Ông Cường ngồi thừ ra với tâm trạng chán nản. Bỗng dưng ông nghĩ không hiểu điều gì đang xảy ra với nền điện ảnh nước nhà. Cũng chẳng phải một mình ông nghĩ như vậy mà các tác giả kịch bản, những người được coi là làm nên xương sống của nền điện ảnh đều đang có tâm trạng chung là như vậy.

hồng nhan đa truân

hong nhan da truan ky 4 Hồng nhan đa truân (Kỳ 3)

Diệu Linh rửa bát xong thì lặng lẽ vào phòng, cầm cuốn “Hồng nhan đa truân” lên. Cô lần giở lại lướt lướt, rồi lại ...

hong nhan da truan ky 4 Hồng nhan đa truân (Kỳ 2)

Ông Cường về đến nhà thì Bình đã làm cơm xong. Thằng cháu ngoại mới hơn ba tuổi, lăn xả vào lòng ông. Nó cầm ...

hong nhan da truan ky 4 Hồng nhan đa truân (Kỳ 1)

Buổi chiều, tại nhà đạo diễn Huy Cường. Đó là một căn nhà ba tầng nhỏ, nằm ở mặt phố, nhưng rất hẹp. Phía bên ngoài ...

Vừa lúc ấy, một nữ biên kịch tên là Thái Linh đi ôtô tới. Linh đi chiếc xe khá sang.

Nhìn thấy ông, Linh đon đả:

- Cháu chào chú. Sao chú lại ngồi một mình thế này? Suy tư điều gì chăng? Hay là đang có phim mới?

Nghe Linh hỏi một hơi, ông Cường bật cười và bảo:

- Trời ạ, mày hỏi gì thì cũng phải từng câu để cho chú trả lời. Mày đặt một lúc ba, bốn câu hỏi như thế, tao có là robot cũng trả lời không kịp.

Thái Linh cười hì hì nói:

- Đùa chú tý.

Ông Cường gật đầu hỏi:

- Thế còn công việc của cháu thế nào? Viết được nhiều không?

Thái Linh mỉm cười với vẻ tự hào:

- Báo cáo với chú, bây giờ con viết như máy khâu. Trung bình mỗi tháng một kịch bản. Nhiều thì dăm bảy tập, ít thì hai, ba tập, thậm chí phim mười phút, hai mươi phút. Lớn, bé, ngắn, dài gì, cứ có người đặt hàng là con làm.

Ông Cường hỏi tiếp:

- À, mà nghe nói cháu có công ty chuyên sản xuất kịch bản đúng không?

Linh mỉm cười nói:

- Vâng. Hôm nào chú rảnh đến thăm công ty cháu nhé. Cháu có công ty truyền thông, làm nhiều việc lắm, sáng tác cả kịch bản phim nữa đấy.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Kịch bản? Sáng tác mà lại làm theo kiểu công ty thì sáng tác kiểu gì?

Thái Linh phá lên cười và bảo:

- Trời ạ, chú đúng là cổ hủ lắm. Bây giờ không ai viết kịch bản như chú đâu. Mà trò này đâu phải cháu nghĩ ra, nhiều người viết kịch bản cũng thế đấy. Cháu vạch ra ý tưởng, nêu tính cách nhân vật, nêu các tuyến rồi bọn chúng nó chấp bút. Sau đó cháu sửa lại, đứng tên cháu, thế là xong.

Ông Cường bật cười:

- Trời ạ. Từ sáng đến giờ chú ngồi đây, gặp cháu là người thứ 3 viết kịch bản kiểu này. Hai người trước thì cũng đều nói rằng, đang viết kịch bản kiểu như vậy. Quả thật tư duy của chúng mày đổi mới quá, chú không theo được. Nhưng mà này, ngồi xuống đây chú bảo.

Thái Linh kéo ghế rồi gọi một ly cà phê.

Cô dõng dạc:

- Cho một ly đen, không đường nhé.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Cháu nghiện hay sao mà uống cà phê không đường?

Linh nói:

- Vâng ạ. Gần đây cháu cứ phải nốc cà phê vào để thức khuya cày kịch bản. Uống đường nhiều thì lại bệnh tật, cho nên uống không đường. Dần dà cũng quen. Dù đắng đấy, riết thành quen, giờ cháu uống thấy cũng bình thường, có đường vào lại thấy nó giả thế nào ấy. Cũng như đau khổ ấy. Có những người cứ khổ mãi và thiên hạ lại bảo tại sao người ta khổ thế mà vẫn sống được? Nhưng mà khổ mãi rồi cũng quen. Tất nhiên là quen với cái khổ thì chẳng phải dễ, nhưng mà cũng phải quen được hết.

Ông Cường mở túi lấy ra cuốn tự truyện, rồi nói tiếp:

- Cháu biết cuốn tự truyện này không?

Thái Linh nhìn cuốn tự truyện, rồi bĩu môi:

- Cháu biết. Có người giới thiệu cho cháu cách đây hai tháng và nói rằng cháu nên đọc quyển này, rồi viết thành kịch bản. Ôi giời ơi, chú lạ gì thứ sách của bọn này nữa. Nó có biết văn chương, chữ nghĩa là cái gì đâu. Chẳng qua lại như kiểu bọn cháu viết kịch bản. Chắc là nó lại gạch đầu dòng ra, có lão đại gia nào bỏ tiền ra, rồi lại thuê thằng cha nhà văn nào đấy viết cho nó, rồi “mông má” lên.

Ông Cường thở dài buồn bã:

- Cháu là người thứ ba chưa đọc một chữ nào, nhưng cũng đã nói nó không ra gì. Bây giờ chú hỏi nhé, nếu vì muốn viết một cuốn sách để nổi tiếng thì sau khi viết xong phải có quảng cáo, phải có PR, rồi thậm chí phải gây scandal để nổi tiếng mà bán sách chứ. Nhưng cháu thấy không, cuốn sách này từ khi ra đời đến giờ tuyệt nhiên không có một chữ nào. À, hình như là mới có một bài trên báo Văn nghệ của ông nhà văn nào đấy nói về cuốn này. Họ không chê. Họ chỉ nói rằng, văn chương còn mộc mạc, cách viết còn thô nhưng nội dung thì rất đáng đọc. Cháu còn chưa đọc cơ mà?

hong nhan da truan ky 4

Thái Linh bĩu môi:

- Chú ơi là chú, chú làm sao hiểu giới này được như bọn cháu. Mà con hoa hậu này có phải loại vừa đâu. Rách giời rơi xuống đấy. Vía của nó chán lắm. Không hiểu tại sao mà cứ ai yêu nó, sống với nó là đều chết toi... Sợ chết đi được.

Ông Cường nói:

- Chú có một đề nghị nghiêm túc như thế này. Cháu nên đọc một cách chậm rãi cuốn tự truyện này đi. Với một người mà đã từng có kịch bản những bộ phim rất sâu sắc như cháu thì chú nghĩ rằng cuốn tự truyện này sẽ là một kịch bản hay đấy. Từ trước đến nay, hầu hết những phim hay đều là phim lấy nội dung từ truyện dài hoặc tiểu thuyết ra. Cháu biết đấy, kịch bản mà dựa theo truyện thì nhân vật có cá tính sâu sắc hơn. Tính khái quát cao hơn và hơn nữa là ngôn ngữ đối thoại ở trong truyện bao giờ cũng chỉn chu, có văn hơn so với những người viết kịch bản mà không dựa theo truyện.

Thái Linh hơi lắc đầu:

- Chú nói thế chỉ là lý thuyết thôi. Thế cháu hỏi chú nhé, nước Mỹ có bao nhiêu phim đoạt giải Oscar, có mấy kịch bản dựa theo tiểu thuyết? Chẳng qua ở nước mình, đám viết kịch bản bất tài vô dụng nên mới cứ phải dựa theo tiểu thuyết. Tất nhiên, cũng có nhiều cuốn tiểu thuyết có thể chuyển thành kịch bản hay nhưng ở Việt Nam đâu có nhiều. Thậm chí là rất ít. Nhưng mà thôi, chú đã nói thế thì chú cho cháu quyển sách này. Cháu sẽ về đọc theo ý chú.

Ông Cường:

- Thôi, cháu à. Chú nghĩ rằng, vừa nhắc đến tên con hoa hậu này mà cháu đã không có thiện cảm, cháu coi nó không ra gì thì cháu có đọc cuốn tự truyện này của cô ta thì cháu cũng sẽ có thiên kiến thôi.

Bỗng Thái Linh nói:

- Mà này, thế tại sao chú không tự chuyển thành kịch bản có hay không? Nếu cứ cho là cuốn tự truyện này chú đọc và thích một cách công tâm, thì rõ ràng là cuốn tự truyện này rất phù hợp với tạng người như chú, với tư duy của chú, nhưng với cháu chưa chắc đã hợp. Cũng như chú bây giờ có nghe nổi nhạc thị trường không? Thế nhưng mà chúng cháu thì nghe được cả ngày. Phim Hàn Quốc chú có xem nổi không? Thế mà thiên hạ đang phát rồ vì cái thứ phim lá cải muối, rắc thêm tý ớt bột mà vẫn gọi là Kim Chi ấy. Cuốn này đã hợp với cái tạng của chú, thì theo cháu, chính chú chuyển thể thành kịch bản và chính chú làm đạo diễn.

Ông Cường “à” lên một tiếng có vẻ khoái chí:

- Ừ nhỉ? Tại sao lại không làm như vậy?

Ông vỗ vai Thái Linh và nói:

- Cám ơn cháu. Cháu đã gợi cho chú một ý rất hay. Có lẽ tự chú sẽ tự chuyển thể thành kịch bản.

Thái Linh nói:

- Bây giờ chú chuyển thể thành kịch bản, rồi chú bán cho đài truyền hình, xong rồi chú lại tự làm đạo diễn luôn. Thế có phải hay không? Coi như chú làm cả, ăn tất. Còn nếu như chú kiếm được đại gia nào hảo tâm tài trợ, đứng sau lưng chú, bỏ tiền cho chú làm phim thì làm xong chú bán phim. Với tên tuổi của chú, mà lại là phim về cuộc đời của đám hoa hậu thì cháu cam đoan với chú là thắng đấy.

Ông Cường cười nhạt:

- Hiện tại thì chú chẳng nghĩ đến điều đấy. Chú chẳng có tài để tổ chức được đoàn làm phim, nhưng ý của cháu cũng hay. Chú sẽ chuyển thể thành kịch bản xem như thế nào. Có lẽ, trước khi làm việc đó, mình phải xin phép tác giả chứ nhỉ?

Thái Linh dài giọng:

- Giời ạ. Sao mà chú cổ hủ thế? Việc gì mà phải xin phép. Chú cứ chuyển thành kịch bản đi. Chuyển xong, kịch bản được duyệt rồi thì chú gọi nó đến và gí cho nó ít tiền coi như là tiền bản quyền là xong.

Ông Cường nói:

- Cháu nói hay nhỉ? Thế chuyển thể xong, đến lúc nó lại bảo: “Không được. Chú đã xin phép cháu đâu mà chú lấy tự truyện của cháu để viết kịch bản?”, nó không cho sử dụng thì làm gì được nó.

Thái Linh nhìn ông nhăn nhó:

- Giời ơi là giời. Con thưa với chú, đám ấy chỉ cần tiền thôi. Cứ có tiền là được. Mà con nói thật với chú nhé, các thứ hoa hậu bây giờ trông thấy chú, nói xin lỗi chú, dù chú ngần này tuổi rồi, dung nhan của chú có thể nói xấu nhất hãng phim mình, nhưng nếu chú mà có tiền thì hoa hậu cũng chạy theo đấy. Có cao sang gì thứ gái này đâu mà sao chú cứ phải cầu kỳ thế? Chú cứ viết đi, không phải hỏi han gì cả. Đến lúc nó giở mặt, nó tinh tướng không đồng ý thì để đấy chúng cháu.

Ông Cường lắc đầu và bảo:

- Thôi, chú cứ theo ý nghĩ của người già. À không, phải nói là theo lối nghĩ của đám người cũ. Thằng Hùng nó bảo chú là “tàn dư” của chế độ xã hội chủ nghĩa đấy. Chú sẽ tìm địa chỉ cô hoa hậu và hỏi xem ra làm sao? Cháu có biết địa chỉ không?

Thái Linh nói:

- Không. Cháu chỉ biết, con bé này khoảng bốn năm nay mai danh ẩn tích, không xuất hiện ở bất cứ đâu. Nghe đồn nó tập tu thiền theo phái hay Tịnh độ tông nào ấy. Chẳng biết có tu được không? Nhưng mà lâu lắm rồi không ai thấy xuất hiện ở đâu cả.

Ông Cường hơi mỉm cười, rồi nói:

- Riêng chuyện một người đã có danh là hoa hậu, mà 4-5 năm không ai biết cô ta làm gì, ở đâu thì chẳng phải là một điều kỳ lạ hay sao?

Thái Linh nhấp một ngụm cà phê, bỗng nhiên cô “à” lên một tiếng:

- Thôi chết rồi, cháu quên thuốc ở nhà.

Ông Cường hỏi:

- Thuốc gì?

Thái Linh:

- Thuốc lá chứ còn thuốc gì nữa. Bây giờ cháu cũng hút thuốc rồi chú ạ.

Ông Cường nói:

- Trời ạ, đàn bà con gái mà cũng hút, sách.

Thái Linh cười, nói:

- Người ta bảo rằng: “Trẻ không hư, già đổ đốn”. Thôi thì con cứ đổ đốn luôn từ trẻ. Nói thật với cụ, chỉ còn mỗi đánh bạc là con không biết. Chứ còn thì cũng hút, cũng chơi bời.

Ông Cường nhạc nhiên:

- Chơi bời? Thế thằng chồng mày để yên à?

Thái Linh cao giọng:

- Ơ, chú không biết chuyện gia đình con à? “Chia tay hoàng hôn” lâu rồi. Gớm. Làm gì có thằng chồng nào chịu được thứ con vợ suốt ngày kỳ cạch viết viết, lách lách. Đẻ được đứa con là may rồi. Mà con nói cho chú nghe, con có hai đứa: một trai, một gái đẹp như trong tranh. Nói thật với chú, hiện tại con sống thoải mái, chẳng cần chồng. Hai đứa con học giỏi, ngoan. Với con thế là nhất rồi. Bây giờ con thích ai thì con ở với người ấy. Lâu thì vài tháng, ngắn thì dăm bảy ngày. Ngắn nữa thì một, hai buổi. Có gì đâu mà phải băn khoăn. Thôi, đấy là chuyện khác. Chú cứ về chuyển thể cuốn tự truyện này thành kịch bản đi. Nếu chú viết được khoảng một phần ba mà vẫn thấy hứng thú thì chú gọi con. Con với chú sẽ làm bộ phim này, được không?

Ông Cường thở dài:

- Nói như mày thì nói làm gì? Tao đã viết thì viết luôn cho xong.

Vừa lúc ấy Thái Linh có điện thoại. Cô xin lỗi ông Cường rồi nghe máy.

Không biết người đầu dây kia nói gì mà cô cao giọng:

- Thôi, thôi, chúng mày tư duy rắc rối lắm. Nhân vật của tao tính cách như thế, tao đã vẽ ra cho chúng mày rồi thì chúng mày cứ việc tô son, điểm phấn vào, thắc mắc làm gì. Đừng có làm mất thì giờ. Tuần tới phải giao kịch bản cho nhà đài rồi. Muốn làm thế nào thì làm. Chúng mày phải tập trung cao độ, mỗi ngày phải được ba, bốn tập, xong chị thưởng.

Linh cúp máy, quay sang nói với ông Cường:

- Đấy, cái nhóm con đang thuê viết kịch bản. Mình đã làm sẵn hết cho nó rồi, chỉ còn việc phát triển thêm, mà nó cứ thắc mắc là tính cách này không phù hợp, tính cách kia không phù hợp. Gớm, thời buổi này làm phim cần gì phù hợp. Vấn đề là diễn viên chân dài hay ngắn, lên giường nhiều hay ít, chứ đâu quan tâm gì đến nội dung này, nội dung kia. Nghĩ cho đau đầu. Thôi con chào chú, con về đây.

***

Chiều hôm ấy, ông đi ra chỗ bán sách nhưng không thấy cô bán sách và con bé con của hoa hậu Diệu Linh đâu.

Ông hỏi một bà bán nước cạnh đó:

- Này, chị ơi, chị cho tôi hỏi. Mọi hôm có một cô bán sách ở đây. Hôm nay cô ấy không bán sách nữa à?

Bà già bán nước bảo:

- À, chỉ có thứ Bảy, Chủ nhật cô ấy mới bán sách thôi. Nghe nói cô ấy cũng là giáo viên gì đấy. Đi bán sách kiếm thêm thôi anh ạ.

Ông Cường về nhà.

Từ hôm đó, cuốn tự truyện về cuộc đời cô hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh lúc nào cũng ám ảnh ông.

***

Một hôm, Bình con gái của ông về chơi.

Ông Cường nói:

- Bình này. Con tìm giúp bố địa chỉ cô hoa hậu này nhé.

Bình nhìn ông từ đầu đến chân và hỏi:

- Bố tìm làm gì?

Ông nói:

- Bố định đến tìm gặp cô ta để xin phép chuyển thể cuốn tự truyện này thành kịch bản.

Bình nhìn bố ngạc nhiên:

- Bố quyết tâm chuyển thể thành kịch bản đấy à?

- Ừ, bố đọc và thấy cuốn tự truyện này đáng để làm một bộ phim lắm.

Bình nhíu mày:

- Con thấy rằng, bố không nên.

Ông Cường hỏi:

- Tại sao lại không nên?

Bình trả lời:

- Dính vào giới này làm gì. Danh của bố như thế, tên tuổi của bố lừng lẫy như thế. Bố là người của công chúng mà bây giờ lại đi làm phim về một ả hoa hậu chẳng danh giá, tử tế gì. Người ta lại chĩa mũi nhọn vào đàm tiếu, thêu dệt lên đủ mọi thứ.

Ông Cường khó chịu:

- Người ta đàm tiếu thì mặc kệ người ta. Đây là tao dựa theo cuốn tự truyện để làm phim. Có gì đâu, chúng mày chỉ lo vớ, lo vẩn.

Bình nói:

- Đấy là con nói thế. Bố lạ gì báo chí thời buổi này. Tự do quá trớn, cái gì mà đám báo lá cải chẳng bới ra. Thôi được rồi, nếu bố cần thì con tìm địa chỉ cho bố.

Bình gọi điện cho chồng:

- Anh Thiệu à, anh tìm hỏi cho bố địa chỉ nhà cô hoa hậu mà mấy lần anh suýt bắt ấy.

Không biết Thiệu trả lời thế nào, chỉ nghe Bình nói:

- Thì anh lục tìm nhà thằng em nó. Thằng em nó bị bắt, kết án bao nhiêu năm tù thì hồ sơ, địa chỉ nhà thế nào chẳng có. Từ đấy mà lần ra chứ có gì đâu.

Bình ừ à, rồi quay sang nói với ông Cường:

- Bố ạ, nhà con bảo cái nhà mà cái Linh với gia đình này ở đã bán lâu rồi, nay họ đi đâu thì không ai biết.

Ông Cường thở dài:

- Thôi, được rồi. Nếu như nó chưa chết thì bố sẽ tìm được.

***

Ngày cuối tuần, ông Cường lại đi bộ ra chỗ bán sách. Ở đó, cô bán sách và bé Hương đã ngồi ở đấy. Cũng vẫn mấy cuốn “Hồng nhan đa truân” đang bày bán.

Nhìn thấy ông, bé Hương reo lên:

- Cháu chào ông ạ. Hôm nay ông có mua sách nữa cho cháu không?

Ông Cường bật cười vì con bé lém lỉnh:

- Hôm nọ ông mua một cuốn rồi. Hôm nay, ông ra đây để trao đổi với cháu.

Nghe từ “trao đổi” có vẻ nghiêm trọng, bé Hương vặn lại ông:

- Ông nói chuyện với cháu chứ?

Nhân nhìn ông có vẻ lạ lạ.

Ông nháy mắt ra hiệu cho cô im lặng, rồi bảo:

- Ừ, thì nói chuyện với cháu. Bây giờ cháu nói trước hay ông nói trước nào?

Bé Hương nói:

- Ông nói trước. Ông đọc sách của mẹ cháu, ông có thấy hay không?

Ông Cường nói:

- Ông thấy hay.

Hương hỏi:

- Ông thấy hay nên hôm nay mới ra đây chứ gì?

Ông Cường gật đầu:

- Đúng. Ông thấy hay nên ra đây mua thêm mấy cuốn nữa để tặng mấy người bạn.

Nhân nói:

- Ôi, nếu thế thì tốt quá. Nhưng hôm nọ chị ấy thấy ông mua sách mà lại cho thêm tiền nên chị ấy có vẻ không vui.

Ông Cường ngạc nhiên hỏi lại:

- Tại sao lại không vui? Tôi có làm điều gì sai đâu?

Nhân nói:

- Không. Ông không làm điều gì sai. Nhưng chị ấy mặc cảm, lại nghĩ rằng có người thương hại nên mua sách cho chị ấy và trả nguyên cả tiền, không lấy lại tiền phát hành phí. Chị ấy cảm giác như là được... bố thí.

Ông Cường lắc đầu:

- Nếu nghĩ thế thì sai rồi. Thôi, hôm nay cho chú mua hai cuốn nữa. Nhưng này, cháu có thể giới thiệu cho chú gặp chị tác giả được không?

Nghe nói thế, bé Hương nhìn ông bằng ánh mắt dò hỏi và nói:

- Ông định gặp mẹ cháu ạ?

Ông Cường gật đầu:

- Ừ. Ông đọc cuốn sách của mẹ cháu và thấy hay. Ông muốn gặp mẹ cháu để bàn chuyện.

Bé Hương thở dài, rồi quay mặt đi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 22/12/2017

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới