Chuyên gia địa chất, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển bày tỏ lo ngại, nếu không nghiên cứu kỹ, việc tháo dỡ cầu xây dựng trái phép sẽ khiến di sản UNESCO Tràng An bị xâm hại nặng nề hơn.
Công trình trái phép xuyên vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: Nguyễn Trường
PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết doanh nghiệp xây dựng cầu ở di sản Tràng An là việc bất chấp cả luật quy định. Hiện nay, tất cả các cơ quan chức năng đang cố gắng để xử lý nhằm hạn chế những thiệt hại nhưng đừng hy vọng khôi phục nguyên trạng vùng di sản.
Theo ông, trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương và ban quản lý di sản Tràng An. "Chắc chắn UNESCO sẽ có ý kiến khiển trách, phê bình Việt Nam", ông nói.
Chuyên gia địa chất khẳng định, để đưa Tràng An trở lại với vẻ đẹp nguyên sơ, nhất định phải tiến hành công tác phá dỡ công trình sai phạm. Đáng tiếc là các cơ quan chính quyền đã không kịp thời ngăn chặn mà để xảy ra việc đã rồi mới xử lý thì chắc chắn sẽ có hậu quả.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nói, việc để doanh nghiệp tháo dỡ công trình nếu không cẩn trọng, di sản Tràng An sẽ bị xâm hại nặng nề hơn. Ông phân tích thêm: "Khi xây dựng, doanh nghiệp đã dùng máy móc bạt đá để cắm bê tông vào núi. Tại khu vực núi Cái Hạ điển hình là một vùng cát-tơ đá vôi, dễ bị tổn hại nếu tác động".
"Khi đã đổ bê tông lên thì địa hình cát-tơ sẽ bị xâm hại vĩnh viên, không thể khôi phục. Không nên hy vọng khôi phục được nguyên trạng ban đầu nơi bị xâm hại. Điều đó là không thể", ông bày tỏ.
Ngoài ra, khi tháo dỡ cầu xuyên lõi, núi sẽ trơ ra những phần đã bị xâm hại thô bạo trước đó. Rút những thanh bê tông cốt thép cắm sâu vào núi đá sẽ lộ ra những lỗ cọc, thậm chí gây nứt nẻ thêm. Nếu tháo dỡ công trình không cẩn thận, việc xâm hại di sản Tràng An càng trầm trọng hơn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển cho rằng UBND tỉnh Ninh Bình cần thành lập hội đồng thẩm định phương án tháo dỡ cầu xuyên lõi. Hội đồng bao gồm các chuyên gia về địa chất, địa mạo, di sản, kiến trúc xây dựng. Tổ chức này sẽ họp bàn tháo dỡ công trình ở mức độ nào, quy trình tháo dỡ ra sao để hạn chế tổn hại ở mức thấp nhất đến di sản và an toàn lao động.
“Những khối bê tông làm hoành tráng mà giờ họ đục đẽo, vận chuyển xuống, tôi rất e rằng sẽ xâm hại thêm di sản ở phía dưới. Nhưng dù sao vẫn phải tháo dỡ để răn đe cho các doanh nghiệp khác. Không bao giờ có chuyện phạt rồi để công trình tồn tại”, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển nhấn mạnh.
Ninh Bình: Hàng trăm hộ dân ngăn cản việc cắm biển cấm tại Khu du lịch Tràng An cổ
Sáng 24.3, hàng trăm hộ dân tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình đã kéo đến khu vực cổng Khu du dịch Tràng ... |
Tháo dỡ công trình xâm hại lõi Tràng An: Ai thêm tội?
Việc phá đi thì dễ nhưng chuyển lượng bê tông cốt thép bị tháo dỡ xuống chân núi là cả một quá trình khó khăn. |
Ngày đăng: 14:42 | 28/03/2018
/ https://laodong.vn