Ông Cường trở về nhà. Đầu tiên là dọn dẹp bàn làm việc, bày biện lại sách vở cho thật ngăn nắp rồi lau chùi máy tính sạch sẽ, đặt cuốn tự truyện lên bàn...

hồng nhan đa truân

hong nhan da truan ky 6

Hồng nhan đa truân (Kỳ 5)

Sáng thứ Hai, ông Cường đạp xe đến Trường mẫu giáo tư thục Lá Xanh. Trường nằm trong một khu đô thị cao cấp và ...

hong nhan da truan ky 6

Hồng nhan đa truân (Kỳ 4)

Ông Cường ngồi thừ ra với tâm trạng chán nản. Bỗng dưng ông nghĩ không hiểu điều gì đang xảy ra với nền điện ảnh ...

hong nhan da truan ky 6

Hồng nhan đa truân (Kỳ 3)

Diệu Linh rửa bát xong thì lặng lẽ vào phòng, cầm cuốn “Hồng nhan đa truân” lên. Cô lần giở lại lướt lướt, rồi lại ...

Thành thấy thế hỏi:

- Bố chuẩn bị viết gì à?

Ông Cường gật đầu và nói:

- Ừ, bố bắt tay vào viết kịch bản mới.

Thành nhìn cuốn sách trên bàn và hỏi tiếp:

- Bố định chuyển thể cuốn tự truyện này thành kịch bản à?

Ông Cường gật đầu:

- Hôm nay bố đi gặp tác giả rồi. Cô ta đã đồng ý cho bố chuyển thể.

Thành nói với bố:

- Bố cũng phải tính, thị trường điện ảnh bây giờ xuống cấp lắm. Phim đứng đắn, tử tế thì có bán được đâu, mà có chiếu thì cũng chẳng ai xem. Những phim chiếu được thì rặt tình, tiền, tù, tội. Con nghĩ, làm phim thị trường không hợp với bố. Con không hiểu rồi với cuốn tự truyện này, bố chuyển thể kịch bản mà thành thì nó sẽ như thế nào.

Ông Cường nói:

- Bố sẽ làm việc này. Được thì làm phim, chẳng ra gì thì thôi.

Thành bật cười:

- Ôi giời, thế thì bố cứ coi như đây là một cuộc tập thể dục trí óc.

***

Sáng, ông dậy lúc 5h30, đi tập thể dục khoảng nửa tiếng rồi sau đó về nhà chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình và con trai. Thực ra thì Thành cũng chẳng cần bố phải giúp đỡ gì nhiều trong cuộc sống, mặc dù mọi sinh hoạt của anh hầu như phải gắn với xe lăn. Thành vẫn có thể đi chợ, nấu cơm, thậm chí có thể ngồi quét nhà và lau nhà. Chỉ duy nhất có việc Thành thích nhờ bố, đó là khi tắm xong, anh nhờ ông mặc quần áo cho. Anh sung sướng mỗi khi bố cầm bộ quần áo mặc cho anh, cái cảm giác như mình bé con trở lại. Nhưng ông Cường lại không như thế. Vì thương con nên việc gì cũng tranh làm và muốn Thành chỉ ngồi máy tính làm việc. Ông chăm sóc Thành tỉ mỉ, cẩn thận như chăm sóc một đứa trẻ. Được bố chiều, Thành dần dần cũng quen và nhiều lúc cảm thấy rằng để cho bố chăm sóc chính là mang lại niềm vui cho bố.

Ăn sáng xong, ông ngồi vào bàn làm việc chăm chú đọc và viết. Ngày trước, ông có thể ngồi 9 đến 10 tiếng đồng hồ một ngày. Nhưng bây giờ có tuổi, ông không thể viết được nhiều như thế. Chỉ được chừng 15 đến 20 phút là ông mỏi mắt, ông đứng dậy đi ra ngoài một lát rồi quay trở vào. Đã có lúc ông viết bằng bút máy, nhưng rồi nghĩ đến việc phải mang bản thảo đi thuê người đánh máy, rồi lại bị mọi người chê là người “âm lịch” nên ông cố kỳ cạch gõ mổ cò bằng hai ngón.

Ông viết đến khoảng 10 giờ 30 thì đứng dậy đi nấu cơm. Hai bố con ăn xong, ông ra chiếc ghế xích đu ngả lưng nằm nghỉ. Đến khoảng 2 giờ chiều, ông dậy ngồi vào bàn viết một lát. Xong xuôi đâu đấy, ông đi tập thể dục. Ông đi bộ một lúc rồi về. Ăn cơm xong, xem hết chương trình thời sự là ông lại ngồi vào bàn viết. Lịch sinh hoạt của ông như cái đồng hồ, đều tăm tắp. Có những lúc Bình và Thành nói với ông, sao bố để cuộc sống trôi đi đơn điệu như vậy. Các con ông muốn ông đi chơi đây đó, đi du lịch hoặc bù khú với bạn bè. Thậm chí chúng bảo cảm thấy có lỗi khi thấy bố cứ loanh quanh ở nhà, không chịu đi chơi.

hong nhan da truan ky 6

Ông viết được ba ngày, đến ngày thứ tư ông thấy cần phải hỏi ý kiến Diệu Linh và ông đến Trường Lá Xanh. Ông đang đứng ở cổng bảo vệ thì cô giáo dạy xướng âm hôm trước nhìn thấy ông, cô gọi:

- Bác ơi, hôm nay chị Diệu Linh không đến ạ.

Ông hỏi:

- Diệu Linh đi vắng hả cháu?

Cô giáo viên nói:

- Dạ, vâng ạ. Bố chị ấy ốm, chị ấy đang phải trông ông cụ trong bệnh viện.

Ông Cường khẽ thở dài rồi nói:

- Thế à? Thế cháu có biết ông cụ bị nặng hay nhẹ không?

Vừa lúc ấy, Nhân đon đả chạy ra:

- Cháu chào bác. Chị Diệu Linh vào bệnh viện trông ông Tường rồi. Hai ngày hôm nay ông trở bệnh nặng lắm. Lúc nãy chị Diệu Linh gọi về nói chắc là ông khó qua khỏi.

Trước vẻ mặt bần thần của ông Cường, Nhân nói tiếp:

- Bác không biết đâu, trong cuốn sách này chị Diệu Linh chỉ nói một phần thôi. Bây giờ chị ấy là người “giời” đấy.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Sao? Cháu nói cái gì là người “giời”?

Nhân nói vào tai ông với vẻ bí mật:

- Chị ấy bây giờ có thể nhìn thấy sự sống chết của một con người.

Nghe câu nói ấy, ông Cường bật cười và nói:

- Ai mà chẳng nhìn thấy sự sống chết của con người.

Nhân nhìn ông ngạc nhiên và bảo:

- Bác nói thế nào ấy chứ. Thế cháu cháu hỏi bác, bác có nhìn thấy ai ở đấy sắp chết không?

Ông Cường “à” lên một tiếng, rồi nói:

- Cháu nói thế thì bác chịu rồi. Nhưng… Cháu nói lại xem sao? Diệu Linh có khả năng ấy à?

Nhân nói với vẻ nghiêm trang:

- Chị ấy có khả năng ấy đấy. Chị ấy được một nhà sư dạy và tu luyện mấy năm nay rồi. Thôi, bác tự tìm hiểu đi. Chứ cái gì bác cũng biết thì… hết cả bí mật. Chị ấy biết cháu bép xép là mắng đấy.

***

Khi Diệu Linh vào đến bệnh viện thì ông Tường đã không biết gì nữa rồi. Các bác sĩ ở phòng cấp cứu phải cho ông thở bằng bình ôxy. Quân - em trai Diệu Linh ngồi bên cạnh bố, nét mặt đau khổ. Thúy, vợ Quân thì chạy lăng xăng bên cạnh, lo lắng hỏi bác sĩ:

- Chị ơi, tình hình bố em thế nào? Liệu có qua được không?

Chị bác sĩ vừa đo huyết áp cho ông xong thì nói:

- Cứ yên tâm, ông cụ sẽ qua được thôi, nhưng lần này hơi nặng đấy.

Nhìn thấy chị, Quân hỏi:

- Sao chị đến nhanh thế?

Diệu Linh nói:

- Ừ. Sáng nay chị đi làm nhưng cứ có linh cảm là lạ thế nào ấy. Thôi, bây giờ em về lo sắp xếp việc nhà đi, để chị trông bố cho.

Quân nói:

- Vâng. Em về công ty họp một lát rồi em vào.

Thúy nghe chồng nói mừng ra mặt. Nhìn thái độ của em dâu, Diệu Linh thấy hơi buồn. Mặc dù là con dâu ở trong nhà nhưng hầu như Thúy chẳng bao giờ quan tâm đến việc nhà chồng. Trong những lần ông Tường nằm viện trước đây, mỗi lần phải vào trông bố chồng trong viện là một cực hình đối với Thúy. Tất cả những thái độ miễn cưỡng, thậm chí đôi lúc khó chịu với bố chồng của Thúy, Diệu Linh biết hết, nhưng chẳng bao giờ cô nói gì và những việc gì có thể làm được cô đều tranh làm. Cô không bao giờ muốn em dâu phải nhìn bố bằng ánh mắt không vui. Đã có lần, khi Diệu Linh tắm cho bố, Thúy đứng bên ngoài nhìn bằng ánh mắt lạ lẫm, rồi bảo Diệu Linh:

- Chị ạ, tại sao chị không thuê một người phục vụ. Em nghe nói có dịch vụ chăm sóc cho người ốm đấy, sao chị không thuê? Chứ chị tắm cho bố thế này trông ghê ghê thế nào.

Lúc đó Diệu Linh chỉ mỉm cười và nói:

- Em đừng nói thế. Chị nhớ có một nhà thơ đã viết, đại ý rằng: “Bố bón cơm cho con thì bố cười, bố nói, còn con mà bón cơm cho bố thì nước mắt lưng tròng”. Việc vệ sinh cho bố thì em cứ để chị lo.

***

Diệu Linh nắm tay bố và nhắm mắt lại. Một lát sau, cô bỗng thấy gương mặt ông hiện ra trong đầu cô trẻ trung, thanh thản nhưng ở trên vầng trán tỏa ra một quầng sáng màu xám nhạt. Quầng sáng ấy đậm dần, đậm dần. Diệu Linh lại thấy từ dưới ngón chân ông có những sợi ánh sáng mỏng và xanh nhạt. Chúng len lỏi trong từng đường gân, từng mạch máu và đi ngược lên trên. Chúng bò chậm chạp, trườn dần từng tí, từng tí một.

Diệu Linh nhắm mắt lại, cầm tay bố, lắng nghe nhịp đập chầm chập. Những nhịp đập ngắt quãng của trái tim. Cô nhìn xoáy vào hai sợi ánh sáng nhỏ xuất hiện từ dưới bàn chân và đang đi ngược lên. Chợt có người vỗ vai làm cô giật nảy mình choàng tỉnh và nhìn thấy bác sĩ trưởng khoa đứng trước mặt.

Bà bác sĩ trưởng khoa nói:

- Hôm nay em trông bố à?

Diệu Linh gượng cười và nói:

- Dạ, vâng ạ.

Bà bác sĩ hỏi:

- Em thấy bố thế nào? Liệu có qua được không?

Một người ngồi bên cạnh cũng trông người ốm, nghe bác sĩ hỏi câu đấy thì giật mình lạ lùng.

Người ấy tự hỏi: “Tại sao bác sĩ lại đi hỏi người nhà bệnh nhân như vậy?”.

Diệu Linh trả lời bà bác sĩ:

- Bố em không qua được đâu. Cái chết đã bắt đầu đến với ông.

Bà bác sĩ hỏi:

- Khoảng bao giờ?

Diệu Linh khẽ thở dài và nói:

- Có lẽ chỉ đêm nay thôi.

Bà bác sĩ thở dài rồi kéo Linh đứng dậy đi ra ban công.

Bà nói:

- Em ạ, em cứ nhìn thấy người chuẩn bị chết để làm gì. Phải nói là thần kinh của em quá vững đấy.

Diệu Linh mỉm cười và nói:

- Chị ạ, nhìn thấy cái chết, chuẩn bị cho cái chết là một việc phải học đấy. Chị thấy không, sinh và tử là hai thứ mà con người ta không định trước, không biết trước được.

Bà bác sĩ bảo:

- Nhưng em là người biết trước được.

Diệu Linh khẽ lắc đầu và nói:

- Không phải đâu. Tùy từng trường hợp thôi ạ. Thông thường em chỉ biết được, nhìn thấy sự ra đi của người ấy trong trường hợp em và người đó có một giao cảm nào đó.

Bà bác sĩ nói:

- Thôi, nếu em đã tiên lượng được tình hình xấu của ông thì cũng nên chuẩn bị đi.

Diệu Linh nói:

- Dạ, vâng. Em cũng đã chuẩn bị hết rồi. Chỉ có điều em muốn đêm nay ở bên cạnh ông, để cho ông được thanh thản, siêu thoát. Đấy là việc cuối cùng em có thể giúp được bố em.

Bà bác sĩ chào Diệu Linh rồi quay về phòng trực.

Bà nói với hai bác sĩ đang đọc hồ sơ bệnh án trong phòng:

- Tối nay là ông Tường đi đấy.

Một bác sĩ trẻ hỏi:

- Cháu xem mạch thì thấy ông vẫn ổn mà.

Bà bác sĩ nói:

- Con gái ông ấy nhìn thấy cái chết đang đến với bố.

Cô bác sĩ trẻ giật mình:

- À, có phải chị ấy ngày xưa từng là hoa hậu, sau này chị ấy đi tu đúng không ạ? Cháu có nghe người ta đồn đại. Để cháu ra xem mặt nhé.

Bà bác sĩ ngăn lại:

- Không được. Để lát nữa đến giờ truyền thêm nước cho ông cụ. Bây giờ đừng làm phiền cô ấy.

Bà bác sĩ nói tiếp:

- Lạ thật. Tại sao nó lại nhìn thấy trước được cái chết?

Một bác sĩ bĩu môi:

- Cháu chẳng tin. Có khi cô ta tự huyễn hoặc ấy chứ.

Bà bác sĩ nói:

- Có những điều bây giờ khoa học chưa giải thích được. Nhưng mà thôi, cái gì mình chưa hiểu được tường tận thì cũng đừng nên bài xích.

***

Tối hôm đó, Diệu Linh ngồi trông bố. Khi kim đồng hồ chỉ 21giờ thì cô cầm tay bố, rồi cô niệm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa cho ông. Cũng chỉ ít phút sau, cô đã nhìn thấy vầng sáng trên đầu ông đã tụ lại thành một đốm và hai sợi ánh sáng màu xanh từ hai chân bây giờ đã bò lên đến ngang ngực ông. Chỉ có điều là bây giờ chúng bò với tốc độ nhanh hơn. Từ hai bàn tay ông cũng có những tia sáng nhỏ đang chạy dồn về. Cứ cảm tưởng rằng có những dòng sông đang chạy trong con người ông và đang dồn lên phía đỉnh đầu. Diệu Linh biết những sợi ánh sáng đó chính là “Thức” cuối cùng - “Thức” thứ tám của con người, đó là thức “A lại da”. Đó là nói theo cách của nhà Phật. Còn cô hiểu rằng đó là tất cả tinh lực tích lũy của cả một đời người, trong đó không những có sức khỏe, mà còn có cả trí tuệ và những điều thiện, điều ác người đó đã làm. Bây giờ tất cả đang dồn lên và chờ thoát ra ngoài, để rồi lại được tái sinh ở một kiếp khác. Ôi, một kiếp người. Bao giờ lại đến kiếp sau nhỉ? Một nghìn năm nữa hay hai nghìn năm nữa, hay hàng chục nghìn năm nữa. Đời người có tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Rồi biết bao nhiêu kiếp nữa mới lại sản sinh ra được cho dân tộc, cho đất nước một người như ông Tường.

Diệu Linh nhớ lại ngày xưa, hồi ông Tường vẫn còn khỏe, ông có một ước ao rằng, lúc ông ra đi sẽ được nghe tiếng phách, tiếng nhị, tiếng hồ và được nghe làn điệu chèo mà ông thích nhất, mà Linh nghe thì thấy buồn đến não lòng - điệu “Con tò vò” và điệu “Làn thảm”. Cũng có lúc cô nghĩ, khi nào bố già yếu, biết không thể qua khỏi thì cô sẽ mời mấy người hát chèo đến hát cho ông để ông ra đi được thanh thản. Cũng có lúc cô nghĩ rằng chính cô sẽ hát cho ông nghe. Nhìn những sợi ánh sáng xanh bắt đầu lên đến ngang ngực, Diệu Linh nắm chặt tay ông và lẩm nhẩm đọc Lời nguyện cuối của kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: “Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật. Nguyện đem công đức này hồi hướng về:

“Trời giác ngộ muôn nơi sáng tỏ. Bánh xe Pháp vận chuyển không dừng Mong hoa Đàm lại nở giữa mùa xuân Nguyện cây Giác nở hoa đầu tháng Hạ… Tái hiện Đạo trùng Pháp Hoa Bát Nhã”.

Rồi cô lại đọc Mấy điều quán chiếu Tưởng là kinh tụng dành cho người sắp rời bỏ cõi đời:

“Chúng sinh rồi sẽ phải già Không ai tránh khỏi lúc qua canh tàn Chúng sinh bệnh tật phải mang Không ai sống mãi bình an mạnh lành Chúng sinh sự chết sẵn dành Không ai tránh khỏi tử sanh đến kỳ Chúng sinh phải chịu chia ly Giã từ tất cả ra đi một mình Mang theo gánh nghiệp ba sinh Theo ta như bóng với hình không buông Nay con nương đáng Pháp vương Niết bàn chứng đắc, cát tường an vui”.

Rồi Linh lại đọc kinh Quán chiếu thực tại:

“Không truy tìm quá khứ Không ước vọng tương lai Quá khứ đã qua rồi Tương lai lại chưa đến Cái chết đến lúc nào Tử thần có đợi đâu Làm sao điều đình được”.

Diệu Linh đọc lẩm nhẩm và tự dưng trong cô chỉ thấy một sự thanh thản.

Cô hiểu rằng, giờ đây cái “Thức thứ tám” trong con người ông đã giục rời xa thể xác phàm tục.

Diệu Linh cứ nhắm mắt, cầm tay bố. Miệng lẩm nhẩm đọc kinh không ngừng. Cô thấy những sợi ánh sáng chập lại với nhau ở ngang ngực ông thì chúng chạy nhanh hơn. Chúng lên đến đỉnh đầu thì tụ lại thành một cục, rồi bỗng nhiên cô nhìn thấy từ trên đỉnh đầu của ông, ở huyệt Bách Hội có một làn khói xanh nhạt bay lên. Vầng sáng màu xám chì đang bao quanh ông tự nhiên nứt ra như khe nứt của một quả núi, để làn khói xanh ở trong đầu ông bay lên nhẹ nhàng, phất phơ như khói.

Trong một khoảnh khắc được tính bằng một “sát-na” - là khoảnh khắc giữa cái sống và cái chết. Cô khẽ mở mắt nhìn ông, thấy ông cũng mở mắt nhìn cô, miệng hơi mỉm cười, từ hai khóe mắt có hai giọt nước mắt ứa ra chầm chậm. Rồi ông nhắm mắt lại, nét mặt giãn ra thanh thản lạ lùng.

Diệu Linh lại nhắm mắt lại và nhìn thấy làn ánh sáng mỏng manh như khói đang phất phơ bay lên trần nhà. Đọng trong đó là gương mặt ông Tường.

Cô thầm nói:

- Bố ơi, bố hãy về cõi tịch diệt nhé. Bố cứ đi đi. Đừng vương vấn ở đây. Bố đi đi bố ạ.

Rồi cô lại đọc:

“Giải thoát, giải thoát tri kiến hương.

Quang minh vân đài biến pháp giới…”.

Trong lúc Diệu Linh đang tụng kinh để đưa linh hồn bố về Trời thì từ phía ngoài cửa, hai bác sĩ và một nhân viên chăm chú theo dõi việc làm của Linh.

Khi thấy Linh nhẹ nhàng vuốt mắt cho bố rồi hôn lên vầng trán ông, bà bác sĩ nói với hai người:

- Ông cụ đi rồi đấy. Cái cô hoa hậu này thật kỳ lạ.

***

Ông Cường bắt tay vào chuyển thể cuốn tự truyện thành kịch bản và càng viết ông càng thấy hứng thú. Tuy nhiên, có một điều ông băn khoăn là nếu làm theo kiểu sao y bản chính, hay gọi là chuyển thể một cách trung thành từ tự truyện sang kịch bản thì chưa biết chừng búa rìu dư luận sẽ giáng lên đầu ông và cả Diệu Linh nữa. Qua trò chuyện với Diệu Linh, ông hiểu cô đã muốn quên đi tất cả, muốn chôn vùi quá khứ và sống cuộc sống mới yên bình, tĩnh lặng. Ông cứ băn khoăn điều đó nhưng không biết tìm ra lối thoát thế nào. Đã có ngày ông thử chen vào trong kịch bản một, hai nhân vật phụ, nhưng khi đọc lại ông lại thấy như ăn cơm nhai phải sạn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 24/12/2017

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới