Tôi đã đi lòng vòng xung quanh nhà vài tuần, lặp đi lặp lại: “Con muốn có một chiếc xe đạp cảnh sát vào Giáng sinh. Con muốn có một…”.
Khoảng sáu tuổi, tôi phát hiện ra một phương pháp rất hay, đó là nếu tôi tập trung vào cái gì đó, tôi có thể có được nó. Vì vậy, tôi đã ra sức lải nhải "câu thần chú" trên, hy vọng rằng bố, mẹ, hay ông già Noel sẽ nghe thấy.
Sáng ngày 25 - Giáng sinh, ngày quan trọng nhất của mọi đứa trẻ, ngày khó để ngủ nướng nhất trong cả năm - tôi và em trai chạy như bay xuống cầu thang. Tội nghiệp cái cầu thang già nua kêu ầm ĩ, cả nhà gạch và vách gỗ cũ kỹ cũng phản đối sự phấn khích của chúng tôi. Cả gia đình đã ngồi cạnh cây thông Noel. Ông ngoại cũng ở đây, ông đến từ tối qua và đang ở bên lò sưởi.
Không thấy chiếc xe đạp cảnh sát nào cả, tôi giận dỗi: "Sao lại không có xe đạp cảnh sát vậy?". Mẹ bực mình, lôi tôi ra một góc và mắng: "Con đừng có làm thế nữa, con hành xử như một đứa nhỏ hư hỏng đấy có biết không?". Tôi bĩu môi, chủ yếu là để gây chú ý. Bố phạt tôi phải ra ngoài thu lượm củi.
Thời nay, chúng tôi không sử dụng củi để đốt nữa. Nhưng vào những mùa đông thời đó thì khác, chúng tôi thường phải đưa lũ ngựa ra ngoài, cột chúng vào chiếc xe trượt tuyết và cưỡi chúng vào rừng. Tôi mặc bộ đồ rất dày để giữ ấm, to đến nỗi phải bước đi ì ạch như con chim cánh cụt. Tuyết cao đến tận thắt lưng làm tôi bước đi trong vật lộn. Chúng tôi tìm thấy một cái cây, không quá già. Bố chặt nó xuống, tôi có nhiệm vụ xếp các khúc gỗ đã chẻ lên xe trượt, chúng tôi cưỡi chúng về nhà.
Sau đó, giống như lúc này - lúc bị bố phạt - tôi phải thu lượm chúng lại và xếp vào tầng hầm của ngôi nhà, cạnh ô cửa sổ bằng kính, phía trên bụi hoa hồng đóng băng. Tôi càng giận, càng ném mạnh những que củi, một thanh củi làm vỡ ô cửa sổ.
Bố nghe tiếng vỡ, ông chạy ra ngoài, ném cho tôi cái nhìn giận dữ, rồi trở vào nhà mang dụng cụ ra sửa liền. Vì mùa đông rất khắc nghiệt, gió lùa vào, cả nhà sẽ chết cóng mất. May vì hôm ấy là Giáng sinh nên bố cũng không giận lâu.
Đến trưa, mọi người gọi tôi vào nhà. Cả gia đình quây quần bên bàn ăn được bày biện rất nhiều món Giáng sinh truyền thống: gà tây, cranberries, khoai tây nghiền, nhiều không kể xiết và cả eggnog - thức uống gồm rượu với trứng sống và hạt nhục đậu khấu.
Ông ngoại là mục sư của một nhà thờ Tin lành trong thị trấn đã hơn 30 năm. Ông luôn thích uống trà hoa hồng đỏ. Trước bữa ăn, ông cầu nguyện cho gia đình chúng tôi an lành. Ông ngoại luôn vui vẻ, nhưng Giáng sinh với những món ăn truyền thống ngon tuyệt là thời gian tôi thấy ông vui nhất.
Sau bữa trưa Giáng sinh, chúng tôi cưỡi xe trượt tuyết như mỗi năm. Hai con ngựa đưa cả gia đình đi một vòng nông trại và vào rừng. Tôi ngồi bên cạnh ông ngoại. Lạnh quá, chỉ ngồi yên cũng bị gió cắt vào tay lạnh buốt. Thấy tôi run lên, ông liền vòng tay qua ôm tôi. Ông cũng biết là tôi đang hờn dỗi: "Lạnh quá, đúng không con? Lạnh vậy mới tốt, mới gọi là Giáng sinh". "Con không thích lạnh thế này đâu", tôi vùng vằng. "Ừm, nhưng cái lạnh rất tốt, những thử thách thế này rèn giũa mình đó. Từ xưa, cái lạnh đã dạy chúng ta phải chuẩn bị dự trữ lương thực từ mùa hè, ai ham ăn và ăn hết trước mùa đông thì không sống sót nổi đâu. Nó cho ta bài học về tính kiên nhẫn", ông vẫn hiền từ.
Chiếc xe kéo đưa chúng tôi vào rừng, tuyết chất đống trên những cây tuyết tùng và rơi vào đầu mọi người. "Jesse biết những sợi dây đèn Giáng sinh nhấp nháy nghĩa là gì không?", ông hỏi. "Không, ông ngoại", tôi vẫn chẳng hứng thú hơn. "Chiếu sáng và tái hiện ánh sáng trong bóng tối vào ngày lạnh nhất trong năm, bước ngoặt, báo hiệu sự kết thúc của những đêm lạnh lẽo và mở ra hy vọng. Trong mùa đông giá lạnh, anh hùng sẽ hiện ra", ông nhìn tôi và cười thân thiện, "Có thể sẽ là Jesse đấy". "Không đâu ông ngoại. Năm nay Ông già Noel không tặng quà cho con vì con hư", mặt tôi bí xị. "Sắp năm mới rồi, lại có cơ hội mới để làm bé ngoan, con đừng buồn", ông ngoại nháy mắt với tôi.
Tôi cảm thấy tốt hơn hẳn. Tôi về chuồng, chăm sóc đàn ngựa, cho chúng ăn, chải lông, đắp chăn cho chúng đỡ lạnh và lên nhà chuẩn bị bữa tối. Sau bữa tối, mẹ lấy ra một hộp quà thật to, bọc bằng lớp giấy gói quà Giáng sinh: "Ông ngoại mua cái này cho con đấy".
Tôi chưa cần mở cũng biết bên trong có gì rồi. Tôi không phải lúc nào cũng ngoan. Giờ đây, tôi muốn xin lỗi ông ngoại thật nhiều. Ông ơi, con biết là đã quá trễ để nói lời này vì ông không còn nữa.
Mẹ bảo vì bà ngoại qua đời trước nên ông cô đơn lắm. Ông chỉ đến nông trại của chúng tôi hai, ba lần mỗi năm bởi chúng tôi sống khá xa nhau. Lần cuối cùng tôi gặp ông cũng là ngày Giáng sinh sau đó vài năm. Tôi không nhớ rõ tôi đã giận gia đình vì chuyện gì mà bỏ đi đến trạm xe buýt đến tối mới về, không nói chuyện với ai. Sao tôi lại không biết thời gian với những người thân yêu của chúng ta quá ngắn ngủi, rất cần được trân qúy, vì nó sẽ sớm mất đi cơ chứ?
"Stop and smell the roses" - dừng lại và ngửi những đóa hồng - là một câu thành ngữ. Hiểu đơn giản, hãy sống chậm lại, để ý đến những điều tốt đẹp trong thế giới của mình; tắt những kết nối với công việc, vòng xoáy tiền bạc, những cái bẫy danh vọng khiến ta dần quên đi những điều quý giá. Giáng sinh là cơ hội cho chúng ta quay lại với gia đình, tuổi thơ, những điều quan trọng nhất của mỗi người. Đó chính là những thứ ta đã quên đi trong cuộc sống hàng ngày đầy hỗn loạn.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
Ngày đăng: 08:26 | 24/12/2019
/ vnexpress.net