Trump tỏ thái độ thù địch với Iran ngay sau khi nhậm chức và ngày càng gia tăng áp lực đối với quốc gia Trung Đông này. 

iran cai gai trong mat trump ke tu khi nam quyen

Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng hồi tháng hai. Ảnh: AFP.

Kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Tehran bước vào thời kỳ thù địch kéo dài với Washington. Tuy nhiên, quan hệ song phương trở nên tan băng dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama, khi hai quốc gia và các cường quốc thế giới ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đó Iran kiềm chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt.

Nhưng mọi việc lại chuyển biến theo chiều hướng xấu kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ. Sau khi nhậm chức, Trump đã lên án gay gắt Iran trong các bài phát biểu quan trọng. Ngày 21/5/2017, tại Arab Saudi, Trump kêu gọi các lãnh đạo Trung Đông hợp tác để cô lập Iran "cho đến khi chính quyền Iran sẵn sàng trở thành đối tác vì hòa bình".

"Từ Lebanon, Iraq cho đến Yemen, Iran đã tài trợ, cung cấp vũ khí, huấn luyện những kẻ khủng bố, dân quân và các nhóm cực đoan gieo rắc sự hủy diệt và hỗn loạn trên toàn khu vực", ông nói.

Ngày 19/9/2017, trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Trump nói chính quyền Iran đã "biến một quốc gia giàu có với lịch sử và văn hóa phong phú thành một quốc gia bất hảo, kinh tế không ổn định với 'mặt hàng' xuất khẩu chính là bạo lực và hỗn loạn".

Trump ngày 8/5/2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dù Tehran không có vi phạm gì, sau khi ông tự đánh giá rằng đây là "thỏa thuận tệ nhất mọi thời đại" và "hành vi hung hăng của Iran trong khu vực", vốn không liên quan gì tới thỏa thuận này.

Theo các bình luận viên Steven Simon và Jonathan Stevenson, trong cả chính sách và giọng điệu của mình, Trump luôn coi Iran là "cái gai trong mắt". Ông không chỉ muốn kiềm chế sức mạnh của Iran mà còn muốn cắt giảm sự hiện diện của họ ở Trung Đông, phong tỏa ảnh hưởng của họ bên ngoài biên giới, tước bỏ những vũ khí chiến lược của Tehran và thậm chí còn ám chỉ tới việc thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Sau khi cảnh báo Iran có thể đối mặt với "những hậu quả ít người từng biết đến trong lịch sử", Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran và các công ty liên quan đến họ. Washington cảnh báo các nước khác phải chấm dứt giao dịch thương mại, đầu tư vào Iran và ngừng nhập khẩu dầu từ họ nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Washington ngày 7/8/2018 áp đặt gói trừng phạt với Iran, nhắm vào tài chính, nhập khẩu nguyên liệu thô, giao dịch trong lĩnh vực xe hơi và hàng không thương mại. Mỹ tung ra gói trừng phạt thứ hai vào ngày 5/11/2018, nhắm vào xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển - các lĩnh vực chủ chốt của Iran. Nhà Trắng mô tả đây là lệnh trừng phạt "khắc nghiệt chưa từng có" với Tehran.

Ngày 8/4/2019, Mỹ tuyên bố Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran, là "tổ chức khủng bố". Lực lượng đặc nhiệm viễn chinh Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cũng bị liệt vào danh sách đen. Đáp trả, Iran gọi Mỹ là "nước tài trợ khủng bố" và các lực lượng của họ trong khu vực là "các nhóm khủng bố".

Ngày 22/4, Trump tuyên bố chấm dứt cơ chế miễn trừ đã cho phép 8 quốc gia mua dầu của Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Hai tuần sau, Iran ngày 8/5 đe dọa sẽ đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, bao gồm hạn chế về khối lượng uranium làm giàu và sửa đổi lò phản ứng nước nặng Arak vốn được thiết kế để ngăn việc sản xuất plutonium như sản phẩm phụ.

Phớt lờ các cảnh báo của Iran, Trump tiếp tục siết chặt gọng kìm với kinh tế nước này bằng cách công bố biện pháp mới nhắm vào ngành khai thác mỏ và thép của Iran. Đầu tháng 5, Washington triển khai thêm quân tới Trung Đông, cáo buộc Iran có kế hoạch tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ.

4 tàu chở dầu ngày 12/5 bị hư hại trong cáccuộc phá hoại bí ẩn ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Washington và Riyadh đổ lỗi cho Iran trong khi Tehran bác bỏ cáo buộc.

Ngày 13/6, hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman. Trump và Arab Saudi tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ phá hoại. Tehran phủ nhận có liên quan và bày tỏ nghi ngờ Mỹ gây ra vụ tấn công để đổ lỗi cho họ nhằm gia tăng áp lực.

Một tuần sau, Iran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của Mỹ, cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran gần Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói rằng máy bay này hoạt động ở vùng trời quốc tế.

Trump ngày 20/6 ra lệnh không kích vào ba địa điểm quân sự của Iran để trả đũa nhưng sau đó hủy chiến dịch. Trump giải thích rằng khi được các tướng thông báo 150 người Iran có thể bị giết, ông cảm thấy "không đáng" khi gây ra thương vong lớn như vậy vì một sự cố không có thiệt hại về người. Ông cảnh báo Iran sẽ bị xóa sổ nếu xung đột với Mỹ nhưng nhấn mạnh rằng ông không muốn chiến tranh.

Ngày 24/6, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các lãnh đạo quân sự cấp cao của nước này. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ nhắm mục tiêu vào 8 chỉ huy hàng đầu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và đưa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào danh sách đen. Zarif từng là "kiến trúc sư trưởng" thiết lập thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Behnam Ben Taleblu, chuyên gia từ Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, dự đoán rằng căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ tiếp tục leo thang vì Washington ngày càng gây sức ép và Tehran sẽ có động thái quyết liệt.

"Iran có thể tính toán rằng Mỹ sẽ không có đòn đáp trả gì nặng hơn lệnh trừng phạt. Lối suy nghĩ đó có thể đúng vào thời điểm hiện giờ, nhưng tình hình sẽ thay đổi nếu Mỹ cho rằng sự leo thang của Iran đặc biệt nghiêm trọng và tiến hành phương án quân sự", ông nói.

Phương Vũ (Theo AFP)

iran cai gai trong mat trump ke tu khi nam quyen Iran hoàn thành nâng cấp F-14 trong tình hình nóng

Theo AMN, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vừa tuyên bố hoàn thành gói nâng cấp toàn bộ phi đội F-14 ...

iran cai gai trong mat trump ke tu khi nam quyen Radar siêu khủng Iran khiến tiêm kích tàng hình Mỹ lộ diện

Khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ được lệnh sẵn sàng chiến đấu thì nguy cơ Washington tấn ...

Ngày đăng: 15:05 | 25/06/2019

/