Tuần cuối tháng 11, hệ thống đo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy 6 trên 7 ngày chất lượng không khí thành phố ở mức kém.
10h ngày 30/11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại trạm đo đường Phạm Văn Đồng là 172, điểm tại Đại sứ quán Pháp là 173, điểm đo Hàng Đậu là 177, tức đều ở mức xấu.
Trong khi đó điểm đo đặt tại Đại sứ quán Mỹ chỉ số AQI là 182. Cùng lúc này, trang Airvisual công bố chỉ số AQI tại khu vực hồ Tây lên tới 216 (mức rất xấu), khu vực Sài Đồng (Long Biên) là 196.
Bầu trời khu vực Cầu Giấy mù mịt. Ảnh: Gia Chính |
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tuần từ 22/11 đến 29/11 chủ yếu do bụi mịn PM2.5 và mức độ nghiêm trọng hơn tuần trước.
"Trong số đô thị, giá trị trung bình 24 giờ PM2.5 tại Hà Nội cao nhất, có đến 6 trên 7 ngày vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu mức kém và đã đến ngưỡng xấu", báo cáo của Tổng cục Môi trường nêu. TP Đà Nẵng và Huế chỉ số PM2.5 thấp hơn so với quy chuẩn Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Trì (Phú Thọ) có 4 trên 7 ngày chất lượng không khí ở mức xấu, TP HCM tuần qua chỉ có một ngày. Kết quả thống kê chỉ ra thời điểm từ đêm đến sáng mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao.
"Trong những ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, luôn đeo khẩu trang chống bụi mịn và hạn chế mở cửa nhà", Tổng cục Môi trường khuyến cáo.
Diễn biến chỉ số AQI tại Hà Nội tuần từ 22 đến 29/11. |
PGS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội như hiện tại là đặc thù của thời tiết.
"Các nguồn phát thải ô nhiễm trong khu vực như giao thông, xây dựng về cơ
bản có thể xem là không thay đổi trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, mấy ngày nay điều kiện khí tượng không thuận lợi cho việc khuếch tán", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng gió mùa đông bắc có thể mang bụi từ nơi khác tới, qua đó có thể góp phần làm gia tăng ô nhiễm không khí. Ngoài ra, bụi thứ cấp được hình thành trong quá trình tổng hợp từ các nguồn thải khác làm tăng chỉ số PM2.5.
"Tuy nhiên, để có thể đánh giá được một cách đầy đủ, chính xác và định lượng, cần phải có đủ số liệu đo với độ tin cậy tốt", ông Dũng nói thêm.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, cho rằng cần xác định thời tiết hay hiện tượng nghịch nhiệt chỉ là điều kiện làm tăng hoặc giảm mức độ ô nhiễm, chứ không phải là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.
"Việc cần làm là xác định nguồn do hoạt động giao thông, sản xuất hay nguồn từ các tỉnh thành lân cận gây ra", ông Tùng nói và cho rằng cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp nghiên cứu khoa học để đưa ra con số cụ thể.
Từ đầu năm 2019, Hà Nội xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí:
Đợt 1 kéo dài 16 ngày (từ 11/1 đến 26/1): Trong đó, chỉ số AQI trung bình 24 giờ tại trạm Phạm Văn Đồng cao nhất trong các trạm và đạt trên 140.
Đợt 2 kéo dài 17 ngày (từ 11/3 đến 27/3): Trong đó, chỉ số AQI trung bình 24 giờ tại trạm Phạm Văn Đồng cao nhất trong các trạm và đạt 140.
Đợt 3 kéo dài 27 ngày (từ 12/9 đến 3/10): Trong đó, chỉ số AQI trung bình 24 giờ tại trạm Đại sứ quán Mỹ cao nhất trong các trạm và đạt trên 100.
Đợt 4 (từ ngày 1/11 đến hiện tại): Trong đó, chỉ số AQI trung bình 24 giờ tại trạm Minh Khai (Bắc Từ Liêm) cao nhất trong các trạm và đạt trên 100.
Theo quy định, chỉ số AQI 0-50 là tốt; 51-100 trung bình; 101-150 kém; 151-200 xấu; 201-300 rất xấu; 301-500 nguy hại. |
Mưa 2 ngày, không khí ở Hà Nội được cải thiện, ra khỏi top ô nhiễm thế giới
Sau một tuần không khí ô nhiễm nặng, sáng 14/11, chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện rõ rệt, chỉ số AQI ... |
Ảnh: Hà Nội mịt mù trong lớp sương mờ ô nhiễm
Trưa 13/11, dù trời có mưa nhỏ nhưng không khí tại Hà Nội vẫn mịt mù bụi, cả thành phố như chìm trong lớp sương ... |
Đến bao giờ chất lượng không khí ở miền Bắc mới được cải thiện?
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến ngày 13.11, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, ... |
Ngày đăng: 17:57 | 30/11/2019
/ vnexpress.net