David Fidler đã nghĩ tới kịch bản Trung Quốc sẽ thông báo thử nghiệm thành công Giai đoạn ba vaccine Covid-19 đầu tiên, nhưng Mỹ thì chưa.
"Nếu Trung Quốc thắng cuộc đua này và khai thác lợi thế từ đó, trong khi Mỹ chưa có gì tương đương, chúng tôi phải làm gì? Đó là điều khiến tôi lo ngại nhất", Fidler, chuyên gia sức khỏe toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ, người từng cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nói.
Fidler không phải người duy nhất lo lắng về chuyện xảy ra trong vài tháng tới, khi các cường quốc chạy đua để có vaccine Covid-19 đầu tiên. Nhiều chuyên gia về y tế và vaccine cảnh báo còn quá sớm để nói bất kỳ loại vaccine nào đang được thử nghiệm Giai đoạn ba trên thế giới được chứng minh an toàn và hiệu quả với Covid-19.
Trong số những loại vaccine này có bốn ứng viên của Trung Quốc, ba thuộc dự án Chiến dịch Thần tốc của Mỹ và một của Australia. Nga đã cấp phép cho vaccine Sputnik V, nhưng vaccine này vẫn đang tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba trên quy mô lớn.
Nỗi lo lắng của Fidler không phải là không có cơ sở. Rất có thể vaccine của Trung Quốc sẽ trở thành ứng viên đầu tiên thử nghiệm Giai đoạn ba thành công. Nếu ứng viên của Chiến dịch Thần tốc thất bại, Mỹ có thể mất thêm 6-8 tháng để phát triển một loại mới.
Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều chuyên gia y tế và an ninh quốc gia lo ngại về tương lai "ác mộng", như Trung Quốc từ chối cung cấp vaccine cho Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump hoặc ứng viên Joe Biden không chấp nhận đàm phán, hay cuộc chiến mang động cơ chính trị giữa Trump và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Larry Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nhận định sau khi Trung Quốc phát triển thành công vaccine và cung cấp cho người dân trong nước, Bắc Kinh "sẽ không bán nó cho người trả giá cao nhất". "Họ sẽ sử dụng nó để tăng ảnh hưởng chính trị hoặc trở thành một phần trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ... Rất có thể Mỹ sẽ nằm ở cuối danh sách khách hàng tiềm năng", ông nói.
Fidler cho rằng ngay cả khi vaccine Trung Quốc không có điều kiện ràng buộc, Mỹ cũng khó có khả năng có được nó, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng gần đây.
Thậm chí chuyên gia này còn lo ngại cuộc chạy đua vaccine giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở thành cuộc đua chính trị, tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc. "Y tế cũng khó thoát khỏi kịch bản cạnh tranh, dù người dân toàn cầu không muốn hiểu hoặc chấp nhận thực tế đó", Fidler nói.
Chính quyền Trump đã gọi Chiến dịch Thần tốc là một trong những thành tựu khoa học và nhân đạo lớn nhất trong lịch sử. Nhưng Michael Kinch, giám đốc Trung tâm Đổi mới Nghiên cứu trong Công nghệ sinh học và Tìm kiếm hoạt chất tiềm năng tại Đại học Washington ở St. Louis, nói nếu có thể, ông muốn hoán đổi dự án của Mỹ với Trung Quốc. Bởi ông tin rằng Bắc Kinh đang sở hữu "dự án tốt hơn".
Tất cả vaccine đang thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ và châu Âu đều sử dụng phương pháp công nghệ cao để kích hoạt hệ miễn dịch chống lại protein gai (spike protein) của nCoV, công cụ chính để virus liên kết và xâm nhập tế bào người.
Kinch đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cách tiếp cận nhắm vào protein gai không hiệu quả. "Đây hoàn toàn chỉ là tính toán về mặt lý thuyết", ông nói.
Trong khi đó, Kinch cho biết Trung Quốc có cách tiếp cận khác. Bên cạnh phát triển vaccine theo hướng giống Mỹ và châu Âu, một số loại vaccine của nước này sử dụng phương pháp truyền thống, không tấn công trực tiếp virus. Loại vaccine bất hoạt, sử dụng virus chết dể dạy cơ thể cách chống lại virus sống, mà Trung Quốc đang phát triển là một ví dụ. Với loại vaccine này, cơ thể sẽ quyết định cách tốt nhất để tạo miễn dịch với mầm bệnh. "Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn", Kinch nói.
"Nếu không may mắn hoặc do virus tiến hóa, chúng ta không thể tạo ra một phản ứng đủ mạnh và lâu dài đối với protein gai của virus, bởi các loại virus corona khác cũng có loại protein này, tình hình ở Mỹ có thể quay lại như tháng 3", ông nói thêm. "Tôi thấy lo lắng khi nhận ra rằng chúng ta đang dồn tất cả trứng vào một giỏ".
Nhiều người khác lại lo ngại về cách Chiến dịch Thần tốc lựa chọn ứng viên vaccine tiềm năng. Các nghị sĩ quốc hội Mỹ từng chất vấn một số quan chức cấp cao của chính quyền Trump về việc thay vì ủng hộ công nghệ truyền thống, dự án này dường như ưu ái cho những công nghệ vaccine mới, trong đó có những loại chưa từng được sử dụng để tạo ra một loại vaccine thương mại thành công trước đây.
Khi được hỏi về cách tiếp cận này, Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết Chiến dịch Thần tốc chấp nhận rủi ro trong ngưỡng an toàn. Ông dẫn chứng một sự cố bi kịch năm 1955, khi virus trong vaccine bại liệt chưa được bất hoạt hoàn toàn, khiến một số người tiêm vaccine nhiễm bệnh và thậm chí tử vong. Nhưng bệnh bại liệt không còn xuất hiện trên nước Mỹ, và FDA đã tiếp tục phê chuẩn nhiều vaccine chứa virus chưa hoàn toàn bất hoạt.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng một số ứng viên của Chiến dịch Thần tốc đang được "thổi phồng" về khả năng thành công. Đại học Oxford hồi tháng 7 công bố trên tạp chí y khoa Lancet kết quả thử nghiệm Giai đoạn một và hai của vaccine do họ phát triển và sẽ được AstraZeneca sản xuất. Theo báo cáo, vaccine được thử nghiệm trên 543 người, nhưng chỉ có 35 người xuất hiện kháng thể.
"Tại sao chỉ có 35? Vậy 504 người khác thì thế nào?" Paul Offit, người từng phát triển vaccine rota và giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, hỏi. "Dữ liệu này ổn, nhưng không thực sự tuyệt".
Oxford sau đó chọn 10 người (không phải ngẫu nhiên) để tiêm liều thứ hai và kết quả khả quan hơn. Nhưng Offit cho rằng "nếu AstraZeneca định sản xuất loại vaccine hai liều, đó chỉ là một nghiên cứu trên 10 người, trong khi họ đang nói về việc sản xuất hàng chục triệu liều". Công ty này đã ký hợp đồng sản xuất hai tỷ liều vaccine, trong đó 300 triệu liều dự kiến dành cho người dân Mỹ.
"Con đường dẫn tới loại vaccine thành công về mặt thương mại thường đi kèm với bi kịch. Đó là cái giá con người phải trả để có được bài học", ông nói.
Ở phía bên kia bán cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không mong gì hơn ngoài việc sở hữu vaccine đầu tiên an toàn và hiệu quả. Ông ấy sẽ cung cấp nó cho người dân, để đưa kinh tế và xã hội quay trở lại con đường phát triển, trong khi cho thế giới thấy Mỹ vẫn gặp khó khăn trong cuộc chiến với Covid-19.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể khai thác lợi ích nhiều hơn từ điều đó. Họ có thể sử dụng vaccine như "công cụ ngoại giao" để tăng thêm ảnh hưởng và thu hút ủng hộ từ nhiều nước. CanSino, công ty dược phẩm của Trung Quốc, đang đàm phán với một số quốc gia, trong đó có Pakistan và các nước Mỹ Latin, về việc phân phối vaccine cho nhân viên thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp, ngay cả trước khi hoàn tất thử nghiệm Giai đoạn ba. Tuy nhiên, công ty này hiện chưa đạt được thỏa thuận nào.
"Điều mà Trung Quốc tìm kiếm ở nhiều nơi chỉ là một cánh cửa và họ muốn mở cánh cửa đó", Ned Price, người từng làm việc ở Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama nói và thêm rằng sở hữu loại vaccine chưa ai có chắc chắn là con đường mở cánh cửa cho Trung Quốc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Fidler cho rằng trong vấn đề vaccine Covid-19, một số đồng minh thân cận nhất với Mỹ thậm chí cũng dễ đối mặt với lựa chọn khó khăn. "Trong bối cảnh Mỹ đã làm nhiều việc khiến đồng minh phật lòng, nếu bạn là Đức, bạn có nghĩ Mỹ sẽ kề vai sát cánh với mình không? Tôi không chắc lắm", ông nói.
Nếu chính quyền ông Tập có thể phát triển thành công loại vaccine an toàn và hiệu quả, sau đó phân phối trên toàn thế giới, ông có thể gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực công nghệ cao, như 5G.
Fidler cũng lo ngại về điều sẽ xảy ra nếu WHO thấy loại vaccine của Trung Quốc tốt nhưng FDA bác bỏ. Danh tiếng của FDA, nơi từng được xem là tiêu chuẩn vàng về quy định y tế, đã bị ảnh hưởng nhiều trong đại dịch, đặc biệt là khi cơ quan này phê chuẩn việc sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19, dưới áp lực của Trump.
Dù FDA có xem vaccine Trung Quốc là an toàn, nhiều người vẫn hoài nghi việc Trung Quốc sẽ phân phối vaccine cho Mỹ. "Tôi không chắc Trung Quốc sẽ đưa nó cho chúng tôi. Họ có rất nhiều người mua khác ngoài Mỹ. Đó là rủi ro rất lớn đối với chúng tôi", Gostin nói.
Gostin cho rằng Mỹ cũng sẽ hành động tương tự nếu phát triển vaccine thành công trước Trung Quốc. "Rất khó có khả năng Mỹ sẽ ưu tiên cho Trung Quốc trước châu Âu, châu Phi hay Mỹ Latinh, sau khi đã phân phối vaccine cho người dân. Hoặc chúng tôi có thể sử dụng nó như quân bài để đàm phán thương mại", ông nói.
Trong trường hợp Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vaccine cho Mỹ mà không có điều kiện đi kèm, nhiều người cho rằng Washington sẽ không bắt tay với Bắc Kinh. Hồi tháng 6, tướng Gustave Perna, một trong số lãnh đạo của dự án Chiến dịch Thần tốc, nói rằng Mỹ sẽ không hợp tác với Trung Quốc về vaccine.
Giới chuyên gia cũng cho rằng dù Trump là người hay thay đổi ý kiến, rất ít khả năng ông sẽ "xoay 180 độ" để xem Trung Quốc như cứu tinh và thừa nhận phụ thuộc vào Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực với FDA để từ chối phê chuẩn sử dụng vaccine của Trung Quốc tại Mỹ, bất kể nó an toàn hay không. Không riêng Trump, Fidler nhận định lưỡng đảng Mỹ có thể có chung quan điểm về vấn đề vaccine.
Điều này khiến Fidler cùng nhiều chuyên gia y tế khác lo ngại kịch bản khác xảy ra là Mỹ sẽ tăng tốc Chiến dịch Thần tốc và "đốt cháy giai đoạn" phê duyệt vaccine vì lý do chính trị.
Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở. Chính trị Mỹ dường như đã tác động rất lớn đến việc phê duyệt các phương pháp điều trị Covid-19. Đầu tiên là cấp phép sử dụng hydroxychloroquine. Sau đó, FDA hồi tháng 8 đã cho phép dùng huyết tương của những người đã nhiễm Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân, chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố tạm dừng biện pháp điều trị này.
Động thái của FDA diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa, và Trump cáo buộc FDA chậm phê duyệt phương pháp điều trị huyết tương để gây tổn hại triển vọng tái đắc cử của ông.
"Nếu mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh không thể lắng dịu trên lĩnh vực y tế, chúng tôi đang gặp rắc rối thực sự", Fidler cảnh báo.
Nga sẽ giao lô vaccine COVID-19 đầu tiên vào tháng 9 |
Mỹ sẽ sớm cho ra mắt vaccine chống Covid-19? |
Mỹ tính đến phương án dùng vaccine COVID-19 khẩn cấp |
Ngày đăng: 07:13 | 03/09/2020
/ vnexpress.net