Hút vài điếu thuốc mỗi ngày vẫn gây tổn thương cho phổi không thua gì so với hút cả gói, theo nghiên cứu mới của Đại học Colombia.
Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet ngày 9/10, dựa trên phân tích dữ liệu của 25.000 người Mỹ từ 17 đến 93 tuổi. Nhóm nghiên cứu ghi nhận về lượng thuốc mỗi người hút, thông tin về sức khỏe, nhân khẩu học và lối sống. Các tình nguyện viên cũng trải qua bài kiểm tra hô hấp, đánh giá chức năng phổi bằng cách đo lượng không khí thở ra trong vòng một giây cũng như tổng lượng khí phổi có thể đẩy ra ngoài sau khi hít thở sâu. Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi trong 20 năm, có ít nhất một bài kiểm tra hô hấp.
Khi nghiên cứu bắt đầu, có 10.000 người chưa từng hút thuốc, 7.000 người đã bỏ thuốc, 5.800 người còn phân vân giữa hút và bỏ, 2.500 người hút thường xuyên. Qua thời gian, các nhà nghiên cứu nhận thấy cả những người còn hút thuốc và đã bỏ đều có phổi yếu hơn so với những người chưa từng hút thuốc. Không có sự khác biệt lớn giữa phổi của những người hút ít và hút nhiều.
Theo nghiên cứu, hút dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày gây tổn thương phổi bằng 2/3 lần tác hại của việc hút hơn 30 điếu. Nói cách khác, nếu người nghiện thuốc lá nặng mất chức năng phổi sau một năm thì người hút ít cũng sẽ phải chịu cảnh tương tự sau 9 tháng.
Chức năng phổi sẽ bị suy giảm theo tuổi tác. Tuy nhiên hút thuốc đã đẩy nhanh quá trình này, khiến người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các vấn đề khác về hô hấp.
Nhóm nghiên cứu khuyên mọi người nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, bởi hàng chục năm sau khi bỏ thuốc, phổi của người hút vẫn chưa thể phục hồi. Tiến sĩ Elizabeth Oelsner, thành viên nhóm nghiên cứu, bác sĩ nội khoa của Trung tâm Y tế Irving, Đại học Colombia, cho biết những rủi ro sức khỏe do thuốc lá không bao giờ biến mất hoàn toàn. Trong thời gian nghiên cứu, nhiều người không thể thực hiện bài kiểm tra hô hấp vì không đủ sức khỏe. Chức năng phổi có thể bị suy giảm vì các bệnh phổi hoặc hít phải khói thuốc từ người khác, nhưng hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất.
Tiến sĩ Oelsner khuyên: "Theo nhiều cách khác nhau, thông điệp quan trọng nhất vẫn là hút thuốc lá cực kỳ có hại cho phổi và tránh hút thuốc là điều tuyệt nhất bạn có thể làm."
Hoài Thu (Theo Time)
4 việc cần làm sau bữa ăn giúp bạn cả đời sống khỏe, trường thọ
Theo y học Trung Quốc, khoảng nửa giờ sau bữa ăn là “thời kỳ vàng để chăm sóc sức khỏe”, muốn sống thọ, sống khỏe ... |
Bí quyết sống khỏe tuổi 95 của cựu tổng thống Jimmy Carter
Ông Carter vẫn giữ niềm đam mê thể thao từ thời trẻ, ăn nhiều rau ít thịt, tích cực làm từ thiện ở tuổi 95. |
Ngày đăng: 13:00 | 15/10/2019
/ vnexpress.net