Từ vụ vợ chồng trùm Đường - Dương lộng hành, có dấu hiệu bao che ở Thái Bình đang được dư luận quan tâm, nhà văn Nguyễn Như Phong có những cảnh báo...

 

Nhà văn Nguyễn Như Phong. Ảnh: Tùng Đinh.

Một băng nhóm tội phạm có thể hoạt động từ 6 tháng trở lên thì chắc chắn có bảo kê

Là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch bản phim với đề tài đấu tranh chống tội phạm của lực lượng công an như series "Chạy án", "Bí mật tam giác vàng", "Cổ cồn trắng"... hẳn ông phải am tường lắm về mối quan hệ giữa những cán bộ công an biến chất và các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ông nghĩ gì về mối quan hệ này?

Theo tôi biết thì các băng nhóm giang hồ, lưu manh, côn đồ hoạt động bằng các hình thức bảo kê bến bãi, buôn bán ma túy, chăn dắt gái mại dâm, thậm chí cả buôn người, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc là những loại tội phạm có tổ chức.

Lịch sử lực lượng công an trong khoảng 30 năm trở lại đây đã ghi nhận nhiều chuyên án lớn đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, hay như cách chúng ta vẫn thường gọi là "bọn xã hội đen"…

Có thể điểm ra như vụ Khánh Trắng, vụ Năm Cam... thời gian trước, hoặc gần đây nhất là các vụ côn đồ lộng hành ở Đồng Nai, Hòa Bình...

Và điển hình nhất là vụ Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương ở Thái Bình, cặp vợ chồng đang là tâm điểm của dư luận - những kẻ giang hồ, lưu manh núp bóng "doanh nhân".

 

Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương. Ảnh: NLĐ.

Có thể khẳng định một điều là, với tất cả các băng nhóm xã hội đen có thể hoạt động được trong khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên thì chắc chắn có sự bảo kê. Rõ ràng nhất là sự bảo kê của cán bộ công an hư hỏng.

Tại sao lại có thể khẳng định như vậy? Bởi vì công an có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, giữ gìn bình yên cho cuộc sống.

Vì thế công an có nghiệp vụ, có mạng lưới cơ sở bí mật, có lực lượng trinh sát... và được đào tạo, được trang bị các vũ khí, phương tiện nghiệp vụ cần thiết… Cho nên không một băng nhóm tội phạm nào hoạt động mà công an không biết cả.

Vấn đề là biết rồi nhưng có đấu tranh triệt phá không hay lại dung túng, ngấm ngầm đồng lõa với chúng; thậm chí sử dụng chúng cho những mục đích xấu mà lại núp bóng" nghiệp vụ".

Anh em cảnh sát hình sự có câu rất hay: Đấu tranh chống tội phạm hình sự phải rất triệt để. Nhưng quan trọng là phải "triệt" chỗ nào và "để" chỗ nào.

Một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, nhưng chắc chắn rằng đối với các vụ án dính dáng đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức nếu không có sự bảo kê của chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an và trong chừng mực nào đó có cả lãnh đạo chính quyền các cấp thì các băng nhóm tội phạm không thể nào tồn tại được.

Ở vụ án của vợ chồng Đường - Dương, từ tội danh ban đầu là Cố ý gây thương tích, dần dần hàng loạt tội danh khác bị khởi tố, cùng với đó là những tố cáo một số cán bộ công an bao che, trong đó có ông Cao Giang Nam, Phó trưởng Công an Thành phố Thái Bình, theo ông, liệu vụ án này có khả năng xuất phát từ những mối quan hệ kiểu như thế hay không?

Băng nhóm tội phạm Đường - Dương hoạt động từ chục năm nay chứ không phải là mới. Vậy thì tại sao nó lại hoạt động được, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa năm 2012 cho đến 2019 nó lộng hành một cách kinh khủng như thế? Đó là vì nó có thể đã được bảo kê của những cán bộ công an tiêu cực và có thể là cả những cá nhân nào đó ở chính quyền.

Không thể có chuyện công an không biết, không thể có chuyện chính quyền không biết về những hoạt động phạm tội của băng nhóm này. Chính vì thế mà tôi nghĩ, giả sử trong vụ án Đường - Dương, nếu không tìm ra được các đối tượng bảo kê cho băng nhóm tội phạm hoạt động thì là một sự thất bại hết sức cay đắng của chuyên án.

 

Nhà văn Nguyễn Như Phong: "Nếu không tìm được ai bao che, bảo kê cho vợ chồng giang hồ Đường - Dương thì sẽ là thất bại". Ảnh: Tùng Đinh.

Vụ này giải thích rất đơn giản, nếu không có cán bộ bảo kê "nó" không thể lộng hành một cách ngang nhiên như thế được. Đặc biệt là gần một năm rưỡi nay "nó" như kền kền ăn xác chết, mỗi một thi hài người ta mang đi hỏa táng ở Nam Định "nó" ăn 500 nghìn.

Suốt một thời gian dài như thế, tại sao công an ở đâu mà không biết? Tại sao người dân đã phản ánh, tố cáo nhưng không xử lý? Tóm lại là đối với những hành vi phạm tội trong vụ án này nếu nói công an không biết thì không ai nghe.

Bây giờ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình rất cứng rắn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã có những chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm đối với vụ việc này cho nên chắc chắn cơ quan điều tra sẽ phải tìm ra.

Những tội danh Cố ý gây thương tích, Cưỡng đoạt tài sản đã khá rõ ràng, còn những tội danh khác như trốn thuế, hối lộ… cũng cần phải được ban chuyên án triển khai điều tra làm rõ.

Thực ra thì tìm ra và làm rõ đối với vụ án này không khó, vấn đề là có đủ dũng cảm để “tìm ra” có ai đứng đằng sau để bảo kê hay không, có đủ dũng cảm để nhìn nhận những tồn tại như một sự khuyết tật của công tác quản lý giám sát hay không mà thôi.

Theo tôi, để tạo thế và lực cho Công an tỉnh Thái Bình thì nên có sự vào cuộc của Bộ Công  an, của Cục điều tra hình sự Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và cả Ủy ban kiểm tra Trung ương… Vì nó sẽ liên quan đến những người đứng đầu tỉnh trong khoảng 10 năm.

Chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm bằng những khái niệm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, chúng ta cũng có những đánh giá “cơ quan điều tra Việt Nam thuộc diện giỏi nhất thế giới", tuy nhiên, với việc để cho những băng nhóm như Đường - Dương hoạt động trong một thời gian dài như thế, liệu có phải có những nguyên nhân khác như bọn chúng quá tinh vi hay không?

Theo Công ước La Hay, khái niệm về mafia được định nghĩa bởi 3 yếu tố. Thứ nhất đó là một băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, có phân công trách nhiệm, có ăn chia lợi nhuận bằng các hoạt động tẩy rửa tiền, buôn người, buôn bán ma túy. Thứ hai là thao túng được chính quyền. Thứ ba là thao túng được báo chí.

Nếu đối chiếu theo những tiêu chí mafia đó thì băng nhóm tội phạm có tổ chức Đường - Dương ở Thái Bình chưa hội đủ hết...

Tuy nhiên, nếu xét theo thực tế những gì mà băng nhóm này đã làm và làm được thì đây đích thực là một tổ chức mafia theo kiểu Việt Nam.

Bởi vì chúng có hai yếu tố quan trọng, đó là: Chúng thao túng được một bộ phận chính quyền, được một bộ phận chính quyền bảo kê và thao túng được một bộ phận báo chí. Chính vì thao túng được một bộ phận chính quyền nên mới có thể tồn tại được ngần ấy năm. Chính vì thao túng được một bộ phận báo chí nên mới có nhiều bài báo viết về cặp vợ chồng này như hát hay, ca ngợi lên đến tận mây xanh...

Sự tồn tại và lộng hành của Đường - Dương trong suốt gần chục năm - đặc biệt là trong giai đoạn từ 2017 đến 2019 thì chắc chắn chúng đã được ai đó "che chở"...

Chúng hoạt động không tinh vi, mang tính côn đồ, lưu manh rất rõ ràng, cũng từng bị báo chí lên tiếng, cảnh báo về các hoạt động của chúng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chính quyền các cấp đã làm ngơ, thậm chí dung túng…

 

Có thể nói rằng là các băng nhóm mafia ở Việt Nam về quy mô so với mafia Trung Quốc, Nga, Mỹ, Italia, Nhật Bản… thì tội phạm có tổ chức ở Việt Nam không là cái gì. Công an Việt Nam mình cũng đã đấu tranh một cách rất có hiệu quả đối với các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức.

Thực tế là các băng nhóm tội phạm có tổ chức thành mạng lưới và liên kết với mafia quốc tế ở Việt Nam mình không có.

Vì vậy, tội phạm có tổ chức ở Việt Nam quy mô cực kỳ nhỏ và thường không tồn tại được lâu vì đến khi bị phát giác thì không bị cấp này đánh thì cấp kia cũng đánh.

Theo nhà văn Nguyễn Như Phong, vụ Đường - Dương là một băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Bản chất của bao che, bảo kê là tiền, là lợi ích

Là một nhà văn và kinh qua nghề báo nhiều năm, tiếp xúc nhiều với các vụ đại án theo ông, bản chất của những hành vi bảo kê, bao che, dung túng cho tội phạm là gì?

Có một loại tội phạm hình thành từ sự liên kết với những người có chức có quyền trong bộ máy. Loại tội phạm này cũng rất nguy hiểm mà chúng ta vẫn thường gọi là lợi ích nhóm...

Lợi ích nhóm là loại tội phạm "cổ cồn trắng". Khác với các băng đảng, băng nhóm mafia, khác với các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Loại tội phạm lợi ích nhóm này chúng bóp méo khuôn khổ của pháp luật, làm hỏng chính sách của Đảng, Nhà nước…

Chỉ có tiền và lợi ích thôi. Nếu như không phải là máu mủ, ruột thịt thì chỉ có tiền. Trong trường hợp bảo kê tội phạm hoặc thực hiện các hành động phạm tội thì yếu tố tiền là quan trọng nhất. Điều nguy hiểm là lợi ích ngày càng biến thể một cách hết sức tinh vi.

Tôi lấy ví dụ, có một loại tội phạm ảo, tội phạm lợi dụng ảnh hưởng của người khác đã được nghiên cứu và chỉ ra từ năm 1998 nhưng lại không nhiều người biết và cũng ít kẻ bị pháp luật trừng trị bởi vì chúng ngày càng phát triển và tinh vi hơn. .

Chúng ta vẫn thường nghe câu "nghe nhạc hiệu đoán chương trình", loại tội phạm này cũng vậy. Có một ông quan nào đấy, ông ấy sống rất liêm khiết, một ngày, có một thằng nó đến với ông ấy hoàn toàn theo kiểu tình cảm bình thường. Nó không nhờ vả gì ông ấy cái gì, nhưng chính vì nó không nhờ nên ông ta mất cảnh giác.

Dần dần khi đã thành người thân quen, trở thành “người nhà” mà ông quan kia yêu quý, tin tưởng, không bao giờ nghĩ nó là người xấu thì nó thành công.

Những người khác khi nhìn vào sự thân tình của nó với ông quan kia, nhìn vào mối quan hệ thì biết nó là cái loại như thế nào và người ta sẽ phải có sự ứng xử phù hợp.

Có lẽ vì thế mà những đối tượng này thích chụp ảnh với lãnh đạo. Trở lại với câu chuyện của vợ chồng Đường - Dương cũng vậy. Dương có những bức ảnh, treo ở phòng khách, chưa biết bản chất như thế nào nhưng nhìn là cứ thấy oai đã.

Chả biết nó làm cái gì, công lao gì, chỉ thấy tươi cười hớn hở và bắt tay. Người ta chỉ biết nó có làm từ thiện, còn không ai đi truy lấy đâu ra tiền làm từ thiện? Vì đó có thể là tiền nó đi trấn lột, đi cướp, tiền cho vay nặng lãi... Nó có tiền bây giờ nó đánh bóng tên tuổi, dùng cái đồng tiền này làm từ thiện chứ không phải nó lấy tiền do sức lao động của mình.

Người ta không nghĩ cái điều như thế, không ai tính cái điều như thế. Kể cả báo chí cũng không ai vạch ra hỏi, rằng chị lấy đâu ra tiền làm từ thiện? Rồi thấy số tiền lớn thế là xúc động. Cái loại tội phạm đấy hiện nay khá nguy hiểm.

"Thấy làm từ thiện thì tung hô mà không thử tìm hiểu xem tiền từ thiện đó ở đâu ra", nhà văn Nguyễn Như Phong. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Đồng tiền có quyết định được tất cả?

Ông đánh giá như thế nào về những mối lo ngại của xã hội khi tội phạm ngày càng biến thể thành nhiều dạng tinh vi như thế?

Đó là điều quá nguy hiểm. Khi các băng nhóm tội phạm được bảo kê nó làm bại hoại đạo đức, bại hoại lối sống, làm cho kinh tế không phát triển được. Những băng nhóm tội phạm có tổ chức không phải là tổ chức phản động, không phải tổ chức chống phá Nhà nước nhưng mà nó làm cho người dân trong xã hội không lúc nào cảm thấy an toàn. Nó giống như lúc đang ngủ bị muỗi đốt ấy, chúng ta phải tự tay vả vào mặt mình, muỗi chả chết lại rát hết cả mặt.

Đây là một vấn đề rất lớn. Một khi cán bộ công quyền bảo kê cho tội phạm thì nó bóp méo các khuôn khổ của luật pháp, chà đạp lên các chuẩn mực đạo đức của xã hội, nó làm tha hóa, hư hỏng cán bộ...

 

Một xã hội mà người dân luôn trong tình trạng nơm nớp bất an thì khó có thể nói đó là xã hội lành mạnh. Một xã hội mà "người ngay sợ kẻ gian", "thầy giáo sợ học trò", "công an sợ tội phạm" thì rất nguy. Niềm tin xã hội chắc chắn sẽ bị giảm sút.

Nhà văn Nguyễn Như Phong

 

"Cán bộ công quyền bao che tội phạm sẽ bóp méo khuôn khổ luật pháp", nhà văn Nguyễn Như Phong. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Có một thực tế trong thời đại công nghệ 4.0, nhan nhản những bộ phim về đạo nghĩa giang hồ, lối sống giang hồ biến những nhân vật giang hồ mạng trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ. Những Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Đường - Dương... được một bộ phận giới trẻ tung hô trên mạng xã hội nhưng thực chất ở thế giới thực là nghiện hút, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản, hành hung người khác... Ông nghĩ sao?

Giang hồ nó có quy tắc riêng của nó, có lối sống riêng của nó, cách hành xử riêng của nó. Những kẻ giang hồ thường có tố chất tương đối giống nhau, đó là khá coi trọng nghĩa khí. Nếu không có nghĩa khí, không có tính chất hảo hán một chút thì đừng nói chuyện giang hồ. Trong một chừng mực nào đó nó phải dám xả thân vì người khác. Đó là đạo nghĩa giang hồ thực sự.

Còn vấn đề gần đây trên mạng xã hội người ta hào hứng tung hô hình ảnh của đám giang hồ vặt và một số lượng rất đông các bạn trẻ xông vào bình luận rất hào hứng lại là vấn đề của xã hội.

Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu như trong cái vụ Đường - Dương mà không có chuyện “ăn” xác chết thì có khi sẽ khối người bênh vực đấy. Chẳng qua vì “ăn” xác chết một cách bẩn tưởi quá cho nên là không ai dám bênh vực, không ai dám lên tiếng khác.

Chuyện mạng xã hội tung hô những nhân vật như thế biểu hiện cho sự xuống cấp về đạo đức, xuống cấp về chuẩn mực văn hóa của một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là lớp trẻ.

Tôi nghĩ rằng, lớp trẻ bây giờ có thể nói là đang mất phương hướng. Nói xa một chút thời bọn tôi, lớp trẻ phải học thật giỏi để phụng sự tổ quốc. Đi bộ đội không được đảo ngũ, phải chiến đấu, phải có lý tưởng cách mạng...

Vậy nhưng thử nhìn bây giờ mà xem. Lý tưởng của đa số  giới trẻ bây giờ là kiếm nhiều tiền. Tại sao lại đến mức như vậy? Bởi vì khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải chấp nhận quy luật của đồng tiền. Trong quy luật đó, đồng tiền sẽ có tiếng nói quyết định tất cả. Quyết định cả lối sống, cả tiêu chuẩn đạo đức…

Theo nhà văn Nguyễn Như Phong, muốn chống các băng nhóm tội phạm có tổ chức cần cả biện pháp quy trách nhiệm người đứng đầu. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Theo ông, giải pháp để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, để pháp luật thực sự thượng tôn, để những đấu tranh tiêu cực, đấu tranh với tội ác không bị những thế lực bao che, cản trở là gì?

Về biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với những vụ việc như Đường - Dương thì tôi nghĩ lực lượng công an có từ lâu rồi. Vấn đề là có làm hay không thôi.

Như việc bảo kê, bao che chẳng hạn. Tôi nhớ có một giai đoạn từ năm 1985 đến 2010 Công an tỉnh Nam Định đã đấu tranh với tội phạm hình sự rất giỏi.

Họ quy định, nếu xảy xa băng nhóm tội phạm có tổ chức ở địa bàn phường thì kỷ luật ông Trưởng Công an phường. Nếu băng nhóm tội phạm này mà phường đã báo lên nhưng Công an Thành phố không xử lý được thì kỷ luật Công an Thành phố. Cứ thế quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Rất đơn giản mà lại hiệu quả.

Tức là muốn chống các băng nhóm tội phạm có tổ chức thành công thì phải quy bằng được trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu lực lượng công an địa bàn đó. Tiếc là điều này mình chưa làm được triệt để.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh

Từ vụ Nguyễn Xuân Đường, lộ lỗ hổng trong đấu giá đất ở Thái Bình
Đường "Nhuệ" - giang hồ núp bóng doanh nhân
Tỉnh Thái Bình thông tin ban đầu về vụ Đường “Nhuệ” ăn chặn tiền hỏa táng
Điều động công tác chủ tịch huyện ở Thái Bình có vợ liên quan đến vụ án Đường "Nhuệ"
Đường Dương làm loạn ở địa phương, hội đồng nhân dân 2 cấp không hề hay biết?
Những ngộ nhận về vợ chồng đại gia Dương - Đường

 

Ngày đăng: 14:59 | 27/04/2020

/ nongnghiep.vn