Hơn 10.000 người ký vào đơn kiến nghị trực tuyến gửi lên Nhà Xanh, yêu cầu trừng phạt nặng với gã đàn ông vũ phu bạo hành người vợ Việt.
Các vụ bạo hành cô dâu ngoại quốc không phải là chuyện lạ ở Hàn Quốc, nơi nhiều đàn ông thích dùng nắm đấm để nói chuyện. Tuy nhiên, dư luận nước này thực sự sục sôi sau khi đoạn video một gã đàn ông vũ phu đánh đập người vợ Việt suốt 3 tiếng trong tình trạng say rượu ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla được đăng tải hôm 6/7.
Hơn 10.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trực tuyến gửi lên Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), yêu cầu trừng phạt nặng với gã đàn ông vũ phu trong đoạn clip trên.
Liên quan tới vụ việc, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Min Gap-ryong trong cuộc gặp với Bộ trưởng Công An Tô Lâm hôm 8/7 bày tỏ hối tiếc về trường hợp cô dâu Việt bị bạo hành và hứa sẽ điều tra vụ việc kỹ lưỡng. Bộ trưởng Tô Lâm đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc.
Theo Korea Times, nhiều trường hợp cô dâu ngoại quốc bị bạo hành cho thấy lỗ hổng trong các quy định trong luật nhập cư của Hàn Quốc.
Luật pháp Hàn Quốc trước đây quy định người chồng Hàn Quốc phải là người bảo lãnh thị thực và tình trạng nhập cư của vợ mình cũng như hỗ trợ họ trong quá trình gia hạn visa kết hôn hoặc cấp quyền cư trú vĩnh viễn. Tới tháng 12/2011, luật này được sửa đổi để bảo vệ tốt hơn quyền con người của người nhập cư.
Người chồng Hàn Quốc trình diện trước tòa ngày 8/7 sau vụ bạo hành cô dâu Việt. (Ảnh: Yonhap) |
Tuy nhiên, các nhóm dân sự cho biết thủ tục pháp lý vẫn gây rất nhiều khó khăn cho những cô dâu ngoại muốn được nhập tịch Hàn Quốc mà không cần tới sự giúp đỡ của chồng.
"Người nước ngoài cần trải qua một cuộc phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc. Tới năm 2018, các cơ quan di trú không cho phép các phụ nữ nước ngoài tới làm thủ tục này nếu không có chồng Hàn Quốc đi cùng", Kang Hye-sook, đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc cho biết.
Điều này cùng các quy trình pháp lý mơ hồ, phức tạp - điều mà hầu như các cô dâu ngoại không thể làm một mình do kỹ năng ngôn ngữ kém và không ai giúp đỡ - trao cho các ông chồng quyền kiểm soát số phận người vợ nước ngoài của họ. Đây là lý do vì sao nhiều phụ nữ chịu đựng bạo lực và làm dụng mà không báo cáo với các cơ quan thực thi pháp luật.
Các phụ nữ ngoại quốc chỉ có thể có quyền sống hợp pháp ở Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp anh ta chết hoặc bỏ rơi họ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 12/2018, có khoảng 132.391 phụ nữ nước ngoài nhập cư Hàn Quốc theo dạng kết hôn, chiếm 1/10 trong tổng số người ngoại quốc sống ở Hàn Quốc
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc cho thấy 42,1% trong tống số 920 người được hỏi cho rằng họ phải chịu đựng bạo hành gia đình, 38% bị lạm dụng thể chất trong khi gần 20% nói bị đe dọa bằng vũ khí.
Tuy nhiên, 31,7% cho biết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, 25% không muốn người khác biết mình bị bạo hành, 20,7% nói họ không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu và cũng 20,7% tin rằng có tìm người khác cũng không giải quyết được vấn đề.
Một nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc (MOGEF) cho thấy 6,4% người vợ nhập cư đệ đơn ly hôn viện dẫn lý do bị bạo hành và đối xử tệ bạc.
Ông Kang cho rằng cần phải có một hệ thống cung cấp sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng 2 quốc tịch.
"Một nền văn hóa gia trưởng, trọng nam kinh nữ và một hệ thống nhập cư nghèo nàn là lý do tại sao những người vợ nhập cư phải chịu bạo lực ở Hàn Quốc", ông Kang nói.
Hàn Quốc lo ngại hình ảnh đất nước "bị sụp đổ" sau vụ bạo hành cô dâu Việt
Giới chức Hàn Quốc cho rằng vụ bạo hành cô dâu Việt Nam có thể gây tổn hại đến hình ảnh thân thiện của Hàn ... |
Vụ cô dâu Việt bị chồng bạo hành gây phẫn nộ ở Hàn Quốc
Truyền thông Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng bạo hành cô dâu ngoại quốc, trong khi dư luận kêu gọi giới chức xử phạt ... |
Cô dâu Việt phải lén ghi hình mới dám tố giác chồng Hàn bạo hành
Nhiều ý kiến cho rằng xã hội gia trưởng tại Hàn Quốc cùng vai trò của người chồng trong quá trình xét nhập tịch khiến ... |
Ngày đăng: 15:29 | 09/07/2019
/ vtc.vn