Diệu Linh đi chợ, nấu cơm, còn Quân lăng xăng giúp chị nhặt rau. Bữa cơm hôm ấy thật là đầm ấm, hạnh phúc và có lẽ cho đến bây giờ đó là bữa cơm duy nhất mà mọi người thực sự vui vẻ.

hong nhan da truan ky 17

Hồng nhan đa truân (Kỳ 16)

Nghe tin em bị bắt, ruột Diệu Linh nóng như lửa đốt. Quân đang học lớp 11 mà bị bắt như thế thì không biết ...

hong nhan da truan ky 17

Hồng nhan đa truân (Kỳ 15)

Nghe lời em trai, Diệu Linh đến quán Mây Hồng và chọn một chỗ ngồi dựa lưng vào tường. Quân và ba người bạn nữa ...

Mấy hôm sau, có kết quả thi.

Diệu Linh mang giấy báo điểm về cho bố và nói:

- Con gái bố có kém đâu. Con đã nói là con đạt loại giỏi mà.

Ông Tường vui hẳn lên:

- Bây giờ thì bố tin con gái bố. Hôm nay, nhân con thi đỗ loại giỏi, bố sẽ dẫn cả nhà đi khao một bữa. Đi ăn món Huế nhé.

Diệu Linh nói:

- Thôi, hôm nay để con ở nhà nấu cơm cho bố mẹ. Lâu nay, con bận học quá nên chẳng lo cơm nước gì được cho bố mẹ. Hôm nay, con sẽ nấu. Quân phụ giúp chị.

Khỏi phải nói bố mẹ Diệu Linh vui thế nào. Diệu Linh đi chợ, nấu cơm, còn Quân lăng xăng giúp chị nhặt rau. Bữa cơm hôm ấy thật là đầm ấm, hạnh phúc và có lẽ cho đến bây giờ đó là bữa cơm duy nhất mà mọi người thực sự vui vẻ.

Ăn cơm xong, ông Tường nói:

- Tối nay gia đình chúng ta sẽ biểu diễn văn nghệ. Diệu Linh gõ phách và đánh trống cơm, bố kéo nhị, mẹ con hát xẩm. À, còn thằng Quân thì đánh đàn bầu.

Diệu Linh ngạc nhiên:

- Tại sao bố không để con chơi đàn bầu, còn Quân gõ phách? Quân chơi đàn bầu có hay đâu.

Ông Tường nói:

- Không. Bố không muốn con chơi đàn bầu nữa. Tiếng đàn bầu của con buồn lắm, không thoát được. Từ nay con đừng chơi đàn bầu nữa.

Dọn dẹp mâm bát xong, gia đình Diệu Linh trở thành một đội văn nghệ.

Ông Tường kéo nhị, bà Thường hát xẩm, Diệu Linh gõ phách, còn Quân đánh đàn bầu.

Trước đây Diệu Linh đã nhiều lần được nghe mẹ hát chèo, hát xẩm, nhưng bà thường hát một mình. Hôm nay thì bà hát có nhạc đệm. Diệu Linh ngạc nhiên, không ngờ mẹ hát hay thế.

Bà Hường hát bài “Lỡ bước sang ngang”, rồi “Trăng sáng vườn chè”.

Nghe bà hát “Lỡ bước sang ngang”, tự dưng Diệu Linh thấy não nề.

***

Những ngày sau Diệu Linh lao vào ôn thi và đỗ cả hai trường, trường nào điểm cũng cao. Khỏi phải nói ông bà Tường tự hào về con gái mình như thế nào. Ở nhà, nhiều khi ông Tường cũng gọi Linh là “jolie”.

Bây giờ đỗ cả hai trường thì học trường nào?

Diệu Linh đang phân vân lựa chọn, thì một hôm có một người coi ông Tường như anh đến chơi. Đó là Trần Hoàng Vũ - Tổng biên tập Báo Người đẹp Việt.

Ông Tường hỏi:

- Con Linh nhà tôi thi đỗ vào Tổng hợp Văn và Khoa Báo chí. Theo chú thì nên vào trường nào?

Tổng biên tập Trần Hoàng Vũ nghĩ một lát, rồi nói:

- Anh cho cháu đi học báo chí.

Ông Tường hỏi:

- Tại sao anh lại bảo cho nó đi học báo chí? Tôi nói thật là tôi không thích báo chí. Chú biết đời tôi rồi đấy. Chính báo chí là nơi vùi dập tôi, khiến tôi không mọc mũi, sủi tăm lên được suốt một thời gian dài.

Tổng biên tập Vũ nói:

- Thôi mà anh, chuyện thời ấy qua rồi. Bây giờ anh phải nhìn nhận thế này: Xã hội mình đang phát triển, báo chí đang trở thành cơ quan quyền lực thứ tư, mặc dù chẳng có văn bản nào nói rằng báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư, cũng chẳng có ai thừa nhận quyền lực của báo chí, nhưng trên thực tế, báo chí đang là cơ quan quyền lực. Linh là đứa thông minh, sắc sảo, lại có nhan sắc. Có nhan sắc là lợi thế vô cùng cho nghề làm báo. Người ta có dễ dàng từ chối gặp một cô phóng viên, nhưng rất khó từ chối một người đẹp. Theo em, anh nên cho cháu đi học báo chí.

Ông Tường nhíu mày khó chịu:

- Tôi thấy những đứa con gái viết báo hay thì mấy đứa có sắc đẹp đâu. Bọn có sắc đẹp thì suốt ngày lo son phấn, quần nọ, áo kia thì thời gian đâu mà tư duy, thời gian đâu mà đi thực tế, làm sao dám lăn lộn với cuộc sống để viết báo.

Tổng biên tập Vũ lại nói:

- Thôi anh. Ngày trước khác, bây giờ khác. Anh cứ để cho nó đi học làm báo. Học xong thì về báo em. Em sẽ đào tạo, rèn luyện cho. Thằng em anh có nhiều cái kém, nhưng riêng về chuyện nghề, báo chí thì anh biết rồi đấy.

Ông Tường lắc đầu:

- Nghề chú thì tôi biết rồi. Tờ báo của chú cũng là tờ báo có danh tiếng. Chú cũng là một trong những nhà báo có tiếng là sạch sẽ. Thôi, tùy chú với nó. Lát nữa nó về thì chú bảo nó.

Diệu Linh về đến nhà thì ông Vũ đón ở ngoài cửa và nói:

- Chết thật, mày càng lớn càng xinh như thế này. Mày đi học báo chí xong về tờ báo của chú là đúng nhất. Người đẹp lại về Báo Người đẹp Việt. Chú bàn với bố mày rồi. Chịu khó học báo chí cháu nhé.

hong nhan da truan ky 17

Diệu Linh nói:

- Sao hôm nay bố cháu lại đổi mới thế. Từ trước đến nay, cứ nói đến báo chí là bố cháu khó chịu.

Ông Tường thẳng thừng:

- Thực ra, bố cũng chẳng thích cái nghề làm phóng viên báo chí ấy đâu.

Tổng biên tập Vũ nói:

- Tại sao anh cứ nghĩ mãi chuyện cũ thế?

Diệu Linh nói với Tổng biên tập Vũ:

- Sau này cháu học xong thì chú phải lo việc cho cháu nhé.

- Nhất trí. Cháu học xong, nếu như cháu thích ở báo chú thì về ngay lập tức. Có lẽ là chú sẽ cấp học bổng cho cháu luôn từ năm thứ nhất.

Diệu Linh hỏi:

- Sao lại phải cấp học bổng cho cháu?

Tổng biên tập Vũ:

- À, đó là một cách giữ chân người tài.

Diệu Linh:

- Cháu đã đi học ngày nào, đã viết bài báo nào đâu mà là người tài?

Ông Vũ:

- Chú đọc một số bài tản văn mày viết rồi. Cũng sâu sắc, tâm trạng lắm. Như thế là được. Chỉ cần vào trường, học nghề báo cho quy củ là xong. Rồi về báo chú mà làm. Tờ báo của chú là tờ danh tiếng bậc nhất. Tất cả những người đẹp muốn thành hay bại đều nhờ tờ báo chú. Cháu về viết phóng sự, ký sự chân dung về những người đẹp là nhẹ nhàng nhất. Vừa nhàn thân, khỏi phải đau đầu lo chuyện làm báo hằng ngày, chuyện chính trị, chính em, chuyện nọ chuyện kia, chỉ tập trung vào người đẹp. Già có kiểu đẹp của già, trẻ có kiểu đẹp của trẻ, trí thức đẹp kiểu của tri thức, mà người lao động có cái đẹp của người lao động. Ở đâu chẳng cần cái đẹp. Thôi nhé, khỏi phải lo. Nếu học xong, có những tờ báo khác trả lương cao hơn mà cháu đi thì chú đành chịu.

Vậy là Diệu Linh vào học Khoa Báo chí của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ngay từ khi bước vào cổng trường đại học, Diệu Linh đã được mọi người chú ý. Có những lúc Diệu Linh thấy ngại vì sự chú ý nhiều quá khiến Diệu Linh mất tự do.

***

Bộ phim được khởi quay rất suôn sẻ. Trong vai trò là một cố vấn, Diệu Linh rất tế nhị, hầu như không bao giờ có ý kiến gì trực tiếp với ông Cường hay phó đạo diễn Hữu Tùng. Khi đến trường quay, cô luôn ăn mặc giản dị, không son phấn và cũng rất ít khi nói chuyện với mọi người một cách vui vẻ. Cô luôn giữ một khoảng cách nhất định với tất cả, thậm chí như muốn che giấu đi thân phận thực sự của mình.

Có những lúc rỗi rãi, có người này, người khác hỏi cô thì cô chỉ cười.

Có những cảnh quay, ông Cường hỏi:

- Cháu thấy thế nào? Có ổn không?

Diệu Linh chỉ nói:

- Cháu có biết gì đâu.

Lúc đầu ông Cường rất ngạc nhiên và hỏi:

- Lạ nhỉ? Chú không nghĩ là một người đã viết được sách như cháu mà lại không có chính kiến gì trước những cảnh quay. Chú tin rằng cháu biết diễn viên họ diễn tốt hay không, đạt hay không. Cháu phải có ý kiến chứ?

Diệu Linh tế nhị:

- Thú thật là cháu không biết gì.

Tuy nhiên, vào những lúc rỗi rãi, khi có cơ hội, Diệu Linh thường tâm sự với Phương Minh hoặc với các diễn viên khác.

Một hôm, sau cảnh quay Phương Minh đi chơi với nhà thơ trẻ Hồng Phương ở ven hồ và cảm giác của Phương Minh khi nghe Hồng Phương đọc thơ có vẻ hơi lạnh lùng, Diệu Linh nói:

- Em này, ngày ấy khi ngồi ở bãi cỏ ven hồ như thế này, nghe Hồng Phương đọc thơ chị thấy sao mà đời chị hạnh phúc thế. Lúc ấy, chị nhìn Hồng Phương như nhìn một ngôi sao sáng trên trời và chị đã tự nhủ rằng: Đời mình thật là may mắn khi được một nhà thơ như vậy để ý đến. Khi chị nhìn em diễn, chị vẫn thấy trong ánh mắt em có điều gì đó không phải là cảm xúc của một cô gái coi người con trai kia là thần tượng của mình.

Phương Minh nói:

- Em hiểu điều đấy. Em cố lắm nhưng không được. Khi nghe anh ta nói, dù là diễn viên nói, em thấy tởm tởm thế nào ấy. Nó là một sự giả dối, sáo rỗng mà em không thể chịu được. Em cũng đã tự nhủ như chị dặn nhưng không làm sao được.

Phương Minh nhìn Diệu Linh rơm rớm nước mắt và nói:

- Em đọc đi đọc lại cuốn tự truyện của chị mà thương chị vô cùng. Em không hiểu tại sao chị lại có đủ nghị lực và bản lĩnh để tồn tại được trong một cuộc sống phức tạp đến như vậy.

Phương Minh hỏi tiếp:

- Liệu bây giờ chị đã đạt đến mức vô ngã chưa?

Diệu Linh ngạc nhiên hỏi:

- Sao em cũng quan tâm đến chuyện vô ngã?

Phương Minh nói:

- Nhà em có đôi câu đối của ông em để lại cho bố. Câu đối bằng chữ Hán mà dịch nghĩa ra là: Con người ta có trải gian nan, rèn luyện thì mới thành người tài; muốn trừ đi phiền não, buồn bực thì phải tập tu thiền, trở thành vô ngã.

Diệu Linh nói:

- Chị cũng không biết đã đạt đến mức ấy chưa, nhưng hiện tại chị rất bằng lòng với cuộc sống và không muốn có gì xáo động.

Trong bữa cơm ở hiện trường hoặc khi đàm đạo chuyện này, chuyện khác, nếu vắng ông Cường thì Phó đạo diễn Hữu Tùng luôn nói với các diễn viên trẻ:

- Các bạn phải nhớ rằng đời các bạn một lần được đóng phim do ông Huy Cường đạo diễn là may mắn không phải diễn viên nào cũng có được. Cụ ấy là một cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt Nam, là người làm nên lịch sử nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Được cụ dạy dỗ như thế này là một cơ hội hiếm có. Tất nhiên, trong số các bạn ở đây có bạn chỉ coi việc đóng phim này là chơi, nhưng cũng có bạn coi diễn viên sẽ là nghề của mình sau này. Các bạn hãy cố học tập cho nghiêm túc.

Anh diễn viên đóng vai Hồng Phương nói:

- Công nhận là bố già khắt khe thật. Nhìn ánh mắt của cụ ấy mà em thấy không thể thăng hoa được.

Phó đạo diễn Hữu Tùng nói:

- Khi diễn, cậu phải hóa thân vào nhân vật. Đừng nghĩ đến đạo diễn. Cậu hãy quên ông ấy đi. Còn những gì ông ấy chỉ bảo, dạy dỗ từ trước thì cố mà nhập tâm, nhưng quan trọng nhất là các cậu phải đọc thật thuộc kịch bản. Tôi thấy gần đây các cậu đã có ý thức khá hơn rất nhiều rồi đấy. Khi ra trường quay, không phải ôn lại nhiều nữa là điều rất tốt. Muốn hát hay thì phải thuộc bài hát. Muốn ngâm thơ hay, có ngữ điệu, thể hiện đúng hồn bài thơ thì cũng phải học thuộc. Diễn viên cũng thế thôi, phải thuộc tính cách của nhân vật để diễn xuất.

Nữ diễn viên đóng vai Phương Lan cười và nói:

- Em đóng mấy phim rồi, nhưng đây là lần đầu tiên em thấy khắt khe như thế này. Những phim khác thì đến lúc quay mới đọc kịch bản, mà cũng chẳng cần thuộc vì đã có người đứng sau nhắc.

Phó đạo diễn Tùng nói:

- Thế mới có loại phim hàng chợ.

Đoàn làm phim được bà Thanh lo cho rất chu đáo. Nếu quay phim ở ngoài trời, thì có nhà bạt mang theo, có cơm nóng, canh ngọt, có đầy đủ nước uống. Đặc biệt là các diễn viên được chăm sóc rất chu đáo. Mọi người cảm thấy rất hài lòng.

Không phải hôm nào Diệu Linh cũng đến trường quay, nhưng mỗi khi không đến được thì cô lại thấy áy náy rằng không biết Phương Minh sẽ diễn vai của mình như thế nào. Cô đành nhờ Nhân và mấy người bạn trông nom giúp mọi việc ở trường mẫu giáo, còn cô thì đi theo đoàn làm phim.

Sau những ngày theo đoàn làm phim, cô linh cảm thấy rằng mỗi khi có cô ở trường quay, ông Cường có điều gì đó khác hẳn. Người cũng nhận ra sự khác biệt ấy là phó đạo diễn Hữu Tùng và bà Thanh chủ nhiệm. Khi không có Diệu Linh, ông Cường luôn có gì đó bồn chồn, bực bội trong người và không tập trung được toàn tâm, toàn ý vào việc chỉ huy diễn xuất. Đôi lúc ông hay nổi cáu vô cớ. Đến bữa ăn cơm, ông thường ngồi lặng lẽ ở một góc, khuôn mặt hiện lên nét ưu tư, ủ dột. Nhưng hôm nào có Diệu Linh ở trường quay thì tự nhiên ông khác hẳn. Ông nhanh nhẹn, hoạt bát, cười đùa vui vẻ và thậm chí nói đùa cả những câu mà bình thường ông rất tránh. Những người từng ở với ông đều biết rõ ông là người rất mô phạm, nghiêm khắc trong nghề nghiệp, đặc biệt là đối với diễn viên.

Một lần, khi không có Diệu Linh ở trường quay, lúc tạm nghỉ để chuyển bối cảnh, thấy ông Cường ngồi ở một góc, khuôn mặt có vẻ ủ dột, bà Thanh gọi phó đạo diễn Hữu Tùng ra:

- Này, cậu có nhận thấy thái độ rất khác của anh Cường không?

Hữu Tùng nói:

- Có chứ ạ. Em nói thật với chị nhé, em sinh năm Tuất, mũi em thính như mũi chó, tai em thính như tai chó, mắt em cũng tinh như mắt chó. Con ruồi bay qua là em còn biết nó có chửa được mấy ngày rồi. Em đồ rằng ông bác nhà ta tương tư con bé Diệu Linh rồi đấy.

Bà Thanh nói:

- Chị cứ tưởng mình chị là người tinh tường, hóa ra… Mắt chú đúng là mắt cú vọ. Nhưng mà cũng khổ. Anh ấy tuổi cao quá, hình dáng lại như thế, đứa con gái nào có thể yêu được ông ấy nữa, trừ những đứa chồng chán, chồng bỏ, chồng chê hoặc luống tuổi. Nhiều lúc nhìn mặt ông ấy mình vẫn còn thấy sợ.

Hữu Tùng nói:

- Lúc nào ông ấy cáu, mắt sếch ngược lên thì nom đến là hãi. Nhưng mà thôi, đến cuối đời lại có một tình yêu đơn phương thì có khi cũng hay.

Bà Thanh hỏi:

- Mà không biết ông ấy định sống một mình đến lúc nhắm mắt xuôi tay hay là thế nào?

Hữu Tùng nhún vai:

- Có giời mới biết được. Chị đi mà hỏi ông ấy. Nhưng em biết chắc chắn cái Bình và thằng Thành rất muốn ông ấy lấy vợ. Thậm chí chúng nó còn đi tìm vợ cho bố. Hai đứa con ông ấy ngoan lắm. Chúng nó rất thương ông ấy. Nghe nói là chúng nó đã tìm mấy đám rồi nhưng ông ấy đều dửng dưng. Có thể là trái tim ông ấy khô héo rồi. Có tưới nước vào nữa cũng không nở được.

Nghe Hữu Tùng nói thế, bà Thanh bĩu môi:

- Gớm. Nghe cái giọng của chú… Lại định làm thơ đấy phỏng?

Hữu Tùng nói:

- Ơ hay. Chị lạ thật. Chẳng lẽ em là phó đạo diễn mà không nói được một câu cho lãng mạn, bay bổng hay sao? Bây giờ để thử xem ông bác có tình cảm gì với con bé Diệu Linh không, chị lấy cớ gì đó gọi cái Diệu Linh đến đây.

Bà Thanh suy nghĩ một lát:

- Thôi, chớ có dại. Nó là cố vấn phim. Nếu gọi thì chỉ có cậu hoặc anh Cường gọi, chị gọi thì nó cười cho.

Hữu Tùng suy nghĩ một lát, rồi bảo:

- Thôi được rồi, để em.

Tùng bấm điện thoại gọi cho Diệu Linh.

Diệu Linh đang ở trường, thấy Hữu Tùng gọi, Diệu Linh nghe máy:

- Dạ, em nghe đây ạ.

Phó đạo diễn Hữu Tùng:

- Chào cô. Hôm nay, quay tiếp mấy cảnh ở trong nhà ông Tường nhưng về chuyện mấy nhạc cụ dân tộc, chúng tôi không hiểu gì cả. Tôi muốn nhờ cô đến giúp cho một tý được không?

Diệu Linh suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Em đang bận các cháu, nhưng em sẽ tới.

Hữu Tùng vui vẻ:

- Ừ. Cũng được. Nhưng càng sớm càng tốt nhé. Nếu em đến đây ăn trưa được thì tốt.

- Dạ, vâng. Lát nữa em tới.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau Diệu Linh phóng xe máy tới.

Ông Cường đang nửa nằm nửa ngồi trên ghế xích đu ở trường quay. Nghe thấy tiếng xe máy của Diệu Linh, ông nhận ra ngay và tự nhiên ông linh hoạt hẳn. Ông vẫn ngồi ở ghế nhưng nét mặt giãn ra, ánh mắt bừng sáng hẳn lên.

Thấy Diệu Linh vào, ông nhìn với vẻ ngạc nhiên:

- Sao cháu bảo hôm nay cháu không tới mà?

Diệu Linh nói:

- Dạ, anh Tùng bảo cháu đến để hỏi chút việc trong kịch bản.

Ông Cường nói với vẻ dửng dưng:

- Ừ. Thế thì 2 anh em bàn bạc với nhau đi. Hôm nay chú hơi mệt nên mấy cảnh tới đây, chú để cho nó chỉ huy.

Diệu Linh ra bàn bạc với Tùng.

Tùng bịa ra mấy lý do hỏi Diệu Linh rồi bảo cô ở lại ăn cơm.

Anh và bà Thanh để ý thấy từ lúc có Diệu Linh đến, ông Cường thay đổi hẳn thái độ. Ông nhanh nhẹn, đi lại, hỏi chuyện người này, nói chuyện với người kia. Ông chỉ đợi cơ hội để được ngắm nhìn Diệu Linh.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 04/01/2018

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới