 trạm trưởng kiểm lâm Quảng Nam bị đình chỉ. ... |
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
Ngày đăng: 08:37 | 10/04/2018
/ https://nld.com.vn