Phim "Abominable" thu hơn tám tỷ đồng ở Việt Nam, hàng chục nghìn lượt xem trước khi bị phát hiện có cài cắm đường lưỡi bò Trung Quốc.
Ngày 15/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo Cục Điện ảnh kiểm điểm, xử lý sai sót những cá nhân và tập thể tham gia thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến phim Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ). Cuối tuần qua, phim bị ngưng chiếu ở rạp Việt do có hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá sự việc nghiêm trọng, cần nhanh chóng giải quyết và báo cáo kết quả trước ngày 17/10. "Đường lưỡi bò" (tức đường chín đoạn - do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế).
Sự việc khuấy động dư luận, làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm ở khâu kiểm duyệt sản phẩm văn hóa, giải trí trong nước. Ngày 14/10, bà Hồng Ngát - thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - phát biểu về trường hợp phim Abominable: "Đường lưỡi bò chỉ xuất hiện vài giây, mọi người cứ làm quá". Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - không đồng tình ý kiến này, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải đặt vấn đề chủ quyền dân tộc lên hàng đầu.
Cảnh phim có hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: DreamWorks. |
Abominable là sản phẩm hợp tác của hãng DreamWorks Animation (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc). Đến ngày 13/10, phim chiếu ở 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu vượt 100 triệu USD, tức có hàng triệu lượt xem. Tác phẩm nêu những thông điệp như lòng dũng cảm, tình bạn, đồng thời lồng ghép thông điệp biển đảo vào một đoạn nhỏ. Theo Box Office Vietnam (một đơn vị độc lập tính kết quả phòng vé Việt, có kết quả được trang Box Office Mojo trích đăng), Abominable thu hơn tám tỷ ở Việt Nam, tương đương hàng chục nghìn lượt xem. Chỉ sau gần mười ngày chiếu, mới có khán giả nhận ra hình ảnh "đường lưỡi bò" được cài cắm trong phim.
Luật sư Hoàng Việt - Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - đánh giá: "Tôi thấy các cơ quan quản lý chưa ý thức rõ ràng về chiến lược tấn công văn hóa của Trung Quốc. Nếu không đủ kiến thức chuyên môn, các hội đồng kiểm duyệt cần tham khảo ý kiến chuyên gia. Việc rút phim sai phạm khỏi rạp vẫn để lại sự hoang mang trong dư luận. Nhà quản lý phải có ý thức, sự cảnh giác khi tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa nguồn gốc từ Trung Quốc, không thể biện minh, đổ lỗi cho việc thiếu kiến thức".
Không phải lần đầu một phim có yếu tố tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc "lọt" qua kiểm duyệt Việt Nam. Năm 2018, phim Operation Red Sea (Điệp vụ Biển Đỏ) từng phải ngưng chiếu, bị nhận định có cảnh liên quan chủ quyền biển đảo.
Cùng năm, bộ sách tranh Wow! - Những bí mật kỳ diệu bị thu hồi do in bản đồ đường lưỡi bò. Ông Đoàn Trần Lâm, tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới, giải thích phần bản đồ minh họa đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không chú ý.Trang sách "Wow! - Những bí mật kỳ diệu" in bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: V.T. |
Tiến sĩ Nguyễn Nhã - tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - cho biết Trung Quốc hiện có hơn 1.000 luận án, luận văn về Biển Đông, gấp nhiều lần con số các tài liệu liên quan của Việt Nam. "Việc để lọt phim có hình ảnh đường lưỡi bò thể hiện chuyên môn, ý thức kém của các nhà kiểm duyệt. Hội đồng duyệt phim quốc gia không thể biện minh 'hình ảnh chỉ xuất hiện vài giây' bởi nó ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, chủ quyền dân tộc. Cơ quan chức năng cần có sự cảnh giác mỗi khi tiếp xúc với các tác phẩm nguồn gốc từ nước này, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc", ông nhận định.
Ở góc độ tổ chức kiểm duyệt, biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người từng có 5 năm ở hội đồng thẩm định phim quốc gia - nhận định áp lực công việc dễ khiến họ sai sót. "Việc thẩm định hiện tại nhiều áp lực hơn trước, phải xem đến hai phim mỗi ngày. Khi xem, người duyệt cần căng mắt, căng tai theo dõi các yếu tố âm thanh, hình ảnh (gồm bối cảnh, diễn viên, trang phục), chỉ một chút sơ suất là để lọt thông tin, hình ảnh không đáng có". Theo bà, những thành viên tầm trên 50, 60 tuổi trở lên sẽ chịu áp lực lớn về thể chất, tinh thần, nhất là trong tình hình các phim hiện tại bị cài cắm nhiều ý đồ xấu.
"Tôi nghĩ hội đồng tất nhiên phải nhận lỗi. Tuy nhiên, dư luận cũng cần thông cảm, không nên buộc tội hay gán cho họ có ý đồ xấu", bà nói. Đồng ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ kiện toàn hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, đồng thời nghiên cứu cách thành lập bộ phận giúp hội đồng đảm bảo chất lượng.
Theo Guardian, Trung Quốc từ lâu triển khai chiến dịch tuyên truyền trên phạm vi toàn cầu qua các kênh báo chí, văn hóa và thể thao.
Nhiều cơ quan báo chí do Trung Quốc sở hữu đặt tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Kenya... đưa tin theo góc nhìn của chính quyền nước này. Theo Reuters, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng cảnh báo việc Trung Quốc mua chuộc các diễn viên, tổ chức xã hội nhằm cài cắm thông điệp chính trị qua hoạt động của các cá nhân, tổ chức này. Hầu hết sao hạng A Trung Quốc như Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy, Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Lưu Diệc Phi, Vương Tuấn Khải, Lưu Thi Thi, Lục Tiểu Linh Đồng, Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh, Địch Lệ Nhiệt Ba... đều từng đăng bản đồ có "đường lưỡi bò" trên trang cá nhân. Những nghệ sĩ này có sức ảnh hưởng đến giới trẻ và được dùng như công cụ quảng bá chủ quyền của Trung Quốc."Operation Red Sea" (Điệp vụ Biển Đỏ) cũng lồng ghép thông điệp biển đảo, bị nhà phát hành rút khỏi rạp Việt sau khi có khán giả nhận ra chi tiết này. Ảnh: CGV. |
Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường tuyên truyền lãnh hải, lãnh thổ phi pháp qua phim ảnh, show truyền hình, sách, truyện tranh... Tết âm lịch 2019, phim Crazy Alien gây sốt phòng vé Trung Quốc song dấy lên tranh cãi ở Myanmar vì vấn đề chủ quyền. Phim hai lần có hình bản đồ cho thấy một phần lãnh thổ của Myanmar được chú thích là của Trung Quốc. Sự việc khiến người dân Myanmar phẫn nộ, kêu gọi kháng nghị tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar. Phim này cũng như Điệp vụ biển đỏ đều không ra rạp Myanmar.
Trung Quốc đặc biệt chú trọng tuyên truyền "đường lưỡi bò" qua các ấn phẩm dành cho thiếu nhi. Nhiều chương trình phát trên truyền hình, Internet nước này dạy cho thiếu nhi về bản đồ Trung Quốc, trong đó có "đường lưỡi bò". Các chương trình này sử dụng nhân vật hoạt hình để tiếp cận trẻ nhỏ.
Luật sư Hoàng Việt nhận định Trung Quốc có tham vọng lớn trong việc chiếm đoạt biển Đông, thể hiện thông qua đường lưỡi bò. Tham vọng này được thể hiện qua nhiều sản phẩm như bản đồ, quả địa cầu, các tài liệu nghiên cứu và đặc biệt là ấn phẩm văn hóa. "Nếu được phổ biến trên diện rộng, điều này dần dà sẽ gây nhầm lẫn về chủ quyền trên Biển Đông, nhất là đối với người nước ngoài. Với giới trẻ Việt Nam, khi được tiếp xúc với các ấn phẩm trên, ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia sẽ bị mai một", ông cho biết.
Ân Nguyễn - Huệ Nguyễn - Hà Thu
Bộ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo xử lý Hội đồng duyệt phim có "đường lưỡi bò"
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có công văn chỉ đạo xử lý Hội đồng duyệt phim có đường lưỡi bò. |
Phim cài cắm "đường lưỡi bò" ra rạp Việt - vì quá chủ quan?
Việc để lọt ra rạp hình ảnh liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo thêm một lần nữa công chúng phải đặt dấu ... |
Cho công chiếu 'Điệp vụ biển Đỏ' là mặc nhiên công nhận Biển Đông của Trung Quốc!
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng Trung Quốc hiện đang tìm mọi cách để hiện thực hóa tham ... |
Phim Điệp vụ Biển đỏ: Cục điện ảnh thiếu kiến thức Biển Đông và vô trách nhiệm?
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho phép chiếu Điệp vụ Biển đỏ chính là tiếp tay cho yêu sách sai trái của Trung Quốc ... |
Ngày đăng: 18:05 | 15/10/2019
/ vnexpress.net