Ngày 6/12 Ủy ban quốc gia trẻ em và Tổng đài 111 đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm cũng như đánh giá rất cao của dư luận xã hội. Trước đó, rất nhiều kế hoạch, cam kết và cả quyết tâm đã được các bộ, ngành đoàn thể đưa ra để tạo cho trẻ em một môi trường sống lành mạnh, không có bạo hành, không có xâm hại.
Tuy nhiên tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn nan giải. Và rồi, dù rất đồng tình, hoan nghênh với sự kiện này, nhưng vẫn có những tâm tư, lo lắng...
Đem lại cho trẻ em một môi trường sống lành mạnh và an toàn (Ảnh: Trần Thường).
Đánh giá về công tác bảo vệ trẻ em, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm phòng ngừa và giải quyết bạo lực, xâm hại trẻ em.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định các biện pháp nghiêm khắc xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em,...
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hàng năm, trung bình vẫn còn hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do đuối nước và trẻ em bị xâm hại. Điều đáng buồn có rất nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận nhưng vẫn chưa có giải pháp để hạn chế vấn nạn trên.
Việc thành lập Tổng đài 111 là một việc làm cần thiết lúc này nhằm kịp thời hạn chế những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em đáng tiếc xảy ra.
Thực tế sau 13 năm đi vào hoạt động, đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã trở thành công cụ hữu hiệu bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Rất nhiều trẻ em bị buôn bán đã được giải cứu, trẻ em bị bạo hành, xâm hại đã được bảo vệ.
Dù vậy đường dây Tư vấn vẫn chưa thực sự đem lại cho trẻ em một môi trường sống lành mạnh và an toàn.
Bằng chứng là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại gây bức xúc dư luận.
Về xâm hại trẻ em, thống kê của Bộ Công an cho biết, có 4.100 vụ xâm hại trẻ em, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã có gần 800 vụ. Đáng buồn chỉ có 10 vụ được đưa ra xét xử.
Chúng ta đã có một hành lang pháp lý, chính sách để bảo vệ trẻ em, chúng ta đã phẫn nộ, bức xúc, lên án...nhưng tại sao lại không bảo vệ trẻ em trước xâm hại, bạo hành?
Rất nhiều nguyên nhân đã được ngành chức năng nhận diện như: Hệ thống, một số quy định của luật pháp Việt Nam chưa tương thích với pháp luật quốc tế, chưa thực sự tạo điều kiện cho công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến trẻ em.
Hay do đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp trong một bộ phận người dân, không am hiểu pháp luật, cố tình chà đạp lên những giá trị và nhân cách...
Rất nhiều các nguyên nhân khác nữa cũng được nhận diện nhưng có một nguyên nhân ít được đề cập hoặc thường được “lờ” đi đó là chúng ta hô hào, kêu gọi nhiều hơn hành động!
Qua thực tiễn thực thi pháp luật cho thấy, dù có nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin nhưng chỉ có một vài cơ quan có thực quyền để xử lý khi trẻ bị xâm hại, đó là cơ quan bảo vệ trẻ em thuộc ngành LĐTB&XH và ngành công an. Khi vụ việc đến mức xử lý hình sự thì có thêm sự tham gia của VKSND và TAND.
Các cơ quan còn lại, khi tiếp nhận thông tin đều không thể xử lý mà phải chuyển lên cơ quan có thực quyền. Việc tiếp nhận thông tin rồi chuyển đi, chuyển lại rõ ràng là không hiệu quả và làm cho những kẻ gây ra các hành vi xâm hại nhờn luật.
Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em hầu như chỉ hoạt động bề nổi, không có tính thực tiễn.
Nhiều trường hợp tuyên truyền rầm rộ nhưng vẫn mang nặng văn bản, khẩu hiệu, hệ quả là hết đợt thì người dân chẳng nắm được mấy nội dung.
Đây chính là những nguyên nhân khiến việc nhận diện các hành vi vi phạm quyền trẻ em chưa được người dân quan tâm.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội không phải do bộ, ngành hay địa phương nào, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn cho rằng bảo vệ trẻ em là trách nhiệm, hay nghĩa vụ của ai đó.
Tư duy này đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về quyền trẻ em diễn ra lâu nay.
Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần phải xắn tay vào hành động thực sự, để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm nói trên. Nếu không, dù Tổng đài có ngắn, có dễ nhớ đến đâu, cũng dễ bị rơi vào... tình trạng nguội lạnh.
Tù giam và bản án lương tâm sẽ trừng phạt người cha, mẹ kế ác hơn cả hổ dữ Hành vi bố ruột, mẹ kế hành hạ con mình là bé T.G.K đã xâm phạm một loạt các quy định của pháp luật, vi ... |
Bộ Lao động khai trương tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được hình thành nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo hành, xâm ... |
Ngày đăng: 13:00 | 09/12/2017
/ Lê Minh Long/Đại Đoàn Kết