Công tố viên Mỹ yêu cầu dẫn độ một tin tặc về điều tra, nhưng bị chính quyền Hong Kong từ chối sau khi "nhận chỉ thị từ Bắc Kinh".
Người Hong Kong biểu tình phản đối dự luật dẫn độ hôm 9/6. Ảnh: Reuters.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tháng 10 năm ngoái đã "tuân theo chỉ thị từ chính quyền Trung Quốc đại lục" và từ chối yêu cầu dẫn độ một nghi phạm công nghệ sang Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong báo cáo thường niên được công bố hôm 11/6, nhưng không nêu danh tính của nghi phạm.
Mỹ được cho là gửi yêu cầu dẫn độ sau khi chính quyền Hong Kong bắt một tin tặc ở Macau có tên là Iat Hong, 28 tuổi, vào ngày 24/12/2016. Hong bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) buộc tội hack dữ liệu máy tính của các công ty luật New York và sử dụng thông tin thu được trong năm 2014 và 2015 để giao dịch cổ phiếu, kiếm lời 4 triệu USD.
Để chuẩn bị các thủ tục dẫn độ Hong, các công tố viên Mỹ phải trải qua một quá trình gian nan, phức tạp, bao gồm thu thập lời khai đầu tiên của tất cả các nhân chứng. Nhưng cuộc đàm phán dẫn độ với Hong Kong bị đổ bể tháng 10 năm ngoái. Sau 10 tháng tiến hành các thủ tục, đơn xin dẫn độ Hong của chính phủ Mỹ bị từ chối, đến nay vẫn chưa có thông tin thêm.
Hong sau đó được Hong Kong bàn giao cho chính quyền đại lục với lý do Bắc Kinh "đang theo đuổi một hành động pháp lý riêng rẽ" với thanh niên này. "Đây là trường hợp từ chối dẫn độ đầu tiên kể từ khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc năm 1997. Chính quyền đại lục không cung cấp thông tin xử lý đối với cá nhân này", báo cáo cho hay.
Chính quyền Hong Kong hôm 12/6 xác nhận việc từ chối dẫn độ Hong, còn người phát ngôn của chính quyền tuyên bố Hong Kong có quyền xử lý những tội phạm chạy trốn ra đầu thú theo luật pháp của đặc khu này. Sở Tư pháp Hong Kong không trả lời câu hỏi tại sao yêu cầu dẫn độ của Mỹ bị từ chối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bà không tường tận sự việc, nhưng Bắc Kinh kiên quyết phản đối báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà Hoa khẳng định Trung Quốc đại lục tuân thủ nghiêm ngặt hiến pháp của mình cũng như tôn trọng luật pháp Hong Kong theo chính sách "Một quốc gia, hai chế độ".
Chính quyền Hong Kong trước đó luôn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và thường chấp nhận yêu cầu dẫn độ theo một thỏa thuận song phương có hiệu lực năm 1997.
Vấn đề dẫn độ nghi phạm ở Hong Kong đang trở thành tâm điểm chú ý khi chính quyền đặc khu muốn sửa đổi luật dẫn độ, cho phép đưa nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ để xét xử, trong đó có Trung Quốc đại lục. Hàng chục nghìn người Hong Kong hôm qua đã xuống đường biểu tình phản đối, khiến phiên họp thảo luận về dự luật này tại Hội đồng Lập pháp bị hủy.
Mai Lâm (Theo SCMP)
Biểu tình rúng động Hong Kong khiến các doanh nghiệp lớn hoang mang
Trong khi hàng chục nghìn người Hong Kong đổ ra đường phố phản đối dự luật dẫn độ, tại các tòa nhà chọc trời, những ... |
Hong Kong 'rơi vào im lặng', cuộc họp dự luật dẫn độ tiếp tục hoãn
Hội đồng Lập pháp Hong Kong một lần nữa hoãn cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ, nguyên nhân gây nên cuộc biểu tình ... |
Hai cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ làm rung chuyển Hong Kong
Cả hai cuộc tuần hành trong 4 ngày để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong để trở thành bạo động khi cảnh ... |
Ngày đăng: 16:21 | 13/06/2019
/