Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dời lại hai lần vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Giả sử dịch bệnh vẫn kéo dài và học sinh chưa thể quay trở lại trường trong tháng 5 tới, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT nên tính đến phương án trao quyền cho các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh.
Pháp hủy kỳ thi tú tài để ứng phó COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, xã hội lẫn giáo dục. Một trong những biện pháp quyết liệt được các quốc gia đưa ra để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh là đóng cửa trường học. Khi việc học bị gián đoạn, nhiều nước đã tính đến các phương án lùi lịch thi, hoặc hủy bỏ những kỳ thi vốn rất quan trọng để đánh giá năng lực học sinh.
Theo Reuters, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer đã thông báo năm nay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Pháp hay còn gọi là kỳ thi tú tài (vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển đại học). Thay vào đó, học sinh có thể nhận bằng cấp dựa trên điểm số tại trường trước và sau thời gian cách ly xã hội để chống dịch.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, học sinh không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong bối cảnh trường học bị đóng cửa do khủng hoảng COVID-19. Toàn bộ trường học tại Pháp đã đóng cửa kể từ ngày 16.3 và giáo viên, học sinh đã chuyển sang học trực tuyến.
Cũng vì COVID-19, Vương quốc Anh đã hủy kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và kỳ thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao).
Bang Pennsylvania (Mỹ) thì hủy kỳ thi PSSA/Keystone. Úc hủy Chương trình đánh giá quốc gia về năng lực ngôn ngữ và số học (NAPLAN) năm nay.
Các nước như Trung Quốc, Việt Nam thì quyết định lùi kỳ thi tuyển sinh đại học, hay THPT quốc gia và chờ diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
Kịch bản nào cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 ở Việt Nam?
Ở nước ta, kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện từ năm 2015 đến nay, giảm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và hai kỳ thi tuyển sinh đại học, một kỳ thi tuyển sinh cao đẳng xuống còn một kỳ thi chung cho cả nước. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa là căn cứ để xét tốt nghiệp và các trường sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo lộ trình Bộ GDĐT công bố, kỳ thi này sẽ được duy trì đến năm 2020 và cải tiến vào năm 2021. Tuy nhiên, năm 2020 –mốc thời gian được xem là quá độ - do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhiều ý kiến đã đề xuất Bộ GDĐT nên tính đến việc thay đổi kỳ thi ngay tư năm nay.
Việc điều chỉnh được đặt ra để phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh, các trường học phải đóng cửa nhiều tháng, học sinh phải học online và học qua truyền hình... Dù rất nỗ lực, nhưng chất lượng của việc học từ xa chưa thể bằng học tập trung tại lớp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết, với tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ GDĐT đã đưa ra phương án giảm tải chương trình và công bố đề thi tham khảo với 70% kiến thức cơ bản. Khi chương trình giảm tải thì đương nhiên đề thi sẽ nhẹ nhàng hơn mọi năm, nhưng có thể dẫn đến việc phổ điểm cao hơn.
"Điều này đòi hỏi các trường đại học khi tuyển sinh phải thận trọng hơn để có thể chọn được những người xứng đáng nhất. Như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để đánh giá năng lực học sinh" - PGS Trần Văn Tớp nói.
PGS Trần Văn Tớp cũng đặt giả thiết, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài hết tháng 5 thì liệu có nên tổ chức kì thi THPT quốc gia nữa không?
Ông đề xuất Bộ GDĐT nên trao quyền cho các địa phương thực hiện xét tốt nghiệp THPT và địa phương chịu trách nhiệm với kết quả mình công bố.
Khi đó, các trường đại học sẽ phải nâng cao tính tự chủ, chủ động có phương án tuyển sinh phù hợp. COVID-19 gây ảnh hưởng, nhưng cũng là động lực thúc đẩy chuyển sang phương thức đào tạo mới, thúc ép chúng ta phải dạy học trực tuyến và công nhận hình thức đào tạo này. Và cũng có thể thúc ép các trường đại học tăng tính chủ động trong việc tuyển sinh.
Chia sẻ với báo chí, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đã thực hiện theo đúng “kịch bản” về phương án thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra. Bộ GDĐT khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh.
Dự kiến đến cuối tuần này, Bộ GDĐT sẽ đưa ra một số kịch bản về phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phù hợp các diễn biến của tình hình dịch bệnh trong thực tế. |
Ngày đăng: 09:02 | 09/04/2020
/ laodong.vn