Cảnh sát Hong Kong khẳng định hành động của họ là hoàn toàn hợp pháp khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi có quy mô lớn.
Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay vào người biểu tình hôm 12/6. Ảnh: AP |
Sĩ quan cảnh sát Hong Kong Stephen Lo Wai-chung hôm qua cho hay lực lượng này phải sử dụng tới hơn 150 loạt đạn hơi cay ngày 12/6, khi trấn áp cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi của chính quyền đặc khu. Con số này gần gấp đôi lượng đạn hơi cay được bắn ra trong ngày đầu tiên của cuộc biểu tình "Chiếm trung tâm", còn gọi là "Phong trào ô dù", nổ ra tháng 9/2014 ở Hong Kong, với hàng trăm ngàn người chiếm đóng các đường phố chính ở Hong Kong suốt gần ba tháng để đòi quyền dân chủ.
Lo cho biết cảnh sát Hong Kong đã bắt 11 người liên quan biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. "Suốt một thời gian dài, tôi chưa từng thấy cảnh như vậy", Lo nói. Ông giải thích rằng lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ kiểm soát tình hình, giải tán đám đông, duy trì luật pháp, trật tự nhằm "biến Hong Kong thành một nơi an toàn để sống".
Lo nhấn mạnh cảnh sát không sử dụng vũ lực quá mức và các loại vũ khí chống bạo loạn được sử dụng trong cuộc biểu tình ở Hong Kong chỉ ngang bằng với những gì được các nhà thực thi luật pháp nước ngoài sử dụng khi đối phó với các tình huống tương tự. Theo Lo, nhiều cảnh sát phải làm việc suốt hơn 30 tiếng và cần được cảm thông thay vì chỉ trích.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh bác bỏ những cáo buộc rằng Bắc Kinh chỉ thị cho Hong Kong sửa đổi dự luật dẫn độ của chính quyền đặc khu khi trả lời truyền thông Anh gần đây. Ông Lưu đứng về phía cảnh sát Hong Kong trong hoạt động trấn áp biểu tình, cho rằng đó là hoạt động phòng vệ chính đáng với mục đích khôi phục trật tự, đồng thời lên án "các lực lượng trong và ngoài Hong Kong đang cố gắng lợi dụng tình hình để làm nhiễu loạn".
Hàng chục nghìn người đã tràn xuống đường phố Hong Kong ngày 12/6 để phản đối dự luật dẫn độ, châm ngòi cho các cuộc đụng độ với cảnh sát. Nhà chức trách Hong Kong đã sử dụng đạn cao su, đạn hơi cay để trấn áp biểu tình, khiến ít nhất 72 người bị thương.
Đây là cuộc biểu tình quy mô thứ hai của người Hong Kong sau cuộc tuần hành hôm 9/6 để kêu gọi chính quyền hủy bỏ dự luật gây tranh cãi. Trưởng đặc khu Carrie Lam tối 12/6 chỉ trích các hành động "gây nguy hiểm" của người biểu tình, cho rằng đây là cuộc "bạo loạn trắng trợn, có tổ chức".
Sau một ngày biểu tình hỗn loạn, đường phố Hong Kong hôm qua đã yên tĩnh trở lại, chỉ có vài người xuất hiện trên đường, chủ yếu để dọn dẹp quanh trụ sở cơ quan lập pháp. Nhiều tuyến đường quanh quận trung tâm thương mại đã hoạt động trở lại, song trung tâm thương mại Pacific Place gần Hội đồng Lập pháp vẫn đóng cửa. Các văn phòng chính quyền ở quận tài chính đóng cửa đến hết tuần.
Bà Carrie Lam cho hay chính quyền đặc khu sẽ không từ bỏ dự luật dẫn độ sửa đổi, nhưng chưa ấn định thời gian cho phiên thảo luận về dự luật sau cuộc biểu tình.
Mai Lâm (Theo SCMP)
Những câu hỏi về dự luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong
Nhiều người Hong Kong không muốn đặc khu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục, trong khi chính quyền thúc đẩy dự luật để ... |
Hong Kong 'rơi vào im lặng', cuộc họp dự luật dẫn độ tiếp tục hoãn
Hội đồng Lập pháp Hong Kong một lần nữa hoãn cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ, nguyên nhân gây nên cuộc biểu tình ... |
Hai cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ làm rung chuyển Hong Kong
Cả hai cuộc tuần hành trong 4 ngày để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong để trở thành bạo động khi cảnh ... |
Ngày đăng: 12:46 | 14/06/2019
/ VnExpress